Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, tổng chiều dài bờ biển bị sạt lở là hơn 64 km; trong đó, sạt lở nghiêm trọng trên dưới 30 km và đặc biệt nguy hiểm khoảng 16,5 km ở vùng Tiểu Dừa - Chủ Vàng (An Minh); 2,5 km khu vực Mũi Rãnh (An Biên) và 4 km địa bàn xã Bình Giang (Hòn Đất). Hầu hết những đoạn sạt lở không còn cây rừng, mất khả năng phòng hộ, chắn sóng gió bảo vệ bờ biển.
Tình trạng sạt lở ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống, sinh hoạt và sản xuất hơn 250 hộ dân sinh sống ven biển 4 huyện An Minh, An Biên, Hòn Đất và Kiên Lương. Diện tích bãi bồi sạt lở 10 năm qua trên 500 ha với chiều rộng bị sạt lở, mất đi đai rừng phòng hộ ven biển từ 60 - 300 m. Ngoài ra, một số công trình xây dựng cơ sở hạ tầng trước đây bị ảnh hưởng sạt lở.
Ông Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang cho biết, địa phương đã triển khai đồng bộ một số giải pháp khắc phục tình trạng sạt lở, bảo vệ bờ biển như: khôi phục rừng phòng hộ kết hợp với trồng rừng ven biển; xây dựng công trình phá sóng, chắn sóng biển bằng bê tông. Năm 2018, Trung ương đầu tư cho tỉnh Kiên Giang 400 tỷ đồng để xây dựng 18 cống thủy lợi trên đê biển Tây nhằm ngăn mặn, giữ ngọt, điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất.
Ngân hàng Thế giới cũng đã đầu tư 172 tỷ đồng xây dựng một số công trình bảo vệ bờ biển. Một số tổ chức nước ngoài đầu tư dự án trồng và khôi phục rừng phòng hộ ven biển đang phát triển tốt, bước đầu phát huy tác dụng tích cực trong chống xói lở, sạt lở. Trung ương phân bổ nguồn vốn biến đổi khí hậu xây dựng một số công trình cấp bách, trọng điểm. Các sở ngành, địa phương nâng nhận thức về tình hình biến đổi khí hậu và có động thái tích cực kết hợp với ngành nông nghiệp ứng phó, hạn chế thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra.
Tuy nhiên, khó khăn trong khắc phục tình trạng sạt lở bờ biển hiện nay của Kiên Giang là nguồn kinh phí đầu tư lớn, vượt ngoài khả năng của tỉnh. Dự kiến, nếu đầu tư xây dựng hoàn thành đồng bộ, các công trình phòng chống, khắc phục sạt lở ven biển trên dưới 2.000 tỷ đồng. Biến đổi khí hậu diễn ra nhanh và phức tạp khiến một số giải pháp phi công trình như: trồng rừng, bảo vệ rừng không đạt hiệu quả. Một số công trình đầu tư xây dựng trước đây bị sụt lún, xuống cấp, hư hỏng không còn đảm bảo vững chắc trong ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống sạt lở, bảo vệ sản xuất, nhà ở của người dân cũng như một số công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn.
"Năm 2019, tỉnh Kiên Giang tập trung nguồn vốn đã được phân bổ và huy động để triển khai giải pháp công trình, phi công trình phòng chống, khắc phục sạt lở ven biển, nhất là đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành dự án, công trình trọng điểm đã khởi công xây dựng. Địa phương tranh thủ nguồn lực khác đầu tư xây dựng công trình ứng phó biến đổi khí hậu, nhất là sạt lở ven biển.", ông Đỗ Minh Nhựt cho biết.