Những con người mang dòng máu hiếm và trái tim hồng

Mang trong mình dòng máu đặc biệt Rh- (cả nước hiện có khoảng 0,07% dân số có nhóm máu này) những thành viên Câu lạc bộ máu hiếm thấu hiểu hơn ai hết về tầm quan trọng dòng máu mình mang.

Họ cũng luôn tâm huyết với công cuộc hiến máu cứu người. Dù ngày hay đêm, xa hay gần, chỉ cần một cú điện thoại, họ đều sẵn sàng lên đường, chia sẻ những đơn vị máu quý giá của mình để cứu tính mạng người khác.

Sẵn sàng trong mọi hoàn cảnh

Tham gia buổi hiến máu được tổ chức tại trường khi học năm thứ nhất đại học, Nguyễn Thị Thảo, Trưởng nhóm máu hiếm O Rh- khu vực miền Bắc mới biết được mình có nhóm máu Rh-, nhóm máu rất hiếm ở Việt Nam. Do học y nên Thảo hiểu ngay được sự đặc biệt trong dòng máu của mình. Vì thế, Thảo nhanh chóng đăng ký tham gia Câu lạc bộ nhóm máu hiếm do Viện Huyết học và Truyền máu trung ương thành lập để có thể giao lưu và tương trợ lẫn nhau giữa các thành viên trong cộng đồng máu hiếm.

Đoàn viên, thanh niên Bình Phước tham gia hiến máu tình nguyện. Ảnh: Nguyễn Văn Việt/TTXVN

Thảo cho biết, bất cứ khi nào có kêu gọi hiến máu cho bệnh nhân, không chỉ riêng Thảo mà tất cả anh chị em trong Câu lạc bộ đều không quản ngại xa xôi, nhanh chóng thu xếp công việc để tham gia hiến máu. Thảo nhớ lại: Có lần cô nhận được kêu gọi dự phòng máu trong đêm cho một sản phụ mổ cấp cứu. Dù sống và làm việc tại Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc nhưng không hề do dự, Thảo và hai bạn nữa cùng đón xe đến Bệnh viện Phụ Sản Trung ương (Hà Nội) lúc 1h đêm, chờ mãi đến 2h thì được thông báo ca mổ thành công và chưa phải truyền máu. Cả nhóm lại kéo nhau ra về nhưng không ai cảm thấy bất tiện mà ngược lại còn rất vui vì bệnh nhân vẫn an toàn.

Tháng 4 vừa qua, các thành viên nhóm máu hiếm O Rh- khu vực miền Bắc do Thảo làm trưởng nhóm đã giúp đỡ một bệnh nhân người nước ngoài tên David Trees thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Bệnh nhân này mắc bệnh xơ gan, phải trải qua một ca phẫu thuật lớn nên cần một lượng lớn cả hồng cầu và tiểu cầu. Nhận được thông tin, Thảo lại gấp rút từ Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc xuống Viện Huyết học và Truyền máu trung ương hiến máu. Các thành viên khác dù ở xa, bận đi làm, đi học nhưng đều tranh thủ thời gian sớm nhất có thể để đến tham gia hiến máu.

Nhờ vậy, chỉ trong vòng 20 tiếng, các thành viên đã kêu gọi được 12 đơn vị máu toàn phần và 6 đơn vị tiểu cầu máy, đủ để đảm bảo cho ca phẫu thuật của bệnh nhân. Sau này, người nhà bệnh nhân có nhắn lại thông báo bệnh nhân đã hồi phục và gửi lời cảm ơn nhóm. Chỉ cần thế thôi chúng em đã thấy rất vui rồi, Thảo tâm sự.

Giống như nhiều người, Lê Văn Diệp, trưởng nhóm máu hiếm AB Rh- khu vực miền Bắc khá lo sợ khi phát hiện mình thuộc nhóm máu hiếm do chưa hiểu máu hiếm là như thế nào. Sau này tìm hiểu nhiều Diệp mới biết, máu hiếm không phải một căn bệnh và cũng không ảnh hưởng đến sức khỏe. Chỉ có điều tỷ lệ người thuộc nhóm máu này ở Việt Nam rất ít. Cho đến thời điểm hiện tại, Diệp đã có hơn chục lần hiến máu. Ban đầu người nhà cũng ngăn cản vì lo sợ ảnh hưởng tới sức khỏe nhưng sau khi nghe Diệp giải thích mọi người đã bắt đầu ủng hộ hơn.

Diệp từng có thời gian làm việc ở Hải Dương nên cũng không ít lần nhận được lời kêu gọi, chàng trai trẻ lại vội vàng thu xếp công việc để trở về Hà Nội tham gia hiến máu. Trong thời gian vận động mọi người tham gia hiến máu, Diệp cho biết còn có những người đi từ Hà Nội vào Thanh Hóa, hoặc tìm cách “qua mặt bác sỹ” để được hiến máu cứu người khi chưa đủ tiêu chuẩn về thời gian giữa những lần hiến máu.

Gia đình thứ hai

Nhằm giúp cho người nhóm máu hiếm Rh- kết nối lại trong cùng một cộng đồng, từ năm 2007, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã thành lập Câu lạc bộ nhóm máu hiếm khu vực miền Bắc. Đây là nơi gặp gỡ, chia sẻ của người nhóm máu hiếm tất cả các tỉnh phía Bắc. Ban đầu, câu lạc bộ chỉ có 19 thành viên nhưng đến nay đã có hơn 300 người tham gia thường xuyên và khoảng 500 người có đăng ký tham gia nhưng không thường xuyên sinh hoạt.

Bạn Trần Thị Phương Thảo, Trưởng nhóm máu hiếm B Rh- khu vực miền Bắc cho biết, những người có nhóm máu hiếm Rh- chỉ có thể nhận máu từ người cho có máu Rh-. Máu Rh- có thể truyền cho người mang nhóm máu Rh+ nhưng không thể nhận máu Rh+. Nếu truyền nhầm nhóm máu sẽ xảy ra hiện tượng tan máu, gây sốc, suy thận, trụy tim mạch và tử vong. Vì vậy, các thành viên trong cộng đồng máu hiếm đều hiểu lúc cần, chỉ trong cộng đồng mới có thể hiến máu cứu nhau nên ai cũng coi câu lạc bộ máu hiếm là gia đình thứ hai của mình.

Vừa là người cho máu lại cũng là người từng được nhận máu nên Nguyễn Thị Hạnh, trưởng nhóm máu hiếm O Rh- hiểu hơn ai hết sự gắn bó, đoàn kết trong cộng đồng máu hiếm. Nhớ lại lần được nhận máu sau vụ tai nạn giao thông, Hạnh cho biết: Sau một lời kêu gọi cần máu, Hạnh đã nhận được sự chia sẻ nhiệt tình của rất nhiều người. Cô xúc động trước những tình cảm mà các anh chị và các bạn dành cho mình. Có trải qua những giây phút đó mới cảm nhận thấy tình cảm ấy đúng như anh chị em trong gia đình, ai cũng lo lắng và sẵn sàng đến hiến máu cho nhau.

Bên cạnh việc kết nối, đoàn kết để giúp đỡ nhau thì các thành viên còn chia sẻ thông tin với nhau và với mọi người để tránh mọi hiểu lầm dẫn đến hoang mang do những thông tin sai lệch.

Hiện nay, hầu hết các thông tin kêu gọi hiến máu đều được Ban quản lý Câu lạc bộ cập nhật liên tục, thường xuyên trên các trang facebook, zalo. Đó là kênh kết nối nhanh nhất đến các thành viên, đồng thời cũng là kênh thông tin tuyên truyền rộng rãi đến cộng đồng về máu hiếm và vận động những người mang máu hiếm Rh- cùng tham gia Câu lạc bộ. Hàng năm, Câu lạc bộ cũng tổ chức các buổi gặp mặt và một số buổi tư vấn cho chị em trong độ tuổi sinh nở để phòng tránh những nguy cơ có thể xảy ra do bất đồng nhóm máu.

Hiện nay, các thành viên Câu lạc bộ nhóm máu hiếm đã trải dài trên khắp mọi miền đất nước. Ngoài Câu lạc bộ nhóm máu hiếm miền Bắc tại Viện Huyết học và Truyền máu trung ương đã có thêm các chi nhánh tại các trung tâm truyền máu lớn như Bệnh viện Trung ương Huế (Câu lạc bộ máu hiếm miền Trung), Bệnh viện Chợ Rẫy (Câu lạc bộ máu hiếm miền Nam) và các cộng đồng nhỏ hơn tại địa phương.

Mỗi năm các thành viên nhóm máu hiếm đã tham gia hiến hàng trăm đơn vị máu, góp phần cứu giúp nhiều người bệnh qua cơn nguy kịch. Họ làm công việc này hoàn toàn tình nguyện mà không đòi hỏi bất cứ chi phí nào bởi đơn giản với họ “cho đi là nhận lại”.

Minh Huệ (TTXVN)
Tôn vinh tập thể, cá nhân trong phong trào hiến máu tình nguyện
Tôn vinh tập thể, cá nhân trong phong trào hiến máu tình nguyện

Ngày 13/6, tại thành phố Bà Rịa, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức tổng kết 10 năm (2008-2017) công tác hiến máu tình nguyện và tôn vinh người hiến máu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN