Ngọt ngào Trung thu xưa

Trung thu hay Rằm tháng Tám là một cái Tết lớn trong năm, nhưng trong tâm thức người Việt từ xa xưa, nó dường như là ngày dành riêng cho trẻ con. Trẻ con bây giờ vẫn đón Trung thu, thậm chí còn “to” hơn ngày xưa rất nhiều, nhưng Trung thu xưa sao hồn nhiên, vô tư mà giản dị đến thế, nó dường như là một miền ký ức sâu sắc và khác hẳn với Trung thu bây giờ.


 

Ngộ nghĩnh của bé với những đồ chơi truyền thống Tết Trung thu.

Tôi đã đi qua và đón ngày Tết này ở nhiều nơi, “to” có, “nhỏ” có, nhưng những ngày Trung thu ấm áp bên gia đình vẫn là những ngày đọng lại trong tôi nhiều kỷ niệm nhất. Bởi cái không khí ấm áp bên gia đình, được bố mẹ quan tâm và đón nhận những món quà bằng tất cả sự hồn nhiên của tuổi thơ khiến tôi không bao giờ thôi nhung nhớ.


Trung thu ở quê tôi, nhà nào cũng “ăn Rằm” rất to và nghỉ các công việc để lo cho tổ chức ngày hội cho trẻ con. Các gia đình đều chuẩn bị đón Trung thu từ rất sớm và linh đình. Từ ngày 13, bà và mẹ đã rục rịch đi đong gạo nếp để làm rất nhiều các loại bánh “ăn Rằm”, nào bánh nếp, bánh lá, xôi chè... Nhưng bọn trẻ chúng tôi háo hức nhất vẫn là bánh nướng, bánh dẻo vì chỉ Trung thu mới có các loại bánh này, bánh dẻo thường tròn và bánh nướng thì vuông, phải có đầy đủ 2 loại bánh này để bày mới ra mâm cỗ đón trăng Rằm.


Vui nhất là ngày 14, buổi chiều, bà và mẹ tôi bắt tay vào làm các loại bánh. Bà tôi rất chu đáo trong các ngày lễ, Tết, thường hay bày ra làm các loại bánh trái, nên lũ trẻ con trong làng rất thích tụ tập ở nhà tôi những ngày này. Lá chuối tươi để gói bánh được bà cắt từ ngoài vườn về rồi đem hơ trên bếp cho đến khi mềm ra và tỏa một mùi thơm của lá chuối chín thì mới được.

 

Mẹ tôi thì ngâm gạo nếp, xay thành nước bột mịn, nén cho thật khô đến khi thành một thứ bột có thể bẻ ra được, rồi lại đem nhào với nước để bột dẻo lại có thể nặn thành bánh. Tôi lần nào cũng thắc mắc tại sao mẹ làm nhiều thao tác thế và năm nào mẹ cũng phải giải thích, rồi lại dạy tôi các bước để làm ra chiếc bánh. Nhân bánh là đỗ xanh và thịt đã xào lên thơm phức, bánh sau khi được nặn và tra nhân thì dùng lá chuối đã nướng chín gói lại rồi cho vào nồi hấp. Không hẳn là thích ăn bánh, nhưng lúc nào lũ trẻ bọn tôi cũng tụ tập quanh nồi bánh đến khi nó tỏa mùi thơm lừng của lá chuối và gạo nếp mới thôi.


Ngày 14, bố tôi thường dành cả buổi chiều để chặt tre, vót nan và hướng dẫn lũ trẻ con bọn tôi làm đèn lồng. Tự tay bố tôi đi chọn những đoạn tre thẳng, dẻo, chẻ thành từng chiếc nan tròn và vót thật mịn với nhiều kích thước khác nhau để làm những chiếc đèn to, nhỏ. Bọn tôi sẵn que nan chỉ việc buộc các đầu que với nhau theo các thao tác bố dạy để được chiếc khung đèn theo ý mình. Bước quan trọng nhất là tô vẽ các hình con vật ở trên giấy để dán lên đèn sao cho đẹp mắt. Thế là đứa nào cũng có một chiếc đèn tự tay mình làm để kịp buổi tối đi chơi rước đèn.

 

Cái cảm giác cầm chiếc đèn tự tay mình làm đi khoe với lũ bạn sao thích thú và tự hào thế. Nhà tôi ở đầu xóm nên bao giờ cũng rộn ràng và lung linh nhất xóm, vì đây là điểm xuất phát cho một cuộc rước đèn, múa lân đi quanh làng cho tới nửa đêm, mang niềm vui và sự rộn ràng đến từng ngõ xóm, từng gia đình. Khi trăng lên tròn trịa, lũ trẻ đã mệt sau một cuộc rước đèn, ngồi túm tụm với nhau giải lao và tha hồ hỏi vặt bà tôi, người biết rất nhiều các câu chuyện cổ tích về chú Cuội, chị Hằng, về ông Trăng... và đứa nào cũng tròn mắt, không một tiếng động nghe bà tôi kể chuyện ngày xưa. Chúng tôi tụ tập vui chơi như thế cho tới đêm Rằm để phá cỗ mới gọi là hết Trung thu.


Trung thu ngày xưa sao ấm áp và những đêm trăng tròn sao lung linh, kỳ diệu đến thế. Cho tới bây giờ tôi vẫn không khi nào quên đi được cái cảm giác được bà và bố mẹ quan tâm, yêu thương, được thỏa thích vui chơi với lũ trẻ con trong làng. Cuộc sống bây giờ ngày càng hiện đại, nhưng nhiều thứ thì không thể mua được. Sự ấm áp của một Trung thu đầy tình yêu mà cha mẹ dành cho con cái dường như cũng đã nhạt đi, đó là một sự thiệt thòi rất lớn. Bởi vậy mỗi ngày Rằm tháng Tám đến, tôi lại cảm thấy luyến lưu và tự thấy những ai từng được đón Trung thu ấm áp tình yêu thương như tôi thật may mắn vì có một tuổi thơ ngọt ngào.


Tạ Nguyên

Đưa trẻ gần lại với trò chơi dân gian
Đưa trẻ gần lại với trò chơi dân gian

Hai năm nay, cứ 1/6 và Trung thu, anh Thành (Khu đô thị Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội) đều đưa cô con gái Lê Anh Thư 5 tuổi đến Bảo tàng Dân tộc học. Bé Thư rất hào hứng với nhiều trò chơi ở đây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN