‘Khủng hoảng’ phi công ngành Hàng không

Hàng loạt chuyến bay nội địa gần đây bị “delay” tới 5 - 7 giờ đã tác động không nhỏ tới tâm lý của hành khách, nguyên nhân được các hãng lý giải là do thời gian giao máy bay của đối tác cho thuê ướt (thuê máy bay kèm phi công, tiếp viên…) tới chậm. Song, từ cuộc đối thoại giữa Cục Hàng không Việt Nam với doanh nghiệp vận tải hàng không năm 2019 mới đây, mặc dù các hãng không thừa nhận việc “giành giật” phi công, nhưng ngành Hàng không đang diễn ra cuộc chiến “ngầm” thu hút nhân lực phi công.

Căng thẳng giành giật phi công

Đầu năm 2019, chuyến bay Bamboo Airways đầu tiên cất cánh. Liên tục, tình trạng phi công xin nghỉ việc ở hãng bay cũ để đầu quân sang hãng bay mới thời điểm này đã diễn ra, tương tự như kịch bản trước đây, khi Vietjet Air bắt đầu gia nhập bầu trời.

Chú thích ảnh
Các hãng hàng không đang có cuộc đia ngầm giành giật phi công. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN.

Về vấn đề này, trả lời báo chí tại buổi họp báo Chính phủ tháng 5/2019, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, Bộ GTVT đã nhận được báo cáo của Vietnam Airlines về tình trạng phi công chuyển sang đơn vị khác làm việc. Tuy nhiên, các doanh nghiệp phải hoạt động theo cơ chế thị trường và Nhà nước không thể can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp.

Theo nhận định ban đầu của các chuyên gia hàng không, đây là quy luật tất yếu của thị trường nhân lực hàng không, khi các hãng bay mới đồng loạt bung ra chính sách kêu gọi thu hút nhân lực cũ, nâng lương vội vã, kể cả bí mật dùng cách nới lỏng quy trình quản lý nghiệp vụ để chiêu dụ nhân sự… Từ sau thông tin Vietjet Air phải hoãn và hủy hàng loạt chuyến bay trong các ngày 14 - 15/6 do ảnh hưởng của việc thuê ướt, làm ảnh hưởng tới hoạt động khai thác của hãng, thì sự việc “như giọt nước tràn ly” cho thấy một cuộc chiến giành giật phi công đang “âm thầm” diễn ra.

Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) khẳng định, nguồn nhân lực phi công là một trong các yếu tố để phê duyệt hãng hàng không mới. Ngoài việc mở đường bay, hãng bay mới phải có đề án chứng minh rõ ràng với cơ quan quản lý Nhà nước về nguồn nhân lực kỹ thuật, khai thác, điều độ, giám sát, bảo hiểm, nhân lực tiếp viên, phi công.

Trong khi đó, theo ông Dương Trí Thành, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, để đào tạo được một phi công lái máy bay A321 phải mất 4 năm, lái máy bay A350 cần đến 7 - 8 năm, với chi phí đào tạo khá cao. Chưa kể, mức thu nhập bình quân của mỗi phi công khoảng 150 triệu đồng/phi công/tháng là chi phí mà các hãng phải trả. Vietnam Airlines đang khai thác vận hành trên 115 máy bay, với tổng số cán bộ nhân viên hơn 20.000 người, riêng phi công là 1.200 người, gồm khoảng 800 người do hãng tự đào tạo. Tuy nhiên, sự bùng nổ của ngành Hàng không và chủ trương mở cửa bầu trời đang làm thiếu hụt cả về hạ tầng sân bay và nguồn nhân lực phi công, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh. Các hãng mới sẵn sàng chi những khoản thu nhập cao hơn Vietnam Airlines để “đi tắt” chào đón phi công của hãng.

Báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam cho biết, Việt Nam đang khai thác 171 máy bay quốc tịch Việt Nam, dự kiến đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 sẽ có khoảng 250 máy bay quốc tịch Việt Nam, tương ứng nhu cầu khoảng 200 phi công/năm. Tuy nhiên, trong nước, hiện tại chưa có trung tâm đào tạo huấn luyện phi công nào, hầu hết phi công phải đào tạo tại nước ngoài, nên khó chủ động được nguồn nhân lực.

“Trong tương lai gần, phi công vẫn sẽ là “của hiếm”, khiến các hãng bay “tranh giành” khi các tuyên bố mua thêm hàng chục, thậm chí hàng trăm máy bay mới, nhưng không tiết lộ nguồn phi công sẽ điều khiển lượng máy bay này”, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam chia sẻ.

Ngành Giao thông sẽ giải trình trước Chính phủ về vấn đề thiếu nhân lực phi công

Trước thực tế trên, Vietnam Airlines kiến nghị các bộ, ngành liên quan rà soát các chính sách trong Bộ luật Lao động và các bộ luật chuyên ngành liên quan đến các quy định về thời hạn báo trước khi chấm dứt hợp đồng lao động, nghĩa vụ đầu tư cho đào tạo của người sử dụng lao động, nghĩa vụ bồi hoàn chi phí đào tạo trước khi chuyển sang làm việc cho doanh nghiệp khác...,  nhằm bảo đảm cho doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng trên thị trường.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ công bố kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 17/6/2019 về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2016/NĐ-CP quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng, Nghị định số 30/2013/NĐ-CP về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung. Theo kết luận, mặc dù ngành Hàng không Việt Nam đã khởi sắc với việc ra đời của các hãng hàng không mới, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng của người dân, tạo sự cạnh tranh có lợi cho khách hàng, nhưng thực tế đang nảy sinh một số bất cập có nguy cơ uy hiếp an ninh, an toàn hàng không, như: Chất lượng dịch vụ chưa đảm bảo (tình trạng chậm, hủy chuyến còn nhiều) và bắt đầu có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh.

Vì vậy, Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ GTVT đánh giá năng lực ngành Hàng không và có biện pháp quản lý để phát triển tốt, nhưng phải phù hợp với quy hoạch, năng lực cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực phi công; nhằm đảm bảo các hãng hàng không sau khi thành lập phải hoạt động theo đúng kế hoạch được duyệt, phải có sân bay, không để ùn tắc, quá tải tại một số sân bay; đồng thời, Bộ trưởng Bộ GTVT phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc đảm bảo an ninh, an toàn hàng không. Thường trực Chính phủ giao Bộ GTVT báo cáo giải trình xin ý kiến Thành viên Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2019.

"Việc thành lập mới hoặc nâng quy mô của các hãng hàng không phải đảm bảo yêu cầu duy trì và nâng cao năng lực khai thác an toàn bay của các hãng hàng không, năng lực giám sát an toàn khai thác của nhà chức trách, khả năng cung ứng năng lực đặc thù (phi công, kỹ sư, thợ máy sửa chữa và bảo dưỡng...) và khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng hàng không", kết luận của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ.
Vân Sơn/Báo Tin tức
'Nóng' cuộc đua giành thị phần hàng không
'Nóng' cuộc đua giành thị phần hàng không

Cuộc đua giành thị phần hàng không tại thị trường Việt Nam vốn đã “nóng” sẽ trở lên “nóng” hơn khi Hãng hàng không Bamboo Airways vừa được Bộ Giao thông Vận tải đồng ý chủ trương tăng đội máy bay lên 30 chiếc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN