Tuy từ đầu năm đến nay chưa xảy ra cháy rừng, nhưng theo thang cảnh báo cháy rừng của Cục Kiểm Lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), khu vực tỉnh Phú Yên đang ở cấp V, cấp cực kỳ nguy hiểm.
Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên cho thấy, diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp là hơn 276.000 ha, chiếm gần 55% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 43,43%. Đáng chú ý là rừng trồng của người dân và doanh nghiệp với diện tích khoảng 16.500 ha, chủ yếu là cây keo lai, loại cây dễ cháy.
Huyện miền núi Sông Hinh có hơn 38.670 ha rừng. Thời gian qua, địa phương này rất quan tâm đến nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng. UBND các xã, thị trấn đã chủ động phối hợp với các chủ rừng, cử lực lượng tham gia bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng khi có yêu cầu; tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng.
Ông Y Lét, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Trol, huyện Sông Hinh cho biết, ngay từ đầu mùa khô, nóng, UBND xã đã phối hợp với các đoàn thể tuyên truyền người dân, nhất là những người thường xuyên đi làm nương rẫy nâng cao ý thức về phòng cháy rừng. Đối với các chủ rừng được thông báo liên tục về thang cảnh báo cháy và vận động các hộ liên kết với nhau thành tổ đội, sẵn sàng các phương tiện chữa cháy. Việc người dân đốt dọn thực bì là nguy cơ xảy ra cháy cao nhất nên luôn được kiểm soát chặt.
Đối với những người tham gia khai thác, chăm sóc rừng, các sinh hoạt như: hút thuốc, nấu nướng... cũng là một nguy cơ dễ cháy rừng. Chính vì vậy, cán bộ kiểm lâm cũng thường xuyên nhắc nhở cảnh báo phòng chống cháy rừng.
Ông Nguyễn Minh Hưng là người làm công thu hoạch rừng trồng tại huyện Sông Hinh chia sẻ: "Khi thu hoạch rừng, kiểm lâm và chủ rừng thường nhắc nhở việc hút thuốc không vứt tàn bừa bãi. Ai cũng ý thức được việc này. Hút xong là phải dụi tắt ngay. Còn nấu nướng thức ăn thì hạn chế. Xung quanh khu vực này chưa có cháy rừng xảy ra".
Khó khăn của lực lượng Kiểm lâm Phú Yên hiện nay là phương tiện chữa cháy còn hạn chế. Trong khi đó, diện tích rừng ở địa hình đồi núi rất phức tạp, nguồn nước khan hiếm... Nếu có cháy rừng thì rất khó kiểm soát. Do đó, chính quyền địa phương và các đơn vị chức năng thường xuyên đưa ra cảnh báo cho các chủ rừng; củng cố và thành lập 385 tổ, đội bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng với 2.736 thành viên. Đồng thời, các đơn vị và các chủ rừng thường xuyên theo dõi, tuần tra, kịp thời phát hiện để phòng cháy chữa cháy rừng có hiệu quả; phân công cán bộ ứng trực tại các vùng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao, kể cả ngày thứ 7, chủ nhật và ngày lễ.
Ông Nguyễn Văn Dư, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên cho biết: "Hiện nay nguy cơ cháy rừng ở cấp V, cấp cực kỳ nguy hiểm. Chính vì vậy từ các chủ rừng cho đến những người thường xuyên làm việc trong rừng phải cảnh giác với lửa. Các phương tiện chữa cháy phải được huy động sẵn sàng đến mức tối đa để ứng phó nếu có cháy. Tất cả các phương án chữa cháy đều thực hiện theo phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ). Đây là các giải pháp tối ưu cho việc phòng ngừa, ngăn chặn, hạn chế đến mức tối đa những thiệt hại do hiểm họa cháy rừng gây ra".
Theo dự báo, năm 2019 tại Phú Yên có 6 đến 7 đợt nắng nóng. Nguy cơ hạn hán và cháy rừng sẽ diễn ra trên diện rộng. Chính vì vậy người dân và các đơn vị chức năng ở tỉnh Phú Yên cần chủ động ứng phó để giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất.