Một diện mạo 'đặc biệt' của Thủ đô trong những ngày giãn cách xã hội

Nhiều địa điểm vốn nhộn nhịp thì nay vắng lặng. Trên các tuyến giao thông, các chốt kiểm dịch của thành phố tăng cường kiểm tra người đi đường. Những pano "Chốt kiểm soát COVID-19", "Vùng xanh an toàn" ... hiện diện tại các khu dân cư... Những hình ảnh này sẽ in đậm trong tâm trí người dân Thủ đô về những ngày tháng căng mình chống dịch COVID-19.

Video phóng viên báo Tin tức ghi nhận Hà Nội những ngày giãn cách xã hội:

Từ ngày 24/7/2021, UBND TP Hà Nội ban hành Chỉ thị số 17/CT-UBND thực hiện giãn cách xã hội trên phạm vi toàn thành phố theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình; khu phố cách ly với khu phố; thôn bản cách ly với thôn bản; xã, phường cách ly với xã, phường; quận, huyện cách ly với quận, huyện; thành phố cách ly với tỉnh; cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch theo quy định. 

Đây cũng là mốc thời gian Thủ đô bước vào cuộc chiến chống dịch COVID-19 lần thứ tư.

Chú thích ảnh
Chợ Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm) "nội bất xuất, ngoại bất nhập" cả 4 cửa ra vào Đông, Tây, Nam, Bắc.
Chú thích ảnh
Biển báo chốt kiểm soát phòng chống dịch COVID-19 đỏ rực ngã 5 Hàng Đậu-Hàng Giấy-Hàng Than-Quán Thánh- Phan Đình Phùng (quận Hoàn Kiếm) những ngày cuối tháng 8/2021.
Chú thích ảnh
Hàng rào chốt kiểm soát ngăn chặn người ra vào trên phố thuốc bắc Lãn Ông (quận Hoàn Kiếm).    
Chú thích ảnh
Thiếu hàng rào sắt, phường Hàng Mã (quận Hoàn Kiếm) chăng dây yêu cầu người dân "Không đi lối này" qua phố Thuốc Bắc.  

Thực hiện Chỉ thị này của thành phố, tất cả các địa điểm vui chơi giải trí ngoài trời, công cộng như: Hồ Hoàn Kiếm, Hồ Tây, công viên, vườn hoa... đều được các lực lượng chức năng lập rào chắn, chăng dây để cấm người dân tập thể dục, tụ tập đông người, cho đến khi có thông báo mới. TP Hà Nội cũng đã hỏa tốc triển khai 67 chốt kiểm soát tại các cửa ngõ lớn, đường ngang, đường nhánh, bến thủy nội địa ra vào thành phố và tại các bến xe, bến tàu liên tỉnh. Mỗi chốt sẽ có 11 cán bộ tham gia ứng trực, gồm: Cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động, thanh tra giao thông, cán bộ y tế, cán bộ quân đội và cán bộ tư pháp của địa phương.

Ngoài các chốt kiểm soát dịch để kiểm tra phương tiện, người dân ra vào nội đô, tại tất cả các tuyến phố đều bố trí dân quân tự vệ, thanh niên xung kích, dân phòng cơ sở... tham gia phòng chống dịch, sẵn sàng thực hiện những biện pháp cần thiết và cấp bách khi có lệnh khẩn cấp.

Chú thích ảnh
Cửa ngõ số 40 phố Trần Nhật Duật (quận Hoàn Kiếm) không chỉ được hàn cố định, mà còn bổ sung thêm lưới B40.
Chú thích ảnh
Biển 5K niêm yết rõ ràng, thay thế biển quảng cáo tại cửa hàng thời trang trên phố Phan Đình Phùng (quận Ba Đình).
Chú thích ảnh
Cửa khẩu vào phố Chương Dương Độ (quận Hoàn Kiếm) trong những ngày bị phong tỏa (16/8-7/9), người bên ngoài chỉ có thể tiếp tế cho người bên trong ngoài hàng rào kiểm dịch.
Chú thích ảnh
Hàng rào chặn giữa đường, có lực lượng chức năng canh gác, ngăn người ra vào phố Nguyễn Khuyến (quận Đống Đa) do có ca F0.
Chú thích ảnh
Hàng rào chốt kiểm soát ngăn người ra vào không chỉ dựng lên đơn thuần, mà còn được hàn chặt bằng sắt phi 6 trên phố Ngọc Lâm (quận Long Biên). 

Theo ghi nhận của phóng viên, tất cả các biện pháp phòng chống dịch của Hà Nội đều nhằm mục tiêu xây dựng xã, phường, thị trấn làm "pháo đài", người dân làm "chiến sĩ" trong phòng chống dịch, kêu gọi người dân không ra khỏi nhà, để đảm bảo hiệu quả cách ly, truy vết khi phát hiện các ca mắc COVID-19 mới. Mức độ giãn cách còn được nâng lên tầm cao mới khi Hà Nội triệt để kiểm tra giấy đi đường để đảm bảo người dân chỉ ra đường khi thực sự cần thiết.

Những bài học về khả năng lây lan nhanh của biến chủng virus mới tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương đang cho thấy, nếu không phòng chống dịch triệt để, Hà Nội sẽ đứng trước nguy cơ "vỡ trận". 

Chú thích ảnh
Người dân Khu tập thể Tổng công ty lắp máy Việt Nam thiết lập "Vùng xanh an toàn" bằng cả dát giường buộc chặt vào cổng ra vào trên phố Hoàng Hóa Thám (quận Ba Đình). 
Chú thích ảnh
"Vùng xanh an toàn" được người dân Khu dân cư số 7 phố Hoàng Hoa Thám ngăn chặn bằng cổng khung sắt kiên cố buộc chặt với thang tre.
Chú thích ảnh
Người dân phường Thụy Khuê muốn ra vào chợ dốc Tam Đa (quận Ba Đình) đều phải có "phiếu đi chợ" theo mẫu phường cấp và được kiểm tra chặt chẽ tại chốt kiểm soát đặt tại hai đầu chợ.
Chú thích ảnh
Tất cả phương tiện gặp chốt kiểm soát dịch trên phố Tôn Quang Phiệt tại ngã ba Tòa chung cư CR3B Khu đô thị Nam Cường (quận Bắc Từ Liêm) nếu nkhông có thẻ dân cư thì đều phải quay đầu.

Những ngày Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, đường phố tĩnh lặng không còi xe, thông thoáng, không gian, thời gian sống dường như chuyển động chậm hơn, để tất cả người dân đều nghiêm túc đánh giá mức độ nguy hiểm của dịch bệnh và nâng cao ý thức tự giác phòng dịch cho bản thân, cũng như cộng đồng. Virus SARS-CoV-2 vô hình, không nhân nhượng bất cứ cá nhân nào đánh giá thấp khả năng lây nhiễm, tàn phá của chúng và và tồn tại trong các thói quen cuộc sống hàng ngày của mỗi người. Ngăn chặn tiếp xúc tối thiểu giữa người với người là phương cách tối ưu để bẻ gãy chuỗi lây nhiễm virus trong thời gian chờ thực hiện tiêm chủng toàn dân. 

Chú thích ảnh
Các tổ công tác đặc biệt của TP Hà Nội thiết lập nhiều vòng kiểm tra người đi đường, với nhiều lực lượng tham gia.
Chú thích ảnh
Qua các chốt kiểm dịch, người dân đều phải chuẩn bị đủ giấy đi đường theo mẫu và giấy tờ tùy thân để lực lượng chức năng kiểm tra...

 

Chú thích ảnh
Mức xử phạt vi phạm theo Chỉ thị 16 cũng được niêm yết tại các điểm kiểm soát dịch để người dân hiểu rõ.

Bên cạnh sự đồng lòng, chung tay góp sức của cả cộng đồng cùng thành phố đẩy lùi dịch bệnh, vẫn còn một bộ phận người dân không tuân thủ quy tắc 5K, coi thường dịch bệnh, bất chấp chế tài xử phạt, bỏ ngoài tai cảnh báo, thách thức thành quả chống dịch của toàn dân, toàn thành phố.

Đến nay, lực lượng chức năng của TP Hà Nội đã xử phạt gần 31.200 trường hợp vi phạm các quy định phòng chống dịch COVID-19, trong đó cảnh cáo gần 300 vụ, phạt tiền hơn 30.000 vụ, với số tiền trên 48,2 tỷ đồng nộp Kho bạc Nhà nước và chuyển xử lý hình sự 6 vụ. Lực lượng chức năng cũng xử lý gần 500 vụ không chấp hành quy định tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch; không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền trong quá trình thực hiện giám sát dịch bệnh COVID-19.

Bài, ảnh, video: Vân Sơn/Báo Tin tức
Hà Nội: Chợ đầu mối Minh Khai nhộn nhịp trở lại sau 20 ngày bị phong toả
Hà Nội: Chợ đầu mối Minh Khai nhộn nhịp trở lại sau 20 ngày bị phong toả

23 giờ ngày 21/8, chợ đầu mối Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) mở cửa hoạt động trở lại sau 20 ngày bị phong toả vì dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN