Khuyến cáo những rủi ro khi làm việc trái phép tại Hàn Quốc

Ngày 19/1, trả lời báo chí về việc 59 người Việt Nam đi du lịch tại đảo Jeju (Hàn Quốc) nhưng tìm cách ở lại Hàn Quốc, ông Tống Hải Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) cho biết: Hiện tại, phía Hàn Quốc mới chỉ đưa thông tin là “mất tích” và chưa sử dụng thuật ngữ bỏ trốn.

"Thông tin truyền thông Hàn Quốc cho biết còn 32 người vẫn đang ẩn náu tại đảo Jeju. Việc người Việt Nam đi du lịch tìm cách ở lại lao động bất hợp pháp ảnh hưởng lớn đến hình ảnh lao động Việt Nam tại Hàn Quốc", ông Tống Hải Nam cho biết.


Lao động Việt Nam tại sân bay Hàn Quốc theo con đường hợp pháp

Cùng ngày 19/1, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng phát đi khuyến cáo về những rủi ro người lao động có thể gặp phải khi làm việc trái phép tại Hàn Quốc như: Không được pháp luật Hàn Quốc bảo vệ, kể cả khi bị chủ sử dụng ngược đãi, không trả lương hoặc trả lương thấp hơn quy định, hay khi điều kiện ăn ở và làm việc không đảm bảo…; Không được hưởng trợ cấp thôi việc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm rủi ro... Bên cạnh đó, cảnh sát tư pháp của Hàn Quốc thường xuyên tổ chức các lực lượng để truy quét lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp. Hàn Quốc còn có chính sách xử phạt người lao động bất hợp pháp. Người lao động cư trú bất hợp pháp sẽ bị xử phạt tối đa 40 triệu won (hơn 730 triệu đồng) hoặc bị phạt tù tối đa là 12 tháng. Trong trường hợp người lao động không nộp phạt thì sẽ bị buộc phải cải tạo lao động để đủ tiền nộp phạt.


Người lao động đã vi phạm quy định của luật kiểm soát nhập cư (như lao động có thời gian cư trú bất hợp pháp) thì sẽ phải chụp ảnh và lấy dấu vân tay trước khi bị trục xuất về nước để lưu vào hồ sơ của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh. Người lao động cư trú bất hợp pháp sẽ bị từ chối cấp visa và bị từ chối nhập cảnh.


Do vậy, người lao động Việt Nam cần nhận thức rõ quyền và lợi ích của việc làm việc hợp pháp ở Hàn Quốc cũng như những rủi ro có thể gặp phải khi làm việc bất hợp pháp. Người lao động cũng cần biết tới các hình thức đi làm việc hợp pháp tại Hàn Quốc, quy trình thủ tục và địa chỉ đăng ký đi làm việc hợp pháp tại Hàn Quốc để đăng ký; tránh tình trạng đi qua các tổ chức, cá nhân không có chức năng đưa lao động đi làm việc tại Hàn Quốc cũng như tránh tình trạng đi theo hình thức du lịch sau đó bỏ trốn ở lại làm việc trái phép tại Hàn Quốc. Những đối tượng này khi bị bắt sẽ bị trục xuất ngay và không có cơ hội quay lại Hàn Quốc trong thời hạn 5 năm. Ngoài ra, còn có thể bị phạt tiền, phạt tù...


Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, hợp tác cung ứng và sử dụng lao động giữa Việt Nam và Hàn Quốc được bắt đầu từ năm 1993 là chương trình hợp tác lớn nhất trong lĩnh vực lao động – xã hội giữa hai nước và hiện đang được triển khai thực hiện dưới 3 hình thức: Lao động đi theo Chương trình Cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (gọi tắt là EPS) do Trung tâm Lao động ngoài nước trực thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội triển khai thực hiện; Lao động đi làm việc trên các tàu đánh cá của Hàn Quốc (bao gồm cả tàu đánh cá gần bờ và tàu đánh cá xa bờ) do các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của Việt Nam triển khai đưa đi; Lao động có trình độ tay nghề kỹ thuật cao (Chương trình Thẻ Vàng).


Lao động có nguyện vọng đi làm việc tại Hàn Quốc theo mỗi chương trình nêu trên phải đáp ứng các điều kiện nhất định và phải đăng ký tại các cơ quan, tổ chức có chức năng đưa lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo từng chương trình.


Hiện có khoảng hơn 60.000 lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc, trong đó tỷ lệ bỏ trốn làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc theo chương trình EPS hiện là 35% (khoảng 15.000 người).

Xuân Cường
Rà soát số lượng khách du lịch bỏ trốn tại đảo Jeju
Rà soát số lượng khách du lịch bỏ trốn tại đảo Jeju

Sáng ngày 18/1, Tổng cục Du lịch đã làm việc với doanh nghiệp lữ hành có danh sách khách bỏ trốn tại đảo Jeju (Hàn Quốc).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN