Nguy cơ nhiễm độc từ hóa chất thực phẩm không rõ nguồn gốc

Dạo quanh đường Phan Văn Khỏe, Vạn Tượng (thuộc phường 13, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh), xung quanh khu vực chợ đầu mối Kim Biên, chúng tôi như lạc vào giữa rừng hóa chất với hàng trăm loại từ hóa chất thực phẩm, hóa chất công nghiệp, đến hương liệu phụ gia...

Tất cả đều được bày trong những can nhựa, túi ở dạng bột hoặc pha loãng khiến người mua khó xác nhận được xuất xứ, công dụng và chất lượng của chúng. Tình trạng này đã diễn ra từ nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa có cách giải quyết triệt để.

Sử dụng phụ gia – “con dao 2 lưỡi”!


Theo ông Huỳnh Lê Thái Hòa – Chi cục trưởng Chi cục VSATTP (Sở Y tế TP.HCM) , việc sử dụng hóa chất phụ gia giống như “con dao 2 lưỡi”, dùng đúng mục đích thì hiệu quả nhưng cố tình lạm dụng sai mục đích thì hậu quả khôn lường. Những hóa chất phụ gia có khả năng gây ngộ độc mãn tính, tích lũy từ 10-30 năm, thậm chí còn ảnh hưởng đến đời sau nên khó có thể thống kê được đã có bao nhiêu trường hợp bị ảnh hưởng do sử dụng thường xuyên chất phụ gia.

Ảnh: Internet


Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, chất phụ gia thường được dùng trong bảo quản thịt, cá, hải sản. Thực phẩm có màu sắc càng lòe loẹt, rau quả xanh tươi một cách bất thường… thì nguy cơ lạm dụng hóa chất trong sản xuất, chế biến và bảo quản càng cao. Nguyên nhân do dùng phẩm màu công nghiệp thay vì phẩm màu thực phẩm trong chế biến bánh mứt, xôi gấc, thịt bò khô, rượu, nước ngọt. Ngoài ra, thực phẩm chứa hàn the vẫn còn khá nhiều trong chả lụa, bánh cuốn, bò viên, cá viên chiên, mì sợi tươi, bánh da lợn ở các chợ, quầy bán lẻ, bán rong…

Việc sử dụng các chất phụ gia không có trong danh mục cho phép và không đúng liều lượng ngoài việc hoàn toàn không có giá trị dinh dưỡng còn sẽ gây nên các trường hợp ngộ độc thực phẩm cấp tính. Mức độ nhẹ biểu hiện rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, nôn mửa, gây dị ứng da làm nổi mụn, ngứa, phù. Mức độ nặng có thể dẫn đến tử vong. Sử dụng lâu dài và thường xuyên nguy cơ tích luỹ chất phụ gia ăn vào trong cơ thể dẫn đến các bệnh nguy hiểm khó chữa ở gan, thận, dạ dày, não. Khi ăn phải thực phẩm có chất tẩy trắng gây nên các bệnh viêm da, mắt, miệng và teo ruột và nếu ăn phải thường xuyên những chất độc hại này sẽ tích tụ và gây nguy cơ ung thư cao.

Khó kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ

Những chiếc can cáu bẩn đựng những dung dịch loãng với đủ màu xanh, hồng, trắng đục, bên ngoài ghi những tên như: nước xả mềm vải Comfort, Downy, nước rửa tay, rửa chén, nước xả xông hơi, nước giặt đồ, nước hoa xịt phòng…; hương liệu phụ gia thì có hương bò, hương thịt heo, hương cacao, hương dâu, lá dứa, cà phê, sôcôla…, rồi trong các túi thì có các loại: bóng vỏ xe, bột dẻo, chống mốc… Tất cả chen chúc nhau trong cùng một cửa hàng. Gọi là nhãn nhưng đó chỉ là những cái tên sản phẩm do người bán ghi lại, còn bên trong thực chất là gì thì chỉ “có trời mới biết”!

Trong khi đó, Nghị định 89/2006/NĐ-CP về ghi nhãn hàng hóa quy định, người bán phải có đầy đủ nhãn mác sản phẩm và ghi nhãn phụ đến một đơn vị bán lẻ. Khi một mặt hàng được phép lưu thông và có thể tin tưởng được khi nó đảm bảo những nội dung như: tên mặt hàng, địa chỉ cơ sở sản xuất, thành phần cấu tạo, tiêu chuẩn sản xuất, ngày sản xuất, cách bảo quản, thời hạn sử dụng, xuất xứ nguồn gốc (tên đơn vị nhập khẩu).

Nếu một mặt hàng không có những yếu tố trên là vi phạm Pháp lệnh về VSATTP, không nên sử dụng vì rất nguy hiểm cho sức khỏe. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, các hộ kinh doanh cả trong và bên ngoài khu vực chợ vẫn không có đủ những yếu tố này, nhãn phụ chỉ đơn thuần là những dòng chữ do người bán ghi lại với một nội dung duy nhất là tên sản phẩm.

Bà Lưu Thị Kim Nhung – Trưởng Ban quản lý (BQL) chợ Kim Biên cho biết sẽ chỉ đạo xem xét, kiểm tra và chấn chỉnh ngay nếu thật sự trong khu vực chợ có xảy ra tình trạng này. Đối với 17 hộ kinh doanh này, nếu vi phạm quy định thì BQL chợ có hình thức lập biên bản, cảnh cáo và nặng hơn là đóng cửa sạp, tước quyền kinh doanh từ 1 – 7 ngày. Và tùy theo mức độ vi phạm có thể chuyển qua UBND phường, quận để xử phạt hành chính. Những chủ kinh doanh hoá chất tại chợ Kim Biên thường dùng mặt bằng để trưng bày, giao dịch mua bán với khách hàng, thậm chí còn có cả kho chứa hàng ngàn lít, chủ yếu bán cho các mối quen biết từ trước. BQL chợ cũng không quản lý được số lượng hay nguồn gốc, xuất xứ hoá chất nhập về ở các sạp.

Chợ Kim Biên vốn là nơi cung cấp hương liệu chính của TP.HCM, nhưng thực chất chỉ 17/534 sạp thuộc BQL chợ được phép kinh doanh mặt hàng này. Địa bàn quận 5 hiện có gần 60 cửa hàng kinh doanh cả hóa chất hương liệu công nghiệp, hóa chất thực phẩm nằm rải rác tập trung xung quanh khu vực chợ Kim Biên. Điều đáng nói là những hộ kinh doanh hóa chất này không thuộc quyền quản lý của BQL chợ nên rất khó kiểm soát.

Ông Nguyễn Văn Cường – Cán bộ phụ trách đăng ký kinh doanh chợ Kim Biên cho biết, từ trước năm 1990, có khoảng 50 hộ kinh doanh hương liệu màu dùng trong thực phẩm bên trong chợ, nhưng do nhu cầu phát triển kinh doanh, các hộ lần lượt chuyển ra bên ngoài buôn bán, đến nay trong chợ chỉ có 17 hộ được phép kinh doanh với hơn 50 mặt hàng hương liệu, màu thực phẩm…

 Từ năm 2008, BQL chợ phối hợp với Phòng kinh tế, Phòng Y tế quận 5 tổ chức lớp tập huấn về VSATTP cho tất cả chủ sạp và nhân viên để có ý thức trong kinh doanh ngành hàng này, đồng thời giới thiệu tiểu thương đi khám sức khỏe tại các Trung tâm y tế dự phòng trên địa bàn thành phố. Như vậy, về mặt pháp lý, 17 hộ kinh doanh thuộc chợ Kim Biên đều đảm bảo các yêu cầu kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP được Sở Y tế TP.HCM công nhận.

Nên quy hoạch thành “chợ hóa chất”?

Khu vực chợ Kim Biên đang tồn tại một thực trạng là người bán vừa kinh doanh song song hóa chất công nghiệp và hóa chất thực phẩm dẫn đến người mua dễ có sự nhầm lẫn hoặc tạo điều kiện cho những người cố tình mua đem về sử dụng sai quy định, điều đó rất nguy hiểm. Khi có sự cố xảy ra, bên bán và bên mua lại đùn đẩy trách nhiệm.

 Do đó, giải pháp tốt nhất hiện nay là các quầy bán hóa chất phụ gia thực phẩm thì không được bán hóa chất phụ gia công nghiệp. Nhìn chung, ý thức chấp hành pháp luật của người mua lẫn người bán vẫn còn kém, còn mang tính đối phó với cơ quan quản lý. Người bán có trách nhiệm tư vấn cho người mua về liều lượng, công năng sử dụng. Đối với người mua về phục vụ cho sản xuất cũng phải biết các quy định của pháp luật, đó là ý thức trách nhiệm của người sản xuất đối với sản phẩm của mình nói riêng và đối với NTD nói chung.

Theo BQL chợ Kim Biên, cấm bán hóa chất là điều không thể, do đó tốt nhất là nên có một chợ đầu mối chuyên ngành về hóa chất hương liệu gồm hóa chất công nghiệp và hóa chất thực phẩm. Đồng thời, người bán và BQL chợ phải là những người am hiểu và có bằng cấp về chuyên ngành này.

Đồng thời, trong giấy phép kinh doanh phải ghi rõ ràng loại hình hoá chất được phép kinh doanh là hoá chất công nghiệp, hoá chất thực phẩm hay hoá chất phụ gia, hiện nay chỉ ghi chung chung là “kinh doanh hoá chất” nên đó là cớ để người bán kinh doanh nhiều loại hóa chất trong cùng một cửa hàng thì rất nguy hiểm cho sức khỏe người sử dụng và dễ dẫn đến các phản ứng cháy nổ.

Cùng quan điểm với BQL chợ Kim Biên, ông Huỳnh Lê Thái Hòa – Chi cục trưởng Chi cục VSATTP (Sở Y tế TP.HCM) cho rằng: “ Quy hoạch “chợ hóa chất” thành một khu vực riêng là điều cần thiết cho công tác quản lý. Và để tránh mua nhầm, NTD nên vào cửa hàng bảo đảm bán thực phẩm.

 Cũng giống như những người bán thuốc, người buôn bán hóa chất phải được đào tạo kiến thức về chuyên môn này để có thể hướng dẫn người mua sử dụng đúng liều lượng. Về phía NTD, khi chọn sản phẩm thực phẩm phải xem kỹ nhãn mác, đối với những sản phẩm có những trạng thái bất thường, như màu sắc quá lòe loẹt, giòn và dai quá mức bình thường thì cần phải thận trọng, xem kỹ nhãn và chỉ mua những sản phẩm có nhãn mác bao bì rõ ràng, những thương hiệu có uy tín lâu năm trên thị trường.

Việt Âu
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN