Bệnh tay chân miệng lây từ đâu?
Bệnh tay chân miệng là bệnh do vi rút, lây qua đường tiêu hóa. Bệnh bắt đầu xuất hiện rải rác và gây thành những ổ dịch nhỏ tại Việt Nam từ những năm cuối của thập niên trước. Bệnh rất phổ biến tại Việt Nam và có xu hướng bùng phát thành dịch lan rộng thời điểm từ tháng 9 tới tháng 12, tháng 3 tới tháng 5. Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi thường dễ bị lây nhiễm do hệ thống miễn dịch chưa hoàn thiện. Nguy cơ biến chứng bệnh nặng hay gặp ở trẻ sau sinh 2 tuần đầu.
Theo các bác sĩ, các chủng gây bệnh lây nhiễm nếu trực tiếp tiếp xúc nước bọt, dịch bọng nước, dịch tiết mũi họng và phân của người nhiễm bệnh. Điều trị bệnh hiệu quả, ít biến chứng, thường tự khỏi sau 7-10 ngày nếu yếu tố gây bệnh là Coxsackievirus A16. Cách chữa bệnh tay chân miệng khó khăn nếu xét nghiệm máu có Enterovirus 71 gây nhiều biến chứng khó lường như viêm màng não, tim mạch, hô hấp và nguy hại tới tính mạng của trẻ.
Phụ nữ mang thai sẽ không hoặc có thể bị nhiễm virus nhóm Entervirus và có thể truyền vi rút sang cho con nếu họ tiếp xúc với mầm bệnh trước hoặc trong lúc sinh nở. Bệnh cũng có thể tái phát ở những người đã từng bị và nay lại nhiễm bởi một loại vi rút khác thuộc nhóm Enterovirus.
Biểu hiện triệu chứng như thế nào?
Trẻ có những biểu hiện như sốt nhẹ hoặc sốt cao, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, nôn ói, tiêu chảy vài lần trong ngày. Bác sĩ Nguyễn Trần Nam, Trưởng khoa Nhiễm bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, biểu hiện điển hình của trẻ bị tay có những vết nổi hồng ban ở những vị trí bé tiếp xúc với mặt bàn như dưới bàn tay, chân, đầu gối, mông của bé. Đặc biệt, là có những vết loét trong miệng, quấy bứt rứt và bé cũng có thể kèm theo sốt.
Thông thường, có khoảng 90% trẻ mắc bệnh có thể phục hồi hoàn toàn sau 8-10 ngày. Tuy nhiên, các bác sĩ cũng cho rằng, trong quá trình điều trị bệnh tay chân miệng cũng cần phải chú ý đến những triệu chứng rất có thể đó là những biến chứng nặng của bệnh như suy tuần hoàn, viêm sưng não suy hô hấp, hôn mê sâu và có thể tử vong sau 24 - 48 giờ.
Bác sĩ Nam cho biết thêm, phụ huynh cần phải đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế khi trẻ có các biểu hiện như sốt cao trên 39 độ, uống thuốc hạ sốt không hết; thở bất thường, quấy khóc liên tục, khó ngủ hoặc ngủ li bì; giật mình, hốt hoảng, chới với; ngồi không vững hoặc đi loạng choạng hoặc run tay, chân co giật; vã mồ hôi, nôn ói nhiều, bỏ ăn, bỏ bú, yếu tay chân...
Chăm sóc trẻ bệnh tay chân miệng tại nhà như thế nào?
Trẻ bệnh tay chân miệng chỉ có sốt nhẹ dưới 38,5 độ C, loét miệng, hồng ban mụn nước lòng bàn tay chân, tỉnh táo, chơi, thường được bác sĩ cho điều trị ngoại trú. Theo bác sĩ Trần Huyên Thảo, trẻ bị viêm loét miệng lưỡi rất đau, vì vậy trẻ rất quấy, than khóc và không chịu ăn uống gì, do đó dễ bị mất nước, hạ đường huyết. Những trẻ này cần được cho giảm đau và khuyến khích ăn uống chậm, ít lại, nhiều lần hơn với những thức ăn lỏng, mềm, dễ nuốt và cho uống nhiều nước. Nhiều trẻ sẽ chịu thức ăn lạnh hơn vì có thể làm giảm đau ở vết loét cho trẻ. Không cần tránh các thức ăn, thức uống lạnh, như nước đá, kem, yaourt… mà ngược lại có thể thử cho trẻ ăn những thức ăn này, để xem trẻ có dễ chịu hơn phần nào hay không.
Đối với những trường hợp nghi ngờ bị biến chứng thần kinh, hoặc có những dấu hiệu nghi ngờ khả năng hoặc nguy cơ bị biến chứng thần kinh cao, các bác sĩ sẽ quyết định cho trẻ nhập viện để bắt đầu điều trị chuyên biệt, hoặc để có thể theo dõi sát các dấu hiệu nặng nhằm can thiệp kịp thời. Vì khi trẻ bị biến chứng thần kinh, bệnh có thể diễn tiến rất nhanh và rất trầm trọng. Nếu phát hiện trễ, qua “thời điểm vàng”, các can thiệp chuyên sâu sẽ không hiệu quả.
Phụ huynh nên cho bé uống thuốc theo toa bác sĩ, như hạ sốt, giảm đau, đa sinh tố. Hạ sốt khi sốt trên 38 độ bằng Paracetamol liều 10-15 mg/kg/lần (uống) có thể lặp lại mỗi 4-6 giờ khi sốt lại. Dinh dưỡng đầy đủ theo tuổi, ăn thức ăn lỏng dễ tiêu, tránh thức ăn chua, cay… Trẻ còn bú cần tiếp tục cho ăn sữa mẹ. Trẻ thường đau họng miệng do vết loét nên có thể sử dụng thuốc tráng niêm mạc dạng sữa nhũ dịch như phosphalugel hoặc varogel hoặc trimafort… cho trẻ ngậm nuốt 1-2ml/lần để dịu cơn đau rồi mới cho trẻ ăn.
Vệ sinh răng miệng cho trẻ, cho trẻ nghỉ học, nghỉ ngơi tại nhà, tránh kích thích và cách ly với trẻ khác. Tái khám mỗi 1-2 ngày trong 8-10 ngày đầu của bệnh. Trẻ có sốt phải tái khám mỗi ngày cho đến khi hết sốt ít nhất 48 giờ.
Bác sĩ Thảo cho biết thêm: Khi một người bị bệnh tay chân miệng, sau đợt bệnh, chỉ phát triển miễn dịch chống lại vi rút gây đợt bệnh đó. Trong khi đó, nhóm enterovirus bao gồm rất nhiều loại virus khác nhau, vì vậy người đó vẫn có thể bị lại bệnh tay chân miệng, nhưng gây ra bởi loại vi rút khác so với vi rút ban đầu.
Hiện không có thuốc đặc hiệu điều trị, cũng như không có vaccine nào để phòng ngừa bệnh. Tuy nhiên, nguy cơ bị nhiễm bệnh có thể được giảm đi nếu phụ huynh thực hiện những phương pháp vệ sinh tốt, như: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đặc biệt là sau khi chạm vào những vết loét, bóng nước của người bị bệnh; trước khi sửa soạn thức ăn, trước khi ăn, trước khi cho trẻ ăn và sau khi sử dụng toilet và sau khi thay tã cho trẻ. Lau sạch những bề mặt và những đồ chơi có thể bị nhiễm bằng xà phòng và nước trước, sau đó tiệt trùng bằng nước tẩy rửa chứa chlor (chlorine) pha loãng.
Bên cạnh đó, cần tránh tiếp xúc gần, như ôm hôn, dùng chung muỗng nĩa, chén, với người bệnh. Không cho trẻ đi học, hoặc đến các nơi vui chơi, tập trung của các trẻ nhỏ (công viên vui chơi, nhà banh, hồ bơi…) cho đến khi trẻ hết bệnh hoàn toàn (thường sau 7-10 ngày sau khi khởi bệnh). Dạy trẻ che miệng, mũi khi ho hoặc hắt xì. Bỏ các tã dơ, giấy chùi, khăn ướt khi chăm sóc trẻ bệnh vào bịch rác và đậy lại kỹ càng. Giữ sạch nhà cửa, trường học, hoặc trường mẫu giáo.