Đây là hội thảo rất quan trọng, khởi động cho quá trình nghiên cứu, xây dựng chính sách quản lý và giảm thiểu chất thải nhựa trong thời gian tới.
Tham dự có các đại biểu Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; các doanh nghiệp; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực môi trường; các viện nghiên cứu, trường đại học và các nhà khoa học.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế Phan Tuấn Hùng cho biết: Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ dự án MarPlasticcs (Ô nhiễm nhựa và Cộng đồng ven biển), với mục tiêu xác định những lỗ hổng về chính sách và kiến thức, tìm hiểu những giải pháp mang lại hiệu quả và đề xuất về mặt chính sách nhằm giảm thiểu mức độ ô nhiễm rác thải nhựa đại dương. Chất thải nhựa là vấn đề môi trường toàn cầu và nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng quốc tế. Mỗi năm, lượng rác thải nhựa do con người thải ra đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt trái đất, trong đó 13 triệu tấn rác thải nhựa được đổ ra đại dương. Rác thải nhựa đang có những tác động và hệ lụy tiêu cực đến môi trường, hệ sinh thái, sức khỏe con người, sinh vật.
Năm 2018, Liên hợp quốc đã phát động phong trào giải quyết ô nhiễm nhựa và nilong. Năm 2019, tại Diễn đàn kinh tế thế giới, nguyên thủ các nước và lãnh đạo các tập đoàn đa quốc gia đã cam kết mạnh mẽ về chống chất thải nhựa. Về khuôn khổ pháp lý quốc tế, Công ước Basel đã có những sửa đổi, bổ sung đáng chú ý liên quan đến chất thải nhựa. Nhiều quốc gia đã có những chính sách và hành động cụ thể để giảm thiểu chất thải nhựa như cấm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa….
Theo các tổ chức quốc tế, Việt Nam mỗi năm có khoảng 1,8 triệu tấn nhựa được thải ra, đứng thứ 17/109 quốc gia về lượng rác thải nhựa phát sinh. Trong số đó, khoảng 730.000 tấn rác thải nhựa được thải ra biển và đứng thứ 4 trong 5 quốc gia có chất thải nhựa thải ra biển nhiều nhất (chiếm khoảng 6% lượng chất thải nhựa thải ra biển của thế giới).
Hiện nay rất dễ dàng tìm và bắt gặp những từ khóa “rác thải nhựa” và “chống rác thải nhựa” trên rất nhiều các phương tiện thông tin đại chúng và mạng internet. Điều này cho thấy nhận thức của xã hội về chất thải nhựa tại Việt Nam đã được nâng lên đáng kể, có sự đồng thuận cao về chống chất thải nhựa. Nhiều phong trào, sáng kiến, hành động cụ thể chống chất thải nhựa được triển khai, như nhiều siêu thị đã “nói không với túi nilon” và thay thế bằng các vật liệu thay thế thân thiện với môi trường, nhiều chuỗi nhà hàng, cafe đã “nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần”, các liên minh chống chất thải nhựa được thành lập, nhiều Bộ, ngành địa phương đã tích cực hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa “nói không với túi nilon”…
Tuy vậy, nhìn từ góc độ chính sách về quản lý chất thải nhựa, còn nhiều việc phải làm. Chất thải nhựa hiện đang được quản lý chung như các loại chất thải khác, chưa có quy định riêng về quản lý chất thải nhựa ngoại trừ một số quy định về thuế và ưu đãi thuế liên quan đến túi nilon. Nhìn nhận một cách khách quan, chính sách, pháp luật về quản lý chất thải nhựa chưa tương xứng với mức độ tác động và hệ lụy của nó đến môi trường, hệ sinh thái, sức khỏe con người, cũng như sự quan tâm và kỳ vọng của xã hội về vấn đề này. Do đó, việc nghiên cứu, xây dựng chính sách, pháp luật về giảm thiểu và chống chất thải nhựa thời gian tới cần phải đẩy mạnh và phải sớm có các chính sách, quy định pháp luật cụ thể về vấn đề này.
Ở góc độ xây dựng chính sách, pháp luật về môi trường, việc quản lý, giảm thiểu chất thải nhựa cần phải có cách tiếp cận quản lý theo vòng đời sản phẩm, từ thiết kế, sản xuất, đóng gói, tiêu dùng, thải bỏ, thu hồi, xử lý và tái chế chất thải nhựa. Cần sử dụng tổng hợp nhiều công cụ chính sách, ngoài các công cụ kinh tế như thuế, phí đối với các sản phẩm nhựa, rất cần thiết phải có các công cụ kỹ thuật, quy chuẩn mang tính bắt buộc áp dụng, tăng cường hỗ trợ các hoạt động tái chế nhựa thân thiện môi trường, đồng thời phải nâng cao trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu đối với rác thải nhựa.
Các tham luận đã được trình bày tại Hội thảo như: Ô nhiễm rác thải nhựa trên biển: hệ thống thông tin, dữ liệu và giám sát tại Việt Nam; Lỗ hổng về khung pháp lý và thực hiện chính sách trong công tác quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam; Phản hồi về chính sách nhà nước liên quan đến giải quyết tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam. Qua đó, các đại biểu tham dự đã cùng nhau thảo luận bàn tròn, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm của các nhà khoa học, các chuyên gia trong việc nghiên cứu khoa học, xây dựng chính sách giảm thiểu mức độ ô nhiễm rác thải nhựa, nhất là ở đại dương.