Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành chức năng, đến hết ngày 2/10, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã có trên 15.000 mét đê, bờ bao bị tràn bờ do triều cường cao; hơn 110 đoạn đê, bờ bao bị bể, làm ảnh hưởng đến hàng trăm ha mía, cây ăn trái và rau màu bị ngập nước, ảnh hưởng đến năng suất.
Thiệt hại nặng nhất là tại huyện Kế Sách và huyện Cù lao Dung với nhiều tuyến đường, đê bao bị triều cường tràn bờ, làm ngập nhiều diện tích lúa, cây ăn trái. Cụ thể: bờ bao có chiều dài 10.418m bị tràn bờ; có 178 ha lúa và 296 ha cây ăn trái bị ngập... rải rác ở địa bàn các xã Xuân Hòa, Đại Hải, Trinh Phú, An Mỹ, Thới An Hội, Nhơn Mỹ, An Lạc Tây, An Lạc Thôn, Ba Trinh, thị trấn Kế Sách.
Tại huyện Cù Lao Dung, riêng tuyến đê Tả Hữu bao quanh cù lao có tới 18 điểm tràn bờ, chiều dài 540m. Xã Đại Ân 1 cũng có 8 điểm, chiều dài 240m; An Thạnh 2 có 4 điểm tràn, chiều dài 120m; xã An Thạnh Đông, có 4 điểm, chiều dài 120m; Đê Biển An Thạnh 3, có 2 điểm, chiều dài 60m.
Ngoài ra, dù sâu trong nội đồng nhưng huyện Mỹ Tú cũng có 3 đoạn đê bao, đường nông thôn bị ảnh hưởng với chiều dài 2.220m, gây ảnh hưởng 63 hộ bị ngập nước, ước thiệt hại trên 2 tỷ 500 triệu đồng. Tại huyện Long Phú, triều cường làm vỡ 2 đoạn bờ bao với chiều dài 8m gây thiệt hại về hoa màu của các hộ dân khu vực, làm ngập 19 ha hoa màu, cây trái của 21 hộ dân.
Đến chiều 2/10, huyện Cù Lao Dung đã khắc phục cơ bản trong tổng số 85 điểm đê bao bị vỡ, bể, tràn do triều cường với chiều dài 2.735m. Chỉ còn lại 11 đoạn bị ảnh hưởng nặng đang tiếp tục được gia cố thêm và đề nghị tỉnh hỗ trợ khắc phục bằng cơ giới.
Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sóc Trăng, từ khi xảy ra triều cường đến chiều 2/10, các lực lượng chức năng và địa phương phối hợp với người dân tích cực khắc phục những đoàn đê bao bị bể, tràn bờ; rà soát, thống kê thiệt hại và hướng dẫn, vận động các hộ dân nhanh chóng khắc phục, bồi trúc thêm các đoạn bờ bao bị vỡ, có nguy cơ bị sạt bể, tràn bờ để hạn chế thấp nhất do triều cường gây ra trong những đợt tiếp theo.