Không phải hồ thuỷ điện nào cũng có chức năng cắt giảm lũ

Mối quan tâm hàng đầu của người dân vùng hạ du trong mùa mưa lũ là thủy điện xả nước gây ngập lụt. Tuy nhiên, đại diện cơ quan quản lý đã lên tiếng trấn an rằng, không phải hồ thuỷ điện nào cũng có chức năng cắt giảm lũ nhưng cũng không nên lo lắng thái quá.

Tại buổi Tọa đàm trực tuyến với chủ đề công tác quản lý, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 6/9, ông Phạm Trọng Thực, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết: Khi làm các công trình thủy điện tác động vào thiên nhiên thì nó sẽ có tác động trở lại về các mặt biến đổi khí hậu, lũ hạ du...

Đại diện 2 Bộ Công Thương và Nông nghiệp cùng bàn về đảm bảo an toàn hồ đập mùa mưa lũ.

Nhưng trên phương diện cơ quan quản lý, ông Thực cho biết các chủ đập không bao giờ được phép xả quá mức lũ về, cùng lắm là bằng mức lũ về. Do đó, tác động cộng dồn do xả lũ sẽ không quá lớn, người dân vùng hạ du nên yên tâm, thực hiện đúng yêu cầu của các cơ quan chức năng, nghe thông tin chính thức từ các cơ quan chuyên môn như sở công thương hay chủ đập...
 
Tuy nhiên, mối lo của ông Thực lại là ý thức của người dân. "Mùa khô năm kia, khi đang chờ điều độ phát điện tại một thủy điện thì có một số học sinh đi chơi trên lòng suối. Khi xả nước thì các em sợ quá lội vào bờ, bị đuối nước thương tâm. Mùa khô lại đáng lo hơn cả mùa mưa vì nước lúc có lúc khôn", ông Thực nhớ lại.
 
Bộ Công Thương đã yêu cầu các địa phương tập huấn cho bà con các vùng thủy điện. Quy trình xả lũ đã có nhưng thông báo còi như thế nào thì cần tập huấn cho bà con. Đồng thời, tăng cường các trạm đo mưa để biết lượng mưa cụ thể.
 
Đề cập đến vụ vỡ đập thủy điện tại Lào và mối lo với Việt Nam, ông Thực cho rằ ng "lo thì lo nhưng đừng lo thái quá" như lời nguyên Bộ trưởng Năng lượng Thái Phụng Nê. Người dân cần yên tâm tin tưởng chủ trương của nhà nước. Hiện nay Bộ Tài nguyên Môi trường sẽ phê duyệt báo cáo tác động môi trường của từng dự án thủy điện, cân nhắc từng dự án đặt ở đâu trong bối cảnh ta đã cân đối đủ điện và có nhiều loại năng lượng thay thế.
 
Không phải hồ nào cũng có thể cắt lũ
 
Đó là khẳng định của ông Đồng Văn Tự, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Theo ông Tự, các hồ chứa có thiết kế nhiệm vụ cắt giảm lũ thì mới cắt giảm lũ được. Chẳng hạn các bậc thang thủy điện sông Đà như Sơn La, Hòa Bình có thể cắt được khoảng 7 tỷ m3 nước, giúp hạ hơn chục mét nước. Cộng với dung tích phòng lũ sẽ đảm bảo khi nước lớn về thì giữ nước trong hồ và xả về hạ du. Còn các hồ chứa xả tràn tự do thì không có khả năng cắt giảm lũ.
 
"Không phải hồ thủy điện nào cũng có chức năng cắt giảm lũ. Chỉ những hồ khi thiết kế có dung tích dự phòng mới có khả năng này như tại các hồ lớn miền Bắc. Còn miền Trung địa hình dốc, các nhà máy thủy điện chủ yếu tận dụng chiều cao để phát điện là chính chứ không phải chống lũ. Lũ tự nhiên chảy về qua đập tràn hoặc van cung để xuống hạ du. Khi có lũ lớn, nước có bao nhiêu chảy về sông bấy nhiêu", ông Tự cho hay.
 
Ông Tự cho biết thêm: Các nhà máy thủy điện mới hiện nay sử dụng lưu lượng là chính, chiều sâu không quá lớn, cột nước thấp để khi có lũ thì toàn bộ lưu lượng nước chảy xuống hạ du không tạo lũ.
 
Để tiếp tục thực hiện Chỉ thị 21/2013 của Thủ tướng về việc tăng cường công tác quản lý, đảm bảo an toàn hồ chứa nước, ông Phạm Trọng Thực cho biết thời gian tới Bộ Công Thương sẽ kiểm tra 80 công trình có nguy cơ xảy ra bất thường trong mùa mưa lũ năm nay, xem báo cáo của địa phương và các chủ đập có đúng không, đồng thời báo cáo Thủ tướng.
 
Còn ông Tự mong muốn người dân cùng tham gia quản lý an toàn đập, góp phần bảo vệ đập, không gây ảnh hưởng mất an toàn hạ du.

Trước câu hỏi tình trạng ngập lụt tại Chương Mỹ, Hà Nội vừa qua có phải do xả lũ thủy điện không, ông Đồng Văn Tự khẳng định là không. Ông Tự cho biết: Trên lưu vực sông Bùi, tính cả sông Tích thì đều không có hồ chứa thủy điện nào. Thủy điện Hòa Bình trên sông Đà, chảy về sông Hồng ra biển, không ảnh hưởng gì đến hệ thống sông Đáy.

Lũ tại Chương Mỹ tháng 7 vừa qua do có 2 trận mưa lớn liên tiếp với lượng mưa gần 1.200 mm. Trận 1 nước chưa rút hết đã có trận 2. Đê tả sông Bùi tuy đã khép kín nhưng chưa đảm bảo mặt cắt chống lũ. Đê hữu đã nâng cấp nhưng chưa khép kín nên lũ tràn vào. Vùng hạ du cũng có mưa lớn, địa hình trũng nên nước rút chậm.

Hoàng Dương/Báo Tin tức
Xả lũ đầu nguồn tại hai đập tràn kiểm soát lũ
Xả lũ đầu nguồn tại hai đập tràn kiểm soát lũ

Sáng 31/8, tại xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên (An Giang), Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác thủy lợi An Giang đã vận hành xả lũ đầu nguồn tại hai đập tràn kiểm soát lũ sông Cửu Long và vùng Tứ Giác Long Xuyên là Tha La và Trà Sư (huyện Tịnh Biên, An Giang).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN