Video Cận cảnh phương tiện "diễn xiếc" vi phạm luật giao thông trên đường phố Hà Nội:
Do mức xử phạt thấp, chưa đủ sức răn đe, nên nhiều chủ phương tiện, lái xe vẫn ngang nhiên hoạt động, vi phạm nghiêm trọng Luật Giao thông đường bộ. Đa phần xe vi phạm khi tham gia giao thông đều là xe tự chế, chở cồng kềnh, quá tải, phóng nhanh, vượt ẩu... nên người đi đường thường tránh xa khi nhìn thấy. Rõ ràng, việc thiếu vắng lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra đã tạo điều kiện cho những chiếc xe này vi phạm.
Đáng nói, những xe tự chế này thậm chí chở sắt thép, tôn cũ phế thải sắc nhọn... nhưng không che chắn, luồn lách trên phố, trực tiếp gây nguy hiểm cho người đi đường nếu xảy ra va chạm giao thông. Chưa kể, những chiếc xe tự chế này chủ yếu là xe cũ nát, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông cao, nhưng chủ xe vẫn cố tình sử dụng, coi thường pháp luật.
Cận cảnh những chiếc xe "thương binh" 3 bánh, xe máy lôi xe thùng tự chế chở hàng quá khổ, quá tải như "diễn xiếc" lưu thông trên phố ngang nhiên, mới thấy sự coi thường pháp luật của lái xe, người thuê chở hàng... Qua ghi nhận của phóng viên, những tuyến đường thường xuyên xuất hiện tình trạng xe tự chế lưu thông "diễn xiếc" chủ yếu ở các huyện ngoại thành, còn trong nội đô dễ bắt gặp nhất trên những tuyến phố Hoàng Quốc Việt, Trần Cung, Duy Tân, Trần Quốc Hoàn (quận Cầu Giấy), Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, Đinh Tiên Hoàng (quận Hoàn Kiếm), Yên Phụ, Thụy Khuê, Lạc Long Quân (quận Tây Hồ)...
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT Công an TP Hà Nội), Thành phố hiện có khoảng 4.000 xe 3 bánh tự chế, xe thương binh, trong đó chỉ có khoảng gần 1.000 xe là của thương binh, bệnh binh, người khuyết tật, còn lại chủ yếu xe hoạt động có nguồn gốc từ địa phương khác, thậm chí có hiện tượng lấy mác thương binh đứng chủ sở hữu nhiều xe tự chế để hoạt động. Đáng lên án là lợi dụng chính sách ưu tiên đặc biệt của Nhà nước đối với thương binh, nhiều đối tượng giả danh thương binh chạy xe ba bánh tự chế để kinh doanh vận tải trái phép.
UBND TP Hà Nội cũng đã ban hành công văn số 1370/UBND-TH yêu cầu Công an TP, Sở Giao thông vận tải, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, xử lý xe 3 bánh, xe máy lôi xe thùng tự chế và các phương tiện giao thông chở hàng hóa cồng kềnh, nguy hiểm, gây mất trật tự an toàn giao thông; giao lực lượng công an kiểm soát, xử lý nghiêm các lái xe vi phạm, nhất là những trường hợp lái xe giả danh thương binh, xe đứng tên thương binh, nhưng cho thuê, mượn, lái xe máy "quá đát" để chở hàng.
Tình trạng gây mất an toàn giao thông nêu trên đã diễn ra từ nhiều năm nay, nhưng các cơ quan, lực lượng chức năng vẫn chưa có giải pháp xử lý dứt điểm. Mặc dù mỗi ngày Phòng CSGT đều bắt giữ, xử lý hàng loạt trường hợp vi phạm, nhưng vẫn không xuể. Có nhiều trường hợp chủ xe, lái xe chống đối, gọi "chi viện" để gây áp lực với lực lượng chức năng, chưa kể các tuyến phố khi có những loại xe này lưu thông còn rơi vào cảnh ùn tắc cục bộ, người đi đường thường phải tự tìm cách nhường đường từ xa cho đỡ phiền toái.
Theo Khoản 4 Điều 19 Thông tư 46/2015/TT-BGTVT của Bộ GTVT quy định chiều rộng và chiều dài xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ khi lưu thông trên đường bộ đối với xe gắn máy như sau: Không được xếp hàng hóa, hành lý vượt quá bề rộng giá đèo hàng theo thiết kế của nhà sản xuất về mỗi bên 0,3 m, vượt quá phía sau giá đèo hàng là 0,5 m, chiều cao xếp hàng hóa tính từ mặt đường xe chạy không vượt quá 1,5 m. Khoản 3k Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Người đang điều khiển xe hoặc chở người ngồi trên xe bám, kéo, đẩy xe khác, vật khác, dẫn dắt súc vật, mang vác vật cồng kềnh; chở người đứng trên yên, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái; xếp hàng hóa trên xe vượt quá giới hạn quy định; điều khiển xe kéo theo xe khác, vật khác...
Để đảm bảo an toàn giao thông, hạn chế tai nạn giao thông do những phương tiện tự chế, chở quá khổ, quá tải "diễn xiếc" nguy hiểm trên phố gây ra, đã đến lúc, Hà Nội phải mạnh tay xử lý đến nơi đến chốn. Bộ GTVT hiện đã có quy định cấm các loại xe hết niên hạn sử dụng, tự chế hoạt động. Về nguyên tắc, lực lượng chức năng phải thu giữ các loại xe này để tránh gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, các quy định, giải pháp này chỉ là phần “ngọn”, chính quyền sở tại và các lực lượng liên quan ở cơ sở phát hiện, thống kê và phải có trách nhiệm tuyên truyền, xử lý triệt để, mới mong xóa sổ được loại xe này.