Cả nước có hơn 80 cơ sở xử lý chất thải y tế
Theo Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, thực hiện quy định của Luật Bảo vệ môi trường, chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản hướng dẫn xử lý, vận chuyển chất thải phát sinh trong phòng, chống dịch COVID-19 và chỉ đạo công tác tăng cường năng lực xử lý chất thải an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19. Việc tổ chức thực hiện cụ thể các nhiệm vụ như thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải thuộc chính quyền các địa phương.
Trên toàn quốc hiện có hơn 80 cơ sở xử lý chất thải có chức năng xử lý chất thải y tế. Các tỉnh, thành phố đã và đang chủ động rà soát, cập nhật kế hoạch, phương án thu gom và xử lý chất thải phát sinh do COVID-19 trên địa bàn, đặc biệt do các ca bệnh cách ly tại nhà tăng nhanh trong thời gian qua, có tính đến phương án dự phòng trong trường hợp quá tải.
“Tuy nhiên, hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa nhận thông tin về việc quá tải của các cơ sở xử lý tại các địa phương”, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho hay.
Thời gian qua, tại một số tỉnh thành phố, số lượng người nhiễm bệnh đang thực hiện cách ly tại nhà gia tăng nhanh chóng; có sự khác biệt về điều kiện cư trú (khu vực chung cư, khu đô thị tập trung và các nhà riêng lẻ) nên dẫn đến khó khăn trong việc thu gom và xử lý chất thải phát sinh.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với Bộ Y tế xây dựng và ban hành hướng dẫn quản lý chất thải của người bệnh cách ly tại nhà, đặc biệt trong việc phân loại, thu gom chất thải; trong đó, tiếp tục triển khai các việc như: Thu gom tại các hộ gia đình sống tại khu chung cư, khu đô thị tập trung (có đơn vị quản lý hạ tầng khu vực) và thu gom tại các hộ gia đình cách ly tại nhà riêng lẻ trong khu dân cư. Chất thải được thu gom, khử khuẩn theo quy định của Bộ Y tế và chuyển về các điểm tập kết tại các địa phương và chuyển giao cho các cơ sở xử lý đảm bảo các yêu cầu về sinh môi trường và phòng, chống dịch bệnh.
Đâu là nguyên nhân
Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, theo phương án phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải lây nhiễm phát sinh trong việc điều trị tại nhà đối với người nhiễm COVID-19, tất cả các loại rác thải như: Khẩu trang, khăn, giấy lau mũi miệng và các vật dụng sử dụng một lần thải bỏ (các vật dụng như ly, chén, dĩa, hộp bằng giấy, nhựa dùng trong ăn uống) của F0 được coi là chất thải lây nhiễm.
"Chất thải có nguy cơ lây nhiễm phải được thu gom vào túi đựng chất thải lây nhiễm màu vàng, buộc chặt miệng túi và tiếp tục bỏ vào túi đựng chất thải lây nhiễm màu vàng thứ 2, buộc kín miệng túi. Các túi màu vàng đều phải dán nhãn “Chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2" trước khi được đơn vị duy trì vệ sinh môi trường và Tổ COVID cộng đồng vận chuyển từ nhà có F0 đến các điểm tập kết tại địa phương. Đây là quy định đúng nhằm giảm thiểu sự lây lan của dịch bệnh", Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Tuy nhiên, trên thực tế, hiện công tác phân loại, xử lý rác thải có nguy cơ lây nhiễm tại nhà có F0 điều trị vẫn chưa được người dân thực hiện nghiêm túc. Điều này tạo nguy cơ lây nhiễm rất cao đối với công nhân vệ sinh môi trường cũng như khả năng bùng phát dịch trên diện rộng.
“Việc xử lý rác thải tại địa phương gặp nhiều khó khăn do lực lượng làm công tác này rất mỏng, chưa được đầu tư xe chuyên dụng chuyên chở rác thải lây nhiễm, thiếu trang thiết bị bảo hộ, kinh phí dành cho việc thu gom, xử lý rác thải tại địa phương còn hạn hẹp...”, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho hay.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, để tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về chất thải liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19, trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương để hỗ trợ, hướng dẫn trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải để phòng tránh dịch bệnh và an toàn môi trường.