Thời gian qua, tại địa bàn TP Hồ Chí Minh đã liên tục xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể. Điều này cho thấy, việc quản lý các cơ sở cung cấp thức ăn vẫn chưa thực sự chặt chẽ.
Khó kiểm tra thực phẩm đầu vào
Theo thống kê của Bộ Y tế, 6 tháng đầu năm 2012 cả nước đã xảy ra hơn 1.000 vụ ngộ độc thực phẩm, 726 người nhập viện và 4 người tử vong. Riêng tại TP.HCM từ đầu tháng 7 đến nay đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm tập thể khiến 400 công nhân phải nhập viện cấp cứu.
Công nhân khó tránh bị ngộ độc do nguồn thực phẩm không được kiểm soát. |
Mặc dù có hàng trăm nghìn công nhân đang làm việc nhưng phần lớn các KCX - KCN tại TP.HCM lại không có bếp ăn công nghiệp. Do đó, việc cung cấp đủ suất ăn cho công nhân phụ thuộc nhiều vào các cơ sở cung cấp suất ăn bên ngoài. Các cơ sở này đã nhanh chóng “mọc” lên nhưng lại thiếu sự quản lý của các cơ quan chức năng.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó Chi cục VSATTP TP.HCM thừa nhận: Hiện nay, ở một số lĩnh vực như các cửa hàng kinh doanh ăn uống vỉa hè, hàng rong, bếp ăn tập thể, các cơ sở cung cấp thức ăn sẵn... Các cơ quan quản lý vẫn bỏ ngỏ hoặc chưa thể quản lý hết được. Đặc biệt, việc quản lý khâu thực phẩm đầu vào của các cơ sở cung cấp thức ăn còn gặp rất nhiều khó khăn.
Trong khi đó, ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM cũng thừa nhận: Hàng ngày, thịt gia súc, gia cầm đổ về thành phố với khối lượng lớn nhưng ngành thú y chỉ kiểm soát được khoảng 80%, số còn lại rất khó quản lý. Như vậy, cũng có khả năng số thịt không kiểm soát được tuồn vào bán cho các cơ sở cung cấp chế biến thức ăn.
Qua khảo sát, trung bình một suất cơm mà các công ty đặt cho công nhân có giá dao động từ 10.000 - 15.000 đồng. Với mức giá thấp như vậy thì việc các cơ sở cung cấp mua thực phẩm không bảo đảm chất lượng về chế biến và việc ngộ độc thực phẩm xảy ra là khó tránh khỏi.
Chị Hoàng T.C, chủ một cơ sở cung cấp khoảng 200 suất ăn/ngày cho một công ty ở KCX Linh Trung cho biết: Hiện giá các loại thực phẩm liên tục tăng, trong khi đó một suất cơm chủ doanh nghiệp chỉ đặt có 12.000 đồng thì khó có thể làm đúng tiêu chuẩn.
Chủ cơ sở này cũng thừa nhận, để cung cấp một suất cơm với giá 12.000 đồng, họ phải tìm những loại thực phẩm rẻ, thậm chí chất lượng không đảm bảo. Như rau củ quả thì mua những loại không còn tươi ngon rồi về cắt gọt và sơ chế lại. Để đối phó với những đợt kiểm tra, các cơ sở này cũng lấy một ít sản phẩm có nguồn gốc.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai thừa nhận: Nguyên nhân của các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra đa số là do các bếp ăn cung cấp thức ăn không đảm bảo VSATTP. Có đơn vị cung cấp suất ăn tập thể đăng ký thực hiện 300 suất/ngày nhưng lại cung cấp tới 500 - 600 suất/ngày nên càng khó đảm bảo chất lượng. Các cơ quan chức năng cũng khó quản lý được nguồn thực phẩm đầu vào của các đơn vị cung cấp.
Tăng cường công tác hậu kiểm
Theo Chi cục VSATTP TP Hồ Chí Minh qua kiểm tra các cơ sở cung cấp thức ăn công nghiệp đã phát hiện 26% các đơn vị không đảm bảo điều kiện VSATTP. Còn đối với các bếp ăn tập thể, Chi cục VSATTP đã phối hợp với các quận, huyện tiến hành thanh tra 71 cơ sở thì có 34% cơ sở vi phạm VSATTP.
Đa số các cơ sở này có các vi phạm như: Nguồn gốc thực phẩm chưa rõ ràng, điều kiện vệ sinh cơ sở không đảm bảo, thức ăn cung cấp bị nhiễm khuẩn trong quá trình chế biến và vận chuyển, nhân viên chưa được tập huấn về VSATTP... Đặc biệt, các vụ ngộ độc xảy ra thường xuyên trong thời gian qua là do các cơ sở làm không đúng với công suất của cơ sở.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết: Đa số các cơ sở sau khi được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP thường lơ là không tuân thủ các quy định nên công tác hậu kiểm đối với những cơ sở này là rất quan trọng. Theo đó, sau khi hậu kiểm lần đầu mà phát hiện nguy cơ ngộ độc thực phẩm thì sẽ cho phép khắc phục trong vòng 7 ngày; sau đó, nếu vẫn không khắc phục thì sẽ bị đình chỉ hoạt động. Còn đối với những cơ sở có nguy cơ ngộ độc cao sẽ bị đình chỉ hoạt động ngay lập tức.
Theo Chi cục VSATTP, trong thời gian tới, Chi cục VSATTP sẽ phối hợp với Thanh tra Sở Y tế tiến hành thanh tra đối với những nhóm cơ sở có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm cao, nhất là những bếp ăn công nghiệp trong khu chế xuất và ngoài khu chế xuất. Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa công tác hậu kiểm đối với những cơ sở từng vi phạm VSATTP.
Để có thể giảm số vụ ngộ độc thực phẩm và nâng cao chất lượng VSATTP, UBND TP.HCM đang chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra và thu giữ những sản phẩm không bảo đảm VSATTP. Về lâu dài, thành phố đang thực hiện dự án đảm bảo VSATTP năm 2012 - 2015 và tầm nhìn năm 2020, dự án quản lý thực phẩm theo chuỗi.
Bài và ảnh: Đan Phương