“Vừa chạy vừa xếp hàng”
Ông Lê Quốc Việt, Giám đốc công ty Santa (đơn vị vận hành nền tảng hoteljob.vn) cho biết: Từ sự phân tích nhu cầu tuyển dụng và ứng tuyển cho thấy, đầu năm 2022, có sự gia tăng mạnh tuyển dụng đáp ứng hoạt động du lịch dịp Tết. Tuy nhiên, đến giai đoạn này, việc tuyển dụng lĩnh vực khách sạn nhà hàng không cao như trước. Nguyên nhân do dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp khiến hoạt động du lịch có phần chững lại, bên cạnh đó là việc mở cửa hoàn toàn đón khách du lịch quốc tế từ 15/3 vẫn chưa có thông tin chính thức khiến nhiều doanh nghiệp chưa dám đầu tư, tái khởi động hoàn toàn.
“Để đón nhu cầu tuyển dụng mùa hè, dịp 30/4 và 1/5, các đơn vị vẫn lên kế hoạch tuyển dụng. Các vị trí tuyển dụng với công việc buồng, bàn, bếp, lễ tân, bán hàng, tiếp thị...với khoảng 1.000 vị trí nộp hồ sơ. Tuy nhiên, nhu cầu tuyển dụng sẽ tăng khoảng tháng 6. Nguồn tuyển nhiều sẽ chủ yếu là sinh viên bởi đây cũng là thời gian các em nghỉ hè và muốn đi thực tập để rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ, ngoại ngữ. Tuy vậy, do đang trong giai đoạn phục hồi nên mức lương sẽ chưa cao. Với khách sạn 5 sao bình quân lương 7-8 triệu/tháng”, ông Lê Quốc Việt cho biết.
Nền tảng tuyển dụng lĩnh vực khách sạn nhà hàng này cũng tiến hành khảo sát cho thấy 1/3 lao động trong lĩnh vực này đã chuyển nghề; 1/3 vẫn đang gắn bó với nghề; 1/3 tạm chuyển và có thể quay lại làm việc. “Do đó, thời gian tới lĩnh vực này cần tuyển và đào tạo lại lớn”, ông Lê Quốc Việt nhận xét.
Từ phía đơn vị trực tiếp làm dịch vụ, tại Phú Quốc - điểm du lịch sôi động nhất của Việt Nam về hoạt động du lịch trong thời gian qua, ông Nguyễn Vũ Khắc Huy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Kiên Giang cho biết: Từ Tết đến nay, lượng khách tăng cao dẫn đến thiếu hụt nhân lực, từ lưu trú, nhà hàng, lữ hành, khu vui chơi, vận chuyển… Trong khi đó, nhân lực thiếu trầm trọng, dẫn đến rất nhiều phàn nàn của khách về chất lượng dịch vụ, thậm chí cao điểm có nơi nhân viên lễ tân, quản lý hay cả lãnh đạo khách sạn phải đi chạy bàn, xử lý buồng phòng. Ngay đơn vị tôi, mỗi tháng tuyển 30-40 lao động nhưng vừa làm vừa đào tạo theo kiểu “vừa chạy vừa xếp hàng”.
"Sau 2 năm bị ảnh hưởng dịch, nhiều lao động bỏ nghề. Nhiều lao động du lịch có kinh nghiệm, năng lực đều đã ổn định với việc làm mới. Nếu mở cửa du lịch quốc tế thì sẽ lại thiếu nhân sự kỹ năng phục vụ khách nước ngoài với yêu cầu cao hơn. Do đó, các doanh nghiệp du lịch đang tìm nhiều nguồn tuyển dụng và đào tạo", ông Nguyễn Vũ Khắc Huy nói.
Còn ông Trương Tường Lân, Hiệu trưởng Trường trung cấp du lịch Hà Nội cho biết: Nhiều đơn vị du lịch liên hệ với trường đề nghị cung cấp nhân lực nhưng không đủ. Trong 3 khối: lữ hành, nhà hàng, khách sạn thì khối nhà hàng đã tuyển nhiều dịp Tết. Còn khối lữ hành và khách sạn vẫn đang nghe ngóng kế hoạch mở cửa lại từ 15/3. Tuy nhiên, với khối các khách sạn 4-5 sao đang có kế hoạch tuyển dụng, đào tạo lại vì lao động khối này đòi hỏi tiêu chuẩn kỹ năng dịch vụ cao. Việc tuyển dụng sẽ tăng cao từ tháng 6 khi các chính sách về hoạt động mở cửa rõ ràng, cụ thể và ổn định. Lúc đó, các đơn vị vừa tuyển mới kết hợp đào tạo lại.
Bù đắp thiếu hụt
Do là ngành dịch vụ nên nguồn nhân lực có vai trò quan trọng. Trong thời gian qua, trước những tác động của đại dịch COVID-19, nguồn nhân lực du lịch ở Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn. Số liệu từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho thấy, năm 2020, các doanh nghiệp lĩnh vực du lịch đã lần lượt phải cắt giảm nhân sự từ 70- 80%. Sang năm 2021, số lượng lao động vẫn làm đủ thời gian chỉ chiếm 25% so với năm 2020, lao động nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động chiếm khoảng 30%, lao động tạm nghỉ việc khoảng 35%, lao động làm việc cầm chừng chiếm 10%.
Sau khi trở lại trạng thái "bình thường mới", các hoạt động du lịch nội địa dần được khôi phục, đặc biệt là thông tin sẽ mở cửa du lịch Việt Nam từ ngày 15/3. Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký, Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam cho rằng: Việc mở cửa toàn diện du lịch đem lại nhiều cơ hội song thực tế có tình trạng nhiều nhân lực du lịch đã rời bỏ công việc quen thuộc, còn một số nhân lực mới lại chưa được đào tạo bài bản, nhất là những kỹ năng mới cần bổ sung như kỹ năng hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch cho du khách, sử dụng các công nghệ mới phục vụ khách hàng, ứng dụng chuyển đổi số... Riêng việc bù đắp số nhân lực thiếu hụt là cả vấn đề, cùng với đó là cả chất lượng nguồn lao động sẽ là vấn đề với nhiều địa phương.
Bàn về giải pháp khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực lao động, nâng cao kỹ năng, chất lượng của đội ngũ nhân sự, hướng tới sự chuyên nghiệp trong dịch vụ du lịch, ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist cho rằng, cơ quan quản lý du lịch cần hỗ trợ các đơn vị tổ chức nhiều lớp tập huấn, đào tạo nguồn nhân lực một cách bài bản, chuyên sâu, đáp ứng được tiêu chí mới của ngành Du lịch trong bối cảnh “thích ứng, an toàn dịch COVID-19”. Các đơn vị du lịch và trung tâm đào tạo cần có sự liên kết trong việc hỗ trợ đào tạo nhân lực; bổ sung thêm kỹ năng mới trong khâu đào tạo; có chính sách thu hút nguồn lao động chất lượng cao quay trở lại làm việc.