Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, hàng loạt các vụ tai nạn giao thông thời gian gần đây cho thấy ý thức chấp hành pháp luật của không ít lái xe chưa tốt, không chấp hành hiệu lệnh, uống rượu bia, sử dụng ma túy… Thực tế này khiến dư luận xã hội lên án về đạo đức lái xe, trong đó liên quan trực tiếp đến công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX).
"Vì vậy, năm 2019, Bộ GTVT sẽ tập trung vào siết chặt công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX. Cụ thể như sẽ đánh trượt ngay các thí sinh vi phạm một số lỗi trong sát hạch như: Không đừng đèn đỏ, vi phạm đường đèo, vi phạm tại các gác chắn đường sắt… và sẽ thu hồi vĩnh viễn bằng lái với những lái xe để xảy ra TNGT nghiêm trọng”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết.
Còn theo Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện, qua thiết bị giám sát hành trình trên phương tiện hiện chỉ có thể phát hiện được lỗi của lái xe vi phạm. Tuy nhiên, chỉ sau khi tai nạn xảy ra, hậu kiểm thì mới được công bố. Vì vậy, Bộ GTVT cần nghiên cứu đưa vào phần mềm sử dụng phát hiện ngay lái xe vi phạm để thông báo cho cơ quan quản lý chấn chỉnh chủ xe và lái xe, không để tình trạng khi có tai nạn xảy ra mới chiết xuất dữ liệu để xử lý.
Được biết, Bộ GTVT vừa phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về chất lượng đào tạo, sát hạch và quản lý GPLX đảm bảo an toàn giao thông. Mục tiêu của đề án nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước, khai thác hiệu quả hoạt động của hệ thống cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe, đáp ứng nhu cầu xã hội và đảm bảo chất lượng của đội ngũ lái xe. Đồng thời, phát huy hiệu quả của các cơ sở đào tạo và trung tâm sát hạch hiện có với quy mô theo hướng hiện đại, phù hợp với khả năng đầu tư và đặc điểm của từng địa phương.
Giám sát đề án này, Bộ GTVT sẽ tăng cường kiểm tra định kỳ, đột xuất và giám sát công tác đào tạo lái xe tại tất cả các Sở GTVT trong toàn quốc; xử lý nghiêm, đình chỉ tuyển sinh, thu hồi giấy phép đào tạo các cơ sở đào tạo lái xe ô tô không đáp ứng tiêu chuẩn; xây dựng cơ chế phối hợp giữa Bộ GTVT, Bộ Công an và các địa phương trong công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ người lái xe khi tham gia giao thông cũng như khi tham gia học, sát hạch, cấp GPLX.
Tới đây, Bộ GTVT sẽ phối hợp với Bộ Công an chia sẻ dữ liệu vi phạm của người lái xe, không để xảy ra tình trạng người bị tạm giữ GPLX giả khai báo mất để được cấp lại. Ngoài ra, Bộ GTVT sẽ tham mưu sửa đổi Nghị định 46/CP theo hướng tập trung xử lý trách nhiệm của doanh nghiệp vận tải trong quản lý phương tiện, lái xe. Hiện nay, Nghị định này mới cho phép tịch thu GPLX có thời hạn dựa theo các lỗi vi phạm của lái xe.
Năm 2018, cả nước có 18.736 vụ tai nạn giao thông, làm chết 8.248 người, bị thương 14.802 người.