Dự án Khu tái định cư xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên) thuộc dự án đầu tư tổng thể bố trí ổn định dân cư vùng bán ngập Hồ Núi Cốc được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt từ tháng 10/2014. Dự án được khởi công từ tháng 9/2015 và hoàn thành cơ bản vào đầu năm 2016 nhưng hiện tại hầu hết các hộ dân trong diện di dời ra khu tái định cư Vạn Thọ đều chưa thể chuyển ra nơi ở mới bởi nguy cơ sạt lở cao. Để đạt được mục tiêu ban đầu đề ra, tỉnh Thái Nguyên đang phải xem xét lựa chọn các phương án xử lý chống trượt, sạt lở đất với chi phí đội thêm ít nhất 7 tỷ đồng.
Ảnh minh họa. Huyền Tranh - TTXVN |
Khu tái định cư này có tổng diện tích 3,19 ha và tổng vốn đầu tư hơn 16 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước do Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên làm chủ đầu tư. Dự án khu tái định cư xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ nhằm ổn định đời sống cho 35 hộ dân đặc biệt khó khăn thuộc xã Vạn Thọ có nhà ở nằm dưới cos 46,25 m vùng bán ngập Hồ Núi Cốc.
Qua kiểm tra của Sở Xây dựng tỉnh Thái Nguyên cho thấy, phạm vi sạt lở Khu tái định cư xã Vạn Thọ đang trong quá trình san lấp mặt bằng gồm 4 đoạn sạt lở; trong đó đoạn sạt lở số 1 có chiều dài 60 m, mái taluy cao 7m đã bị sạt lở 30 m và sâu vào taluy dương khoảng 6m. Đoạn sạt lở 2 có chiều dài 120 m, mái ta luy cao khoảng 11 m đã bị sạt trượt dài khoảng 70 m, lở sâu vào mái taluy dương từ 10 đến 15 m, xuất hiện tình trạng đất lún sụt dọc theo mái ta luy dương. Đoạn sạt lở số 3 có chiều dài 60 m, mái taluy cao 13 m sạt trượt xuống khoảng 1 m đến 1,5 m. Đoạn sạt lở số 4 có chiều dài khoảng 100 m, mái ta luy cao 20 m có hiện tượng sạt lở cục bộ...
Toàn bộ khu vực xây dựng Khu tái định cư xã Vạn Thọ hiện nay khi có mưa lớn tác động trực tiếp lên nền địa chất yếu làm xói lở, sạt trượt đất đá, trôi chảy theo địa hình tự nhiên vùi lấp toàn bộ hệ thống thoát nước hiện có. Tình trạng sạt lở gây nguy cơ mất an toàn đến tính mạng, tài sản của các hộ dân lân cận và các hộ dân sau tái định cư...
Về nguyên nhân gây sạt lở, Sở Xây dựng Thái Nguyên đã xác định do tổ hợp các nguyên nhân về địa hình, địa mạo, địa chất - kiến tạo, địa chất thủy văn trên mặt. Tuy nhiên, nguyên nhân chính do lượng mưa lớn dẫn đến bề mặt mái dốc bị xói mòn làm tăng độ dốc của mái taluy dương, tính ổn định của mái dốc giảm đi khi hiện tượng xói mòn tăng lên kết hợp với việc nước mưa thoát không kịp thẩm thấu vào đất gây ra lực kết dính và góc nội ma sát của đất giảm, phá vỡ khối chân tỳ, gây ra hiện tượng sụt trượt, sạt lở. Từ kết luận của cơ quan chuyển môn có thể thấy rõ khi thực hiện dự án này, công tác tư vấn thiết kế đã không đảm bảo chất lượng đề ra.
Trong cuộc họp giải quyết vụ việc này vào tháng 9 vừa qua, ông Đoàn Văn Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã nêu rõ, trách nhiệm chính để xảy ra sự cố trượt, sạt lở đất tại công trình xây dựng Khu tái định cư Vạn Thọ do đơn vị tư vấn thiết kế là Công ty cổ phần tư vấn xây dựng và phát triển hạ tầng Miền Bắc (trụ sở đăng ký kinh doanh tại khu dân cư số 5, Phường Phan Đình Phùng, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên). Trách nhiệm liên quan gồm các đơn vị: Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh và đơn vị tư vấn giám sát, nhà thầu thi công xây dựng công trình (Công ty cổ phần Xây dựng giao thông II, Công ty cổ phần Xây dựng Đức Thu)...
Để khắc phục sự cố này, UBND tỉnh Thái Nguyên đã đề ra 2 phương án chính. Phương án 1 là vẫn thực hiện xây dựng khu tái định cư trên vị trí hiện tại nhưng điều chỉnh phần đất ở tái định cư về khu vực có địa chất ổn định hơn và kinh phí để thực hiện là 13,37 tỷ đồng. Phương án 2 theo đề xuất của UBND huyện Đại Từ là chuyển khu tái định cư ra khu đất khác với kinh phí đầu tư là 7 tỷ đồng. Trong cuộc tiếp xúc với phóng viên, ông Nguyễn Văn Hợp, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên cho biết, hiện chủ đầu tư vẫn đang chờ các đơn vị tư vấn thực hiện theo phương án nào rồi mới tiếp tục triển khai xây dựng hoàn thiện Khu tái định cư xã Vạn Thọ.