Bãi chôn lấp rác hợp vệ sinh… cũng gây ô nhiễm Trước năm 2014, tất cả bãi rác ở tỉnh Khánh Hòa đều không đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường, do không có lớp lót chống thấm, không có hệ thống xử lý nước rỉ rác. Rác thải được vận chuyển đến bãi rồi đổ đống lên cao, không được đầm nén và phủ đất đúng quy cách. Các đơn vị quản lý giảm thể tích rác bằng cách đốt thủ công.
Từ năm 2014 đến nay, tỉnh Khánh Hòa có ba bãi rác được đầu tư xây dựng phù hợp với tiêu chuẩn chôn lấp hợp vệ sinh gồm: Lương Hòa, xã Vĩnh Lương, thành phố Nha Trang; Cam Thịnh Đông, thành phố Cam Ranh; Hòn Rọ, xã Ninh An, thị xã Ninh Hòa.
Tuy nhiên, các bãi chôn lấp rác hợp vệ sinh này vẫn bị sự cố ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Thời gian qua, bãi chôn lấp rác hợp vệ sinh Hòn Rọ có quy mô 3,1ha là một điểm “nóng” về ô nhiễm môi trường. Bãi rác này được cải tạo lại từ bãi rác cũ.
Theo đó, Công ty Cổ phần Đô thị Ninh Hòa đã ủi dồn nén phần rác trước đây tạo thành một khối và đầm nén đất phủ lên trên, tạo một ô chôn lấp mới được lót chống thấm và bố trí thu gom nước rỉ rác đưa về hệ thống xử lý có công suất 60m3/ngày đêm.
Bãi rác Hòn Rọ phục vụ việc xử lý rác thải sinh hoạt cho thị xã Ninh Hòa giai đoạn 2015 – 2020. Cuối năm 2016, do có mưa lớn, bãi rác này bị sự cố, khiến nước rỉ rác tràn ra mương ảnh hưởng đến môi trường. Việc này khiến người dân địa phương bức xúc kéo dài.
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh phát biểu tại buổi đối thoại với người dân về ô nhiễm môi trường. |
Tại buổi đối thoại với người dân địa phương vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh đã yêu cầu các ban, ngành cùng chính quyền địa phương, phải hoàn thành việc khắc phục sự cố ở bãi rác Hòn Rọ trước ngày 30/7 tới. Sau khi hoàn thành khắc phục sự cố bãi rác Hòn Rọ, công tác giám sát sẽ được tiến hành định kỳ.
Cụ thể, chất lượng nước thải, môi trường không khí, quy trình vận hành chôn lấp được giám sát 3 lần/tháng; từ tháng thứ bảy giám sát 2 lần/tháng; từ tháng 12 giám sát 1 lần/tháng; đồng thời xây dựng trạm quan trắc tự động để theo dõi môi trường.
Bãi chôn lấp rác hợp vệ sinh Lương Hòa diện tích 45ha, phục vụ cho việc xử lý chất thải rắn thông thường của thành phố Nha Trang, có hệ thống xử lý nước rỉ rác công suất 186m3/ngày đêm. Cuối năm 2016, bãi rác này cũng bị sự cố do mưa lớn, khiến nước thải tràn ra mương thoát nước.
Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị Nha Trang, đơn vị quản lý bãi rác này đã phải xây dựng bổ sung một hố chứa tạm nước rỉ rác có thể tích 5.000m3 để phục vụ việc thu gom, xử lý nước rỉ rác.
Bãi chôn lấp rác hợp vệ sinh Cam Thịnh Đông diện tích 10,4ha, có hệ thống thu gom và xử lý nước rỉ rác bằng công nghệ sinh học với tổng diện tích 2.000m2. Tuy nhiên, nước thải sau xử lý không đạt quy chuẩn theo hồ sơ môi trường được phê duyệt, do hệ thống xử lý nước rỉ rác được thiết kế… chưa phù hợp.
Bên cạnh đó, tỉnh Khánh Hòa còn có 4 bãi rác hở gồm: Hòn Ngang, xã Diên Lâm, huyện Diên Khánh diện tích 1ha; Dốc Đỏ, xã Cam An Nam, huyện Cam Lâm diện tích 2 ha; Mỹ Á, phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa diện tích 0,5ha; Dốc Ké, xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh diện tích 2ha.
Theo đánh giá, các bãi rác này đều chôn lấp không hợp vệ sinh, thậm chí còn đốt rác làm phát sinh khí thải, mùi hôi khó chịu. Nhiều bãi rác đang trong tình trạng quá tải, gây ô nhiễm môi trường, trong khi địa phương thiếu vốn để nâng cấp, mở rộng hoặc tổ chức di dời.
“Nhờ” tỉnh khác xử lý chất thải nguy hại Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, mỗi năm trên địa bàn tỉnh phát sinh hàng trăm tấn chất thải rắn nguy hại như: năm 2014 có 920 tấn, năm 2015 có 991 tấn, năm 2016 có 850 tấn. Số lượng chất thải rắn nguy hại phát sinh thực tế còn nhiều hơn, do một số cơ sở chưa thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ theo quy định. Nhiều chủ nguồn thải chưa nghiêm chỉnh chấp hành việc kê khai, báo cáo chất thải nguy hại.
Toàn cảnh buổi đối thoại với người dân về ô nhiễm môi trường. |
Hiện nay, tỉnh có duy nhất một Nhà máy Xử lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại, do Công ty Cổ phần Môi trường Khánh Hòa đầu tư xây dựng bên cạnh bãi rác Hòn Rọ, thôn Ninh Ích, xã Ninh An, thị xã Ninh Hòa. Nhà máy này có công suất 100 tấn/ngày, được xây dựng trên diện tích 6ha với tổng vốn đầu tư khoảng 137 tỷ đồng.
Nhà máy đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường tháng 9/2014 và cấp giấy phép xử lý chất thải nguy hại tháng 5/2016. Tuy nhiên, dù xây dựng xong đã lâu nhưng đến tháng 5/2017, nhà máy này vẫn chưa thể đi vào hoạt động, do vấp phải sự phản đối của người dân địa phương.
Ông Nguyễn Thành Yên, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định: Nhà máy hoàn toàn đáp ứng tiêu chuẩn của Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Khi đi vào hoạt động, cơ quan chức năng vẫn tổ chức giám sát và xem đây là khâu rất quan trọng. Nếu nhà máy gây ảnh hưởng đến người dân sẽ bị xử lý theo pháp luật.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh, sau khi khắc phục xong sự cố ở bãi rác Hòn Rọ, tỉnh sẽ báo cáo với Bộ Tài nguyên và Môi trường thống nhất kế hoạch cho Nhà máy Xử lý rác thải công nghiệp, rác thải nguy hại vận hành thử nghiệm, để đánh giá vấn đề tác động môi trường.
Các kết quả đánh giá về môi trường của nhà máy sẽ được công bố rộng rãi để người dân biết. Như vậy, phải mất một thời gian dài nữa Nhà máy xử lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại, mới có thể hoạt động chính thức. Trong khi đó, hoạt động thu gom, xử lý chất thải rắn nguy hại ở Khánh Hòa hiện vẫn phải “nhờ” đến các đơn vị chức năng ở ngoài tỉnh thực hiện. Theo đó, các đơn vị thu gom rồi vận chuyển chất thải rắn nguy hại từ Khánh Hòa đến các tỉnh như: Quảng Ngãi, Bình Dương… để xử lý.
Từ năm 2010, UBND tỉnh Khánh Hòa đã phê duyệt đề án quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh chủ trương đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý chất thải rắn và các khu chôn lấp rác hợp vệ sinh.
Cụ thể, xây dựng các nhà máy ở bãi rác Lương Hòa và ở xã Suối Cát, huyện Cam Lâm; đầu tư xây dựng khu chôn lấp rác hợp vệ sinh ở các xã: Sơn Trung (huyện Khánh Sơn) diện tích 1,5ha, Vạn Hưng (huyện Vạn Ninh) diện tích 50ha, Vạn Khánh (huyện Vạn Ninh) diện tích 30ha; Diên Sơn (huyện Diên Khánh) diện tích 10ha.
Tuy nhiên, đến nay tỉnh mới đầu tư xây dựng được Nhà máy xử lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại; các dự án còn lại chỉ dừng lại ở chủ trương đầu tư do thiếu vốn.