Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Thi đua là cách tốt nhất và thiết thực để làm cho mọi người tiến bộ, thi đua giúp cho đoàn kết chặt chẽ thêm để thi đua mãi" và “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất”, 12 năm qua, phong trào thi đua “Lao động giỏi”, đặc biệt là phong trào phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô” đã được các cấp Công đoàn và công nhân viên chức lao động Hà Nội tích cực triển khai, hưởng ứng và thực sự đi vào chiều sâu.
Rất nhiều tấm gương công nhân giỏi tiêu biểu hiện hữu trên mọi lĩnh vực, ở các lứa tuổi đã được tôn vinh xứng đáng. Đây là những công nhân trực tiếp lao động, sản xuất, có nhiều sáng kiến sáng tạo, góp phần cùng doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hiệu quả, xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại.
Nhân lên những tấm gương tiêu biểu
Đại diện cho gần 2,5 triệu công nhân viên chức - lao động Hà Nội, 100 Công nhân giỏi Thủ đô được tuyên dương năm 2018 chính là những bông hoa tươi thắm tô điểm cho Tháng Công nhân và kính dâng Bác Hồ kính yêu nhân kỷ niệm 128 năm ngày sinh của Người.
Có thể kể đến 4 công nhân: Nguyễn Duy Thái, Vương Vũ Mọc (Công ty TNHH Denso Việt Nam), Hoàng Văn Đức (Công ty TNHH Toho Việt Nam) và Lê Tiến Thành (Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam) đã đạt giải nhất tại Hội thi thợ giỏi cấp thành phố năm 2017 ở các nghề tiện CNC, phay CNC, phay vạn, hàn CO2. Các anh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tận tâm với nghề, cố gắng học hỏi, tiếp cận và đổi mới để bắt nhịp với những công nghệ tiên tiến nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí và tăng năng suất lao động, đem lại giá trị lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Hay công nhân Đoàn Văn Lợi, Tổ trưởng tổ sản xuất lò cao số 1, Công ty cổ phần phân lân Văn Điển. Anh luôn có ý thức trách nhiệm cao, không ngừng nâng cao trình độ tay nghề, có nhiều đề xuất biện pháp lao động sáng tạo, hợp lý. Đặc biệt, Đề tài sáng kiến xử lý tuần hoàn 100% nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt của anh làm lợi hàng tỷ đồng cho doanh nghiệp mỗi năm, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường. Tương tự, ở Công ty cổ phần Sữa Quốc tế, công nhân Nguyễn Quý Hà bằng nhiệt huyết tuổi trẻ, đam mê với công việc đã luôn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao. Anh Quý có nhiều đóng góp hiệu quả cho công ty, tiêu biểu là sáng kiến “Cải tạo và đưa vào hoạt động máy bao thân cho sản phẩm sữa chua ăn” giúp cho doanh nghiệp mỗi năm tiết kiệm trên 1 tỷ đồng tiền chi phí nhiên liệu để phục vụ sản xuất.
Ngoài ra, còn có nhiều nữ công nhân như các chị: Nguyễn Thị Thu, Phạm Thị Bích (Công ty TNHH Canon Việt Nam), Nguyễn Thị Ngọc Giang (Công ty TNHH Một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội), Phạm Thị Điệp (Công ty May Liên danh Plummy)…, là những công nhân giỏi, có kinh nghiệm và tay nghề chuyên môn cao. Các chị luôn có thành tích tốt trong công việc và có nhiều hoạt động cải tiến, đổi mới trong sản xuất, đóng góp vào sự phát triển của doanh nghiệp, nhiều năm liền được thành phố tặng bằng khen “Người tốt, việc tốt”, Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở và đạt thành tích cao nhất tại các hội thi tay nghề…
Và còn rất nhiều tấm gương công nhân lao động giỏi, có thành tích xuất sắc dù ở bất kỳ ngành nghề, cương vị công tác nào đều cần cù tham gia lao động sản xuất, tích cực tìm tòi sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và cải thiện đời sống người lao động.
Khẳng định hiệu quả của phong trào thi đuaCó thể nói, phong trào “Lao động giỏi” phấn đấu trở thành Công nhân giỏi Thủ đô đã khẳng định được ảnh hưởng, tác dụng to lớn đối với hoạt sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, được cộng đồng doanh nghiệp và người lao động mọi lĩnh vực tích cực hưởng ứng. Thông qua các hình thức tôn vinh Công nhân giỏi đã tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo không khí thi đua sôi nổi, khơi dậy ý chí, lòng nhiệt tình say mê và tinh thần trách nhiệm của người lao động.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho biết, qua 12 năm triển khai phong trào, đã có 163.973 sáng kiến được công nhận ở cấp cơ sở, 11.704 sáng kiến được công nhận ở cấp trên cơ sở. Từ những sáng kiến, kinh nghiệm cấp cơ sở và cấp trên cơ sở, thông qua Hội đồng tư vấn, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã tặng bằng khen công nhận “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô” cho 954 cá nhân, trong đó có 650 sáng kiến được tính giá trị làm lợi 1.390 tỷ đồng.
Đặc biệt, năm 2018, nét mới trong phong trào thi đua là đã gắn với cuộc vận động "Công đoàn đồng hành với doanh nghiệp tăng năng suất lao động"; thực hiện "Quyền lợi đảm bảo, phúc lợi tốt hơn cho đoàn viên, người lao động". Kết quả, toàn thành phố có trên 38.615 công nhân lao động được công nhận danh hiệu Công nhân giỏi cấp cơ sở (tăng 5% so với năm 2017); 1.920 công nhân lao động được công nhận Công nhân giỏi cấp trên cơ sở; 100 công nhân lao động đạt danh hiệu Công nhân giỏi Thủ đô. Trong đó, riêng khu vực doanh nghiệp FDI chiếm tỷ lệ 32% số công nhân được tuyên dương; số công nhân bậc 3,4,5 đạt chiếm trên 60%; công nhân có trình độ tay nghề bậc 6, 7 chiếm tỷ lệ trên 30%.
Để người lao động yên tâm cống hiến cho doanh nghiệpBên cạnh những kết quả đạt được, Liên đoàn Lao động Hà Nội thẳng thắn chỉ ra những bất cập, hạn chế cần khắc phục trong công tác chỉ đạo phong trào thi đua và biểu dương Công nhân giỏi từ cấp cơ sở đến thành phố. Một số đơn vị tổ chức phong trào còn nặng về hình thức, chất lượng hiệu quả chưa cao, chỉ tập trung vào bình xét khen thưởng, chưa chú trọng đến việc đổi mới cách thức tổ chức. Việc xây dựng, nhân rộng các gương điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất chưa được quan tâm thường xuyên.
Mặt khác, công tác đào tạo nâng cao kỹ năng tay nghề cho công nhân lao động tại một số đơn vị chậm được đổi mới và chưa bắt kịp với chuyển biến của tình hình kinh tế-xã hội cũng như nhu cầu đòi hỏi của thực tiễn; chất lượng nguồn nhân lực, trình độ văn hóa, chuyên môn, kỹ năng, tay nghề, ý thức kỷ luật trong lao động của một bộ phận người lao động chưa cao. Các yếu tố về bố trí lao động không hợp lý, chế độ tiền lương, tiền thưởng, phúc lợi, điều kiện môi trường làm việc không đảm bảo cũng là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất lao động.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh: Thời gian tới, trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, đặc biệt là cuộc cách mạng lần thứ 4.0 đang đặt ra cho đất nước ta nói chung và Thủ đô nói riêng nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất kinh doanh và đời sống, việc làm của công nhân lao động. Từ đó đòi hỏi sự nỗ lực cố gắng hơn nữa của tổ chức công đoàn, các cấp, các ngành, doanh nghiệp và đông đảo công nhân lao động.
Để phong trào thi đua “Lao động giỏi”, phấn đấu đạt danh hiệu Công nhân giỏi Thủ đô đạt hiệu quả cao hơn, các cấp Công đoàn thành phố cần nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị 34-CT/TW của Bộ Chính trị về "Tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng" trong tình hình mới. Tổ chức tốt các phong trào thi đua, đặc biệt là phong trào “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động; hướng phong trào thi đua vào tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Các cấp Công đoàn cơ sở cần thực hiện tốt vai trò giám sát khen thưởng, xây dựng thang bảng lương; phối hợp với người sử dụng lao động thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, đảm bảo xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định và tiến bộ để người lao động yên tâm cống hiến cho doanh nghiệp.