Trước thông tin Cơ quan An toàn thực châu Âu (EFSA) phát hiện một hóa chất có tên là acrylamide gây ung thư được tìm thấy trong bim bim, cà phê, khoai tây chiên, bánh mì nướng bị cháy, khoai tây chiên giòn và một số loại thức ăn nhanh của trẻ em gây ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã chỉ đạo Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia triển khai lấy một số mẫu sản phẩm khoai tây chiên tại các cửa hàng bán thức ăn nhanh và mẫu sản phẩm bim bim đang lưu thông trên thị trường Hà Nội để xét nghiệm chất acrylamide và PAHs (Polycyclic Aromatic Hydrocarbons - một nhóm các hợp chất hữu cơ có khả năng gây ung thư tiềm tàng, gây đột biến và là chất gây ô nhiễm môi trường).
Kết quả cho thấy, các sản phẩm bim bim bò bít tết Mahatan – Poca, Bim bim khoai tây tươi cắt lát – Poca, Bim bim O’sta – vị kim chi Hàn Quốc ORION, khoai tây chiên KFC, khoai tây chiên BBQ, khoai tây chiên Lotteria… đang kinh doanh tại chợ Nguyễn Cao, phố Bà Triệu, Lò Đúc – Hà Nội đều không phát hiện chất Acrylamide và PAHs.
Để giảm thiểu nguy cơ phát sinh acrylamide trong các sản phẩm chiên, nướng, Cục An toàn thực phẩm cũng lưu ý các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm và các hộ gia đình trong quá trình chế biến thức ăn cần sơ chế, xử lý nguyên liệu thực phẩm trước khi chế biến như gọt vỏ, thái lát khoai tây và ngâm trong nước sạch ít nhất 30 phút trước khi chiên; đối với bánh mỳ cần chia thành nhiều lát nhỏ trước khi nướng; không nên rán hoặc nướng lại thực phẩm nhiều lần; không sử dụng dầu ăn chiên đi chiên lại nhiều lần; không chế biến thức ăn từ tinh bột và đường với nhiệt độ chiên, nướng quá cao trong thời gian dài...
Acrylamide (hoặc acrylic amide) là hợp chất hóa học có công thức là C3H5NO được sinh ra một cách tự nhiên khi thực phẩm có nguồn gốc từ tinh bột (carbonhydrate) giàu acid amine asparagine được chiên, rán, nướng ở nhiệt độ cao (khoảng từ 170 - 180 độ C) như khoai tây chiên, bim bim, cà phê, khoai tây chiên ròn (snack), bánh mì nướng bị cháy… Trong công nghiệp, acrylamide được sử dụng để sản xuất nguyên liệu polyacrylamide dùng trong xử lý nước uống và nước thải để loại bỏ những hạt huyền phù và các tạp chất và sản xuất hồ dán, giấy và mỹ phẩm. Acrylamide còn sử dụng trong xây dựng các công trình như xây đập và đường hầm chịu nhiệt độ cao.
Từ năm 2010, Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) và Ủy ban chuyên gia về tiêu chuẩn thực phẩm (Codex), Ủy ban an toàn thực phẩm châu Âu đã đề cập đến Acrymilade như một quan ngại cho sức khỏe con người. Các chuyên gia y tế cho rằng, tiếp xúc nhiều với hóa chất acrylamide khiến cơ thể đổ mồ hôi, đi tiểu không kiểm soát, buồn nôn, đau mỏi cơ… Nhưng đến nay vẫn chưa có đủ bằng chứng về hàm lượng Acrylamide trong các loại thực phẩn gây độc cho người tiêu dùng, chưa có bằng chứng khoa học về hàm lượng, cơ chế… của Acrylamide gây ung thư ở người (mặc dù kết quả nghiên cứu thực nghiệm trên động vật có khả năng gây ra ung thư cho động vật thực nghiệm).
PV