Đồng thời, hai bên giới thiệu dự án UNDP-MOLISA-DFAT: “Xây dựng chương trình và tư vấn chính sách về giảm nghèo đa chiều và bền vững, giai đoạn 2021-2023". 1 trong 8 nội dung của dự án là việc xây dựng dữ liệu nghèo đa chiều và lập bản đồ nghèo trên toàn quốc.
Ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết: Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Nhân dân Việt Nam đặc biệt quan tâm đến công cuộc xóa đói, giảm nghèo bền vững; luôn coi đây là chủ trương lớn, quan trọng, nhất quán, xuyên suốt trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước.
Năm 1993, tỉ lệ hộ nghèo cả nước là 58,1%, đến năm 2020 còn 2,75%; đến năm 2021, còn 2,23%. Việt Nam đã hoàn thành sớm mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về xoá đói, giảm nghèo và được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng về giảm nghèo trên thế giới.
Ngày 28/7/2021, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 24/2021/QH15 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; ngày 18/01/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 90/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025,
Chương trình có nhiều điểm cốt lõi rất mới so với giai đoạn 2016-2020 trước đây. Trong đó, Chương trình thực hiện chiến lược tập trung đầu tư vào con người, trực tiếp là đầu tư, nâng cao năng lực người nghèo; xác định rõ nguyên nhân nghèo để giải quyết căn cơ, triệt để những vấn đề của người nghèo, vùng lõi nghèo. Chương trình triển khai đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, trọng tâm là các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo. Ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và trẻ em, phụ nữ thuộc hộ nghèo.
Clip định hướng và một số nội dung hợp tác chương trình giảm nghèo:
Bên cạnh đó, phương thức hỗ trợ người nghèo cũng thay đổi, chuyển từ hỗ trợ sinh kế riêng lẻ theo hộ gia đình sang tập trung hỗ trợ hộ nghèo gắn với các mô hình tổ chức sản xuất phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương, nhu cầu của hộ nghèo thông qua việc xây dựng, phát triển và nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt, nâng cao chất lượng cuộc sống và thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho người nghèo; góp phần thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc, bảo vệ môi trường, tăng trưởng kinh tế và mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Chương trình cũng tập trung hỗ trợ người nghèo giải quyết những vấn đề quan trọng nhất như sinh kế, học nghề, việc làm, có thu nhập ổn định. Bổ sung một số dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần mới như phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững, nhà ở, cải thiện dinh dưỡng, truyền thông nhân rộng sáng kiến giảm nghèo và khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng nghèo; ứng dụng công nghệ thông tin trong rà soát, giám sát, quản lý hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Do đó, dự án UNDP-MOLISA-DFAT: “Xây dựng chương trình và tư vấn chính sách về giảm nghèo đa chiều và bền vững, giai đoạn 2021-2023" đã hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nghiên cứu, đề xuất xây dựng một số nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, thông qua đó Chương trình giảm nghèo trong giai đoạn tới có nhiều nội dung đổi mới, phù hợp với yêu câu bối cảnh hiện tại; tạo cơ chế thông thoáng hơn cho chính quyền và người dân địa phương sáng tạo, phát huy nội lực cộng đồng; áp dụng các giải pháp sáng tạo đã được thử nghiệm thành công giúp giảm nghèo nhanh và bền vững trong các dự án hỗ trợ phát triển sinh kế và tạo thu nhập đồng thời huy động các doanh nghiệp tham gia phát triển chuỗi giá trị, cùng đồng hành với người dân hỗ trợ kỹ thuật cải thiện sinh kế;
Dự án cũng nghiên cứu, khuyến nghị chuẩn nghèo và các công cụ đo nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025, qua đó hàng triệu người dân gặp khó khăn, đặc biệt trong đại dịch COVID-19 được thụ hưởng chính sách hỗ trợ kịp thời; Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp chuyển đổi số trong quản lý và thực hiện Chương trình, qua đó thông tin chỉ đạo cũng như kết quả thực hiện Chương trình được cập nhật và chia sẻ kịp thời, giúp cho việc chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, các giải pháp sáng tạo được nhanh chóng và hiệu quả.