Đi làm sớm hơn và thắc thỏm hơn
Công ty trách nhiệm hữu hạn Nam Thuận nằm trên địa bàn huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng có trên 200 lao động đến từ tỉnh Quảng Ninh làm việc. Để đáp ứng yêu cầu xuất trình giấy xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 không quá thời hạn 5 ngày của thành phố Hải Phòng quy định, cả người lao động và lãnh đạo doanh nghiệp này đều phải điều chỉnh thời gian linh hoạt để đảm bảo yêu cầu công việc.
Anh Lê Thanh Hải là nhân viên của công ty này. Nhà anh ở phường Thanh Sơn, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh nên hàng ngày phải ra vào thành phố Hải Phòng. Dù được công ty tạo mọi điều kiện như sắp xếp thời gian làm việc, kết nối với đơn vị làm xét nghiệm, hỗ trợ chi phí xét nghiệm, song anh Hải vẫn mất nhiều thời gian để khai báo thông tin, lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm COVID-19 do cùng thời điểm rất đông lao động của những công ty khác cũng đến. Ngoài ra, thời gian đi làm hàng ngày của anh Hải phải sớm hơn bình thường để khai báo y tế và xuất trình các giấy tờ liên quan.
Theo chị Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý nhân sự, Công ty trách nhiệm hữu hạn Nam Thuận, yêu cầu về trình xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV 2 tác động nhiều đến hoạt động sản xuất tại công ty. Tại các xưởng sản xuất, người lao động hoạt động theo dây chuyền. Nếu vắng 1 - 2 vị trí, công ty có thể khắc phục, bố trí người thay thế, còn vắng nhiều người thì buộc phải tạm dừng dây chuyền. Trước yêu cầu phải làm xét nghiệm, công ty phải "co kéo" để bố trí nhân sự hợp lý song vẫn có những bất cập. Để đảm bảo yêu cầu giãn cách, xe 16 chỗ chỉ chở được 8 người/lần. Muốn đưa hết người lao động đi làm xét nghiệm, công ty sẽ phải bố trí nhiều chuyến xe. Thời gian chờ đợi làm các thủ tục trong quá trình test thường dao động từ 30 phút đến hàng tiếng đồng hồ người lao động mới trở lại vị trí làm việc.
Đây không phải là chuyện riêng của Công ty trách nhiệm hữu hạn Nam Thuận. Các doanh nghiệp khác trên địa bàn Hải Phòng cũng trong tình trạng tương tự. Với người lao động, ngoài co kéo thời gian làm việc, họ còn lo lắng, nếu sau này doanh nghiệp không hỗ trợ chi phí xét nghiệm nhanh, mỗi tháng họ chi phí thêm cả triệu đồng cho "vé thông hành", trong khi tổng thu nhập cả tháng chỉ dao động từ 6 - 7 triệu đồng.
Kiến nghị phương án sàng lọc khoa học
Tại các buổi làm việc của Liên đoàn Lao động thành phố Hải Phòng với công đoàn trực thuộc Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng tổ chức gần đây, đại diện các doanh nghiệp đều cho biết, đơn vị đều rất tuân thủ mọi yêu cầu liên quan đến phòng chống dịch bệnh bởi tất cả đều thấu hiểu, nếu trong trường hợp xuất hiện một ca bệnh thì không chỉ một doanh nghiệp bị thiệt hại mà cả khu, cụm công nghiệp đều hệ lụy theo.
Song đối với yêu cầu xét nghiệm, các cơ quan chức năng cần tính toán kỹ hơn các phương án đảm bảo phòng chống dịch. Theo các doanh nghiệp phản ánh, trong các đợt test sàng lọc trước, đối với các doanh nghiệp có đủ số lao động test tại công ty, các đơn vị lấy mẫu sẽ triển khai tại chỗ. Đối với các doanh nghiệp có ít lao động, các đơn vị sẽ phải tập trung tại một khu chung như sân vận động, sân trước nhà điều hành để lấy mẫu. Trong trường hợp không may xuất hiện ca dương tính ở khu vực xét nghiệm sàng lọc thì không chỉ một doanh nghiệp mà tất cả các doanh nghiệp tham gia cùng thời điểm đều phải thực hiện các biện pháp phong tỏa, cách ly, như vậy thiệt hại là rất lớn.
Việc test nhanh có nguy cơ tương tự. Mặc dù tại văn bản số 4519/UBND-VX về việc hướng dẫn kiểm tra kết quả xét nghiệm đối với một số đối tượng cụ thể tại các chốt kiểm soát vào thành phố do UBND thành phố Hải Phòng ban hành ngày 8/7/2021, thành phố Hải Phòng đã nới lỏng yêu cầu đối tượng không phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 đối với một số trường hợp; trong đó có người lao động đi trên xe đưa đón của doanh nghiệp. Tuy nhiên, tất cả lái xe, người lao động trên các xe đưa đón này vẫn phải xét nghiệm hàng tuần và phải có xác nhận của Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, UBND các quận, huyện đối với danh sách người trên mỗi xe.
Điều đáng chú ý, trong số hàng chục nghìn lao động ngoại tỉnh ra vào Hải Phòng hàng ngày, chỉ có số ít đi bằng xe chung của các công ty, phần lớn là đi xe máy, nhất là người lao động sống tại các địa phương giáp ranh với Hải Phòng. Như vậy, mỗi ngày, sẽ có hàng nghìn lao động phải dừng lại ở các điểm, chốt để xuất trình giấy xét nghiệm, kéo theo nguy cơ ùn tắc giao thông và tập trung đông người do ùn ứ chờ khai báo y tế và kiểm tra giấy tờ.
Để gỡ nút này, theo kiến nghị từ phía các doanh nghiệp, thành phố Hải Phòng cần có phương án kiểm soát khoa học và mang tính hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn.
Ông Trần Văn Tú, Trợ lý Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Bluecom Vina cho biết, không chỉ Hải Phòng mà các địa phương lân cận đều áp dụng chung một phương pháp phòng chống dịch là kiểm soát người ra vào thành phố, yêu cầu cung cấp giấy xét nghiệm có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2. Điều đó cho thấy, đây là một trong những phương án phòng chống dịch hiệu quả. Với những điều kiện tương đồng như vậy, lãnh đạo các thành phố có thể cùng bàn bạc với nhau và đưa ra phương án tối ưu cho việc di chuyển của người lao động giữa các địa phương.
Ý kiến khác cho rằng, trong thời điểm hiện tại, người lao động và doanh nghiệp đều có ý thức phòng chống dịch bệnh, do đó, việc test nhanh nói riêng, test sàng lọc nói chung nên tập trung vào các nhóm người đi từ vùng dịch về hoặc có nguy cơ cao. Đối với những người di chuyển cố định trên một tuyến đường, chỉ cần yêu cầu người lao động có cam kết và có giấy xác nhận tại địa phương và doanh nghiệp, có thể tạo một thẻ ra vào thành phố để xuất trình nhanh chóng qua các chốt kiểm soát. Như vậy, phía doanh nghiệp tiết kiệm được rất nhiều thời gian, chi phí xét nghiệm và nguy cơ ùn ứ tại các chốt kiểm soát cũng sẽ giảm thiểu.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn kiến nghị, đối với các văn bản chỉ đạo, thành phố và các ban ngành liên quan cần tính tới yếu tố thời gian để doanh nghiệp chuẩn bị. Chẳng hạn, đối với việc test nhanh, văn bản về nội dung này, thành phố yêu cầu trong 24 giờ tất cả các đơn vị phải thực hiện. Khoảng thời gian đó, hàng nghìn doanh nghiệp tức tốc triển khai, dẫn đến ùn ứ tại các khu vực xét nghiệm, sản xuất phải giãn, hoãn. Thêm nữa, thời gian văn bản yêu cầu từ 12 giờ ngày thứ 5. Như vậy, giấy xét nghiệm đó mất 2 ngày giá trị là thứ 7 và Chủ nhật và đến đầu tuần kế tiếp, hàng nghìn lao động tiếp tục phải lấy mẫu xét nghiệm. Trung bình mỗi mẫu xét nghiệm nhanh có giá 230.000 đồng, 5 ngày doanh nghiệp phải test cho người lao động một lần, như vậy áp lực lên doanh nghiệp ngày càng nặng nề.
Phía doanh nghiệp còn thông tin thêm, hiện thị trường lao động Hải Phòng đang rất thiếu lao động phổ thông. 60% người lao động trong các doanh nghiệp tại thành phố là người ngoại tỉnh. Do các yêu cầu vào Hải Phòng trong thời điểm dịch bệnh khắt khe nên có những lao động ngoại tỉnh đã chọn ở lại địa phương và tìm việc làm tại chỗ. Để bù vào vị trí việc làm này, các doanh nghiệp phải tìm người thay thế. Nếu không tìm được người, việc tạm dừng một số khu vực sản xuất là lựa chọn chọn bắt buộc.