Từ khi bước vào thời kỳ “Đổi mới”, di cư trong nước và tác động của nó tới quá trình đô thị hóa đã trở thành một bộ phận quan trọng của quá trình tăng trưởng kinh tế nhanh chóng ở Việt Nam. Theo số liệu điều tra Dân số và nhà ở năm 2009 cho thấy: Di cư, đặc biệt là di cư giữa các tỉnh đã tăng mạnh cả về số lượng và tỷ lệ hơn hẳn so với thập kỷ trước đó. Di cư giữa các tỉnh hay nói cách khác di cư từ tỉnh này sang tỉnh khác tăng từ 1,3 triệu người (năm 1989) lên 3,4 triệu người (năm 2009). Tỷ trọng dân di cư này trong tổng dân số tăng từ 2,5% (năm 1989) lên 4,3% (năm 2009).
Dự báo dân số cho thấy, tất cả các dòng di cư sẽ tăng lên và cụ thể là dòng dân di cư giữa các tỉnh sẽ tăng lên gần 6 triệu người, chiếm 6,4% tổng dân số vào năm 2019.
Đa dạng hình thức di cư trong nước Nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng di cư ồ ạt là do tình trạng thất nghiệp và sự nghèo khổ là một trong những lý do thúc đẩy di cư gia tăng chóng mặt tại các quốc gia và các vùng miền kinh tế chậm phát triển. Cũng giống như nhiều quốc gia Đông Nam Á khác, di dân ở Việt Nam phần lớn gắn với những mất cân đối về kinh tế và xã hội.
Nét đặc trưng nổi bật trong quá trình chuyển đổi sang cơ chế thị trường là sự gia tăng di cư, phản ánh tình trạng nghèo và thất nghiệp ở các vùng nông thôn cũng như nhu cầu lao động ngày càng gia tăng ở thành thị. Di cư ra đô thị tìm kiếm công ăn việc làm tạm thời trở thành một chiến lược phổ biến của các hộ gia đình nông dân nhằm làm tăng thu nhập cho gia đình. Di cư trong nước đã tăng lên nhanh chóng với tốc độ chưa từng có trong hai thập kỷ qua và đã có tác động to lớn tới quá trình phát triển kinh tế của đất nước.
Cũng theo số liệu Tổng điều tra cho thấy nữ giới chiếm trên một nửa số dân di cư ở hầu hết các nhóm dân di cư. Nữ giới cũng có xu hướng di cư nhiều hơn ở các cấp hành chính thấp hơn (chẳng hạn di cư giữa các xã nhiều hơn di cư giữa các tỉnh). Được biết, đa số dân di cư, đặc biệt là di cư liên tỉnh, là những người trẻ, tập trung trong nhóm từ 15-29 tuổi. Dân di cư giữa các tỉnh có độ tuổi trẻ nhất với tuổi trung vị là 24 tuổi; di cư giữa các huyện và di cư trong huyện nhiều tuổi hơn một chút và tuổi trung vị tương ứng của hai nhóm này là 25 và 26 tuổi. Trái lại, người không di cư có tuổi trung vị là 30 tuổi.
So sánh cấu trúc tuổi của người di cư và không di cư qua 3 cuộc tổng điều tra dân số cho thấy: dân di cư, đặc biệt là nhóm phụ nữ di cư, ngày càng trẻ hơn trong khi dân số không di cư ngày càng già hơn. Mặt khác, nước ta có sự khác biệt về luồng di cư giữa các vùng và các tỉnh. Vùng Đông Nam Bộ là vùng nhập cư chủ yếu trong giai đoạn 1994-1999 và tốc độ nhập cư đến vùng này tăng nhanh hơn trong giai đoạn 2004-2009.
Ngược lại, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung và vùng Đồng bằng sông Cửu Long là nơi xuất cư chủ yếu trong giai đoạn 1994-1999 và tốc độ xuất cư khỏi các vùng này cũng tăng nhanh hơn trong giai đoạn 2004-2009.Trung bình, mỗi người di cư gánh ít nhất 2 người phụ thuộc (thường là con cái, cha mẹ hoặc anh chị em ruột).
Bên cạnh đó, số liệu Tổng Điều tra dân số và nhà ở năm 2009 cho thấy, dân nhập cư chiếm tới trên 10% tổng số dân ở một số tỉnh; đặc biệt, trên 1/3 số dân của tỉnh Bình Dương là người nhập cư. Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 1 triệu người và Bình Dương có khoảng nửa triệu người nhập cư thuần (số dân nhập cư trừ số dân xuất cư).
Ngược lại, ở nhiều tỉnh, dân nhập cư chỉ chiếm dưới 1% số dân của các tỉnh đó và ở một số tỉnh dân số xuất cư nhiều hơn nhập cư. Các đô thị đông dân cũng chính là những nơi có nhiều người nhập cư. Ngoại trừ một số tỉnh là nơi tập trung các khu công nghiệp, những tỉnh có tỷ trọng dân nhập cư cao là những tỉnh có tỷ trọng dân số thành thị cao và ngược lại. Các khu vực có tỷ lệ đô thị hoá cao cũng là nơi có tỷ lệ dân nhập cư cao; các đô thị đặc biệt bao gồm các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương có tỷ trọng dân nhập cư cao nhất.
Di cư trong nước tăng nhanh - thách thức lớn về chính sách
Bên cạnh một số lượng nhỏ những người di cư có tri thức, có công ăn việc làm ổn định ở thành phố, phần lớn những người còn lại đều phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức và thương tổn.
Những người lao động nhập cư sống trong điều kiện không ổn định, không được hưởng các chính sách xã hội cũng như bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội. Người di cư từ nông thôn ra thành thị phải vật lộn để tìm kiếm công ăn việc làm, thu xếp nơi ăn chốn ở, chia sẻ thu nhập, trong khi vẫn phải chắt bóp dành dụm đề phòng bất trắc.
Bất chấp những cố gắng lớn lao cũng như tính linh hoạt của họ, hầu hết người di cư vẫn phải đối mặt với tình trạng nghèo đói và bất an. Trong rất nhiều trường hợp, người di cư phải chấp nhận những công việc nặng nhọc hơn với mức lương thấp hơn và làm việc trong những điều kiện tồi tệ hơn so với những lao động khác. Đó là chưa kể đến những hệ lụy khác do kiếm việc khó, công việc nặng nhọc, tiền công thấp nên nảy sinh các vấn đề xã hội như: mại dâm, hút chích ma tuý, buôn người…