Phát triển du lịch cộng đồng

Du lịch có trách nhiệm đang là xu hướng toàn cầu cũng như của du lịch Việt Nam thời gian tới, trong đó nhấn mạnh tới sự hài hòa giữa phát triển du lịch với việc bảo vệ môi trường, di sản văn hóa.

Chung tay của cộng đồng

Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích trong việc phát triển kinh tế bền vững cho người dân bản địa; đồng thời góp phần bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, cũng như bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương...

Điểm du lịch cộng đồng Bản Lác, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Thanh Hà – TTXVN

Thôn Pác Ngòi, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể (Bắc Kạn) với đặc trưng truyền thống của dân tộc Tày đã làm du lịch cộng đồng hơn 10 năm nay. Anh Nguyễn Văn Sáu, một chủ nhà sàn cộng đồng ở đây cho biết: “Năm nay, cơ sở du lịch của gia đình tôi đón khoảng 600 khách, chủ yếu là khách quốc tế. Bên cạnh dịch vụ ngủ đêm tại nhà sàn, du khách rất thích các món ẩm thực địa phương như dê nướng, xôi nếp nướng, cá chép hồ om măng chua, các loại rau rừng”.

“Để phát triển du lịch cần hình thành mối quan hệ cộng đồng trách nhiệm. Việc khai thác điểm đến du lịch phải gắn liền với bảo vệ và phát huy đặc trưng của cộng đồng địa phương. Các công ty lữ hành không chỉ lên kế hoạch khai thác và hưởng thụ mà còn phải xây dựng thái độ thực sự tôn trọng giá trị văn hóa truyền thống, thiên nhiên”, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết.

Thôn Pác Ngòi có gần 100 hộ dân với hơn 400 nhân khẩu, trong đó có khoảng 20 hộ dân làm du lịch cộng đồng. Cùng với việc chú trọng đầu tư cải tạo, mở rộng nhà sàn để đón khách, người dân còn đầu tư các dịch vụ du lịch như chèo thuyền trên sông Năng, trải nghiệm công việc hàng ngày của đồng bào như chài lưới, mây tre đan, dệt thổ cẩm, làm các nhạc cụ truyền thống... Bên cạnh đó, đội văn nghệ thôn Pác Ngòi cũng được thành lập để biểu diễn phục vụ khách các làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống (hát then, hát sli, lượn, đàn tính, múa khèn). Nhờ đó, Pác Ngòi thu hút khá đông du khách, khoảng 5.500 khách du lịch nước ngoài và 500 khách nội địa/năm với thời gian lưu trú từ 1 đến 3 đêm. Nguồn thu từ du lịch đã giúp nhiều hộ dân nơi đây thoát nghèo.

Không chỉ ở miền núi, các điểm du lịch khác cũng đang nhân rộng du lịch cộng đồng, giúp du khách trải nghiệm văn hóa bản địa. Như ở Quảng Ninh, mô hình hợp tác xã dịch vụ du lịch chèo thuyền đưa du khách đi tham quan làng chài Cửa Vạn, Vông Viêng (vịnh Hạ Long) đã mang lại những thành công nhất định, tạo công ăn việc làm cho bà con ngư dân. Những ngư dân quanh năm gắn bó với sông nước, chỉ biết làm công việc đánh bắt cá, nay đã có thêm nghề mới là hướng dẫn khách đi thăm quan cuộc sống làng chài trên vịnh Hạ Long. Từ khi có dịch vụ du lịch, một bộ phận người dân nơi đây đã được chuyển đổi ngành nghề, giảm bớt công việc đánh bắt, qua đó góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên, nguồn lợi thủy sản trên Vịnh, đời sống người dân cũng từng bước được cải thiện…

Trong khi đó, với sự hỗ trợ của các tổ chức UNESCO, ILO… Quảng Nam là địa phương sớm phát triển các loại hình du lịch trách nhiệm dựa vào cộng đồng. Điển hình là làng du lịch cộng đồng Bhờ Hôồng và Đhrôồng (huyện miền núi Đông Giang). Đến với làng Bhờ Hôồng và Đhrôồng, du khách có thể ở lại qua đêm tại bản làng, trải nghiệm các hoạt động và dịch vụ như homestay, các tour đi bộ trong rừng, thăm suối nước nóng, biểu diễn nghệ thuật truyền thống, làm đồ thủ công mỹ nghệ… Việc phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng giúp khách lưu trú nhiều hơn tại Quảng Nam, sau khi đi thăm di sản thế giới Hội An và Mỹ Sơn.

Bà Dương Bích Hạnh, đại diện UNESCO Việt Nam cho biết: “Thông qua phương pháp thúc đẩy sự tham gia và tiếp cận văn hóa, UNESCO hỗ trợ Quảng Nam phát triển du lịch bền vững qua các phương thức quản lý du lịch, du lịch dựa vào cộng đồng, phát triển các sản phẩm và ngành thủ công”.

“Việc đẩy mạnh phát triển, nhân rộng các mô hình, ý tưởng du lịch trách nhiệm sẽ làm phong phú thêm các tour, tuyến gắn với thiên nhiên, gắn với cộng đồng, đồng thời khơi gợi ý thức bảo vệ môi trường trong nhân dân và du khách, tạo ra sự bền vững trong phát triển du lịch, mang lại lợi ích kinh tế - xã hội cho cộng đồng”, ông Đinh Hài, Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Nam khẳng định.

Gìn giữ giá trị văn hóa

Tuy nhiên, có một vấn đề đặt ra là để khai thác được tiềm năng du lịch, người dân phải hiểu rõ các giá trị văn hóa mình đang nắm giữ và thấy được lợi ích khi tham gia hoạt động du lịch này. Thực tế phát triển du lịch cộng đồng trong thời gian qua có những mặt tác động tiêu cực như ở Sa Pa (Lào Cai) dẫn đến tình trạng trẻ em bỏ học đi bán hàng rong, “chặt chém” khách vào mùa cao điểm.

Bà Dương Bích Hạnh, đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam khẳng định: “Trong quá trình phát triển du lịch, do cộng đồng phải tiếp đón nhiều đoàn khách du lịch có những tác động thay đổi hành vi, tập quán để đáp ứng nhu cầu của khách hoặc cái lợi từ du lịch cũng có thể khiến cộng đồng dân tộc đánh mất bản sắc. Những tác động tiêu cực này có thể thấy rõ tại điểm du lịch Sa Pa”.

Bên cạnh đó, du lịch cũng gây ra những mâu thuẫn giữa các bên tham gia nếu không phân chia lợi ích công bằng. Cho nên, muốn khai thác lâu bền các giá trị của di sản, nhất thiết phải thực hiện du lịch có trách nhiệm. Trong bối cảnh hiện nay, phát triển du lịch có trách nhiệm phải chia sẻ lợi ích, đảm bảo sự tham gia đồng đều của tất cả các bên... “Đối với du khách, phải làm sao để họ thay đổi nhận thức và có những hành động thiết thực tại điểm đến. Nhiều doanh nghiệp đã hỗ trợ cho người bản địa, hỗ trợ về môi trường, rác thải… Còn đối với những du khách nếu không có nhiều thời gian thì có thể mua sản phẩm của địa phương; thuê hướng dẫn viên du lịch là người bản địa; ăn, nghỉ ở nhà hàng của địa phương… Đây chính là cách họ thể hiện trách nhiệm với di sản nói riêng, điểm đến nói chung”, bà Dương Bích Hạnh cho biết.

Phát triển du lịch cộng đồng mang lại lợi ích cho người dân địa phương. Trong đó, cộng đồng dân cư tại địa phương tham gia du lịch cộng đồng với tư cách vừa là nhà tổ chức, vừa là người hưởng thụ, lại vừa chủ động cung cấp các dịch vụ như nhà nghỉ, phương tiện vận chuyển, phục vụ ăn uống, bán hàng lưu niệm, hỗ trợ du khách… “Cùng với du khách, người dân là đối tượng được thụ hưởng những lợi ích hữu hình cũng như vô hình của hoạt động này. Phát triển du lịch thì phải có trách nhiệm với xã hội. Để phát triển kinh tế địa phương, tôn trọng những giá trị bản địa, giá trị cộng đồng thì loại hình du lịch có trách nhiệm sẽ là giải pháp để phát triển du lịch cộng đồng đúng hướng và bền vững. Một nền du lịch bền vững thì người dân phải được hưởng lợi từ sự phát triển du lịch của địa phương”, ông Nguyễn Hồng Đài, Chủ tịch CLB Du lịch Thủ đô cho biết.

Các đơn vị lữ hành Hà Nội kết hợp với cơ sở điểm đến của người dân trong việc đầu tư tạo dựng các sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu của khách. Theo đó, người dân tại các điểm du lịch cộng đồng được tập huấn kỹ năng làm du lịch cộng đồng, làm các đồ lưu niệm phù hợp theo gu thẩm mỹ của du khách… Đồng thời, các đơn vị lữ hành liên kết các điểm đến. “Đơn cử như với điểm đến hồ Ba Bể (Bắc Kạn), đơn vị đang xây dựng chương trình Về miền di sản Việt Bắc dựa trên sự liên kết điểm đến thiên nhiên và du lịch cộng đồng tại Ba Bể (Bắc Kạn) và di tích cách mạng, thiên nhiên Cao Bằng (thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, Pắc Pó). Có như vậy mới kéo thời gian lưu trú và sử dụng dịch vụ du lịch tại các điểm đến”, ông Nguyễn Hồng Đài cho biết.

Phát triển du lịch có trách nhiệm gắn với cộng đồng để tạo sản phẩm đa dạng đang là xu thế tất yếu. “Dấu ấn về văn hóa, sự khác biệt trong từng sản phẩm sẽ tạo lợi thế cạnh tranh. Các địa phương, doanh nghiệp đang phải triển khai hài hòa giữa phát triển du lịch, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, môi trường, sự thân thiện mến khách. Điều này thấy rõ qua thành công trong phát triển du lịch cộng đồng - sinh thái nghỉ dưỡng khu vực miền Trung, thời gian gần đây đang được triển khai tại Quảng Ninh và một số tỉnh miền núi phía Bắc”, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội lữ hành Việt Nam cho biết.
Xuân Minh - Thu Thủy
Hiến kế cho du lịch cộng đồng
Hiến kế cho du lịch cộng đồng

Theo ông Dananjaya Axioma, Giám đốc Trung tâm ASEAN - Nhật Bản (AJC): Những năm gần đây, du lịch cộng đồng ở Việt Nam ngày càng hấp dẫn đối với khách du lịch, nhất là khách du lịch nước ngoài.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN