Ông La Văn Tường (phường Đông Hải, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm) có căn nhà nằm sát tuyến đê biển Đông Hải cho biết, từ cuối năm 2020 đến nay biển động mạnh, xuất hiện những đợt sóng cao từ 3 - 4 m liên tục đánh vào bờ mái kè, mặt đường tuyến đê gây sụt lún nghiêm trọng. Nguy hiểm nhất là vào lúc nửa đêm, sóng biển đánh tràn vào nhà khiến mọi người lo sợ phải chạy sang ở tạm nhà người dân ở phía trong.
Theo Chi cục Thủy lợi Ninh Thuận, tuyến đê bảo vệ bờ biển Đông Hải - Phú Thọ có tổng chiều dài gần 3.130 m. Trong những tháng cuối năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của các đợt mưa bão kết hợp triều cường xâm thực mạnh khiến 6 vị trí trên tuyến đê với tổng chiều dài khoảng 450m bị hư hỏng nghiêm trọng. Sóng biển đánh sạt nhiều mái đê, làm sập các khoang đê, cuốn trôi cát gây rỗng hàm ếch dưới mái đê đang gây mất an toàn cho tuyến đê.
Bà Trương Thị Thanh Vân, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết, trước mắt để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân, đồng thời không để các vị trí sụp lún lan rộng sang hai phía và lấn sâu vào nhà dân, các đơn vị thi công đang khẩn trương xử lý tạm thời bằng cách san lấp, dùng đá hộc đổ vào vị trí bị sụt lún, san phẳng mặt đường để tạo thuận tiện cho việc đi lại của người dân khu vực. Các địa phương cũng cảnh báo, tuyên truyền để người dân tránh xa khu vực sạt lở không để xảy ra tai nạn đáng tiếc.
Nhằm ngăn chặn sạt lở bờ biển, Chi cục đã khảo sát, đề xuất dự án gia cố khắc phục khẩn cấp tuyến đê với tổng vốn đầu tư khoảng 26,1 tỷ đồng triển khai các giải pháp gồm: đào lớp mái bê tông đổ đá hộc tu sửa tạm thời, tháo dỡ các khối xếp và hệ khung dầm đã lún sụt, đổ đệm cát tạo lại mái chiều sâu trung bình 30cm, trải vải địa kĩ thuật, làm lớp đá dăm, lắp đặt lại mái bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn M300. Phần chân mái đê phía biển được bảo vệ bằng các kết cấu Tetrapods (bê tông khối lớn) trọng lượng 2 tấn xếp 2 lớp nhằm giảm tác động của sóng biển, đảm bảo ổn định cho mái kè.
Đối với các vị trí đường bị hư hỏng sẽ sửa chữa bằng cách dỡ bê tông mặt đường tại các vị trí bị rỗng hàm ếch; đắp bù các vị trí bị sạt lở để đảm bảo giao thông đi lại trên mặt đê, sau đó đổ bê tông M250 đá 1 x 2 dày 20 cm như kết cấu mặt đường hiện trạng. Đồng thời đổ bê tông tường chắn sóng tại các vị trí bị sập để đảm bảo an toàn cho công trình và khu vực dân cư lân cận.
Trước tình trạng đê biển Đông Hải - Phú Thọ bị hư hỏng nhiều vị trí, lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận đã trực tiếp đi khảo sát, chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng các cấp, ngành bố trí nguồn kinh phí khẩn trương sửa chữa, khắc phục các vị trí hư hỏng. Đồng thời giao cho các đơn vị đơn vị liên quan tiếp tục rà soát các vị trí xung yếu, có nguy cơ xảy ra sạt lở cao để báo cáo, đề xuất UBND tỉnh việc đầu tư, nâng cấp theo đúng quy định.