Theo thống kê sơ bộ ban đầu của các địa phương trên địa bàn thành phố, tính đến đầu giờ chiều 9/12, mưa lớn đã khiến quận Hải Châu bị ngập úng cục bộ, trong đó nặng nhất là phường Hòa Thuận Tây bị ngập tại khu vực 3 ao sen vàng gồm các tổ dân phố từ 31 - 35.
Đặc biệt, tại các ngõ 640, 664 thuộc đường Trưng Nữ Vương bị ngập sâu 1,2 m, các lực lượng cứu hộ đã kịp thời đưa hai mẹ con cháu bé 4 tuổi và 5 sinh viên thuê trọ ra khỏi khu vực nguy hiểm. Hiện các lực lượng cứu hộ đang vận chuyển mì tôm, nước uống vào khu vực này. Khu vực các phường Thạch Thang, Hòa Cường Bắc, Hòa Thuận Đông ngập cục bộ từ 30 cm - 1 m khiến giao thông đi lại rất khó khăn.
Tại quận Ngũ Hành Sơn, mưa lớn đã gây ngập cục bộ tại một số khu vực phường Hòa Quý, phường Hòa Hải từ 30 - 50 cm. Các khu vực Trung Nghĩa 3, Phước Lý, Đà Sơn, Hồng Phước thuộc quận Liên Chiểu ngập cục bộ. Tại quận Thanh Khê, mưa lớn gây ngập dưới chân cầu vượt khác mức Ngã ba Huế khiến cho việc di chuyển, đi lại của người dân đến bến xe Trung tâm thành phố và tuyến đường chính Tôn Đức Thắng - Nguyễn Lương Bằng gặp nhiều khó khăn.
Hiện nay, mực nước trên các sông thuộc địa bàn huyện Hòa Vang đang lên đã khiến một số khu vực của các xã Hòa Phước, Hòa Nhơn, Hòa Phong, Hòa Sơn, Hòa Liên, Hòa Tiến, Hòa Châu...bị ngập cục bộ từ 20 cm - 1 m...
Mưa lớn cũng đã khiến một số diện tích rau trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn bị thiệt hại. Cụ thể, có 33 ha rau tại khu vực A20, phường Hòa Hải, phường Hòa Qúy và phường Mỹ An bị hư, dập từ 30 - 70%; 5.000 chậu hoa các loại tại phường Khuê Mỹ bị hư hại trên 30%...
Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung bộ, từ 1 giờ đến 7 giờ ngày 9/12, tại thành phố Đà Nẵng đã có mưa to đến rất to. Lượng mưa đo được trong ở một số trạm như: Đà Nẵng 300,4 mm, Cẩm Lệ 282 mm và Hòa Bắc 115,8 mm. Cảnh báo trong các giờ tới khu vực thành phố tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Huyện Hòa Vang lượng mưa phổ biến tư 50 - 100 mm, có nơi trên 150 mm; quận Ngũ Hành Sơn, quận Sơn Trà từ 100 - 150 mm, có nơi trên 200 mm.
Các quận Liên Chiểu, Thanh Khê, Hải Châu, Cẩm Lệ từ 80 - 120 mm, có nơi trên 150 mm. Nguy cơ xảy ra sạt lở đất ở vùng núi, lũ quét trên các sông, suối nhỏ khu vực quận Sơn Trà, quận Liên Chiểu và huyện Hòa Vang; ngập úng ở vùng trũng thấp ở khu vực quận Hải Châu, quận Thanh Khê.
Để chủ động đối phó với các tình huống lũ quét, sạt lở đất, ngập úng cục bộ, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các quận, huyện sẵn sàng triển khai phương án phòng, chống lũ quét và sạt lở đất, rà soát các khu dân vực đang sống trong những vùng trũng, thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, đặc biệt chú ý nhân dân sống tại ven sông Túy Loan và Cu Đê. Thông báo cho nhân dân biết tình hình mưa, lũ lớn và khu vực bị ngập lụt, ngập úng để nhân dân biết để chủ động ứng phó; phối hợp với Công an thành phố tổ chức chốt chặn tại những tuyến đường bị ngập úng.
Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành, địa phương tổ chức trực ban 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ, thường xuyên báo cáo công tác triển khai ứng phó với mưa lũ và tình hình thiệt hại về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố để kịp thời tổng hợp báo cáo UBND thành phố Đà Nẵng.