Học sinh nghỉ học hết tháng 2, lùi thời điểm kết thúc năm học do COVID-19

Tuần qua, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm tới các thông tin: Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đề nghị các địa phương cân nhắc cho học sinh nghỉ học hết tháng 2, lùi thời điểm kết thúc năm học do ảnh hưởng của COVID-19; tiêu diệt Tuấn “khỉ”; xử lý nghiêm người khai man cấp lại bằng lái xe và tăng số tiền đã đóng tính hưởng chế độ BHXH.

Lo mất an toàn nếu đi học mùa dịch

Nhận định tình hình dịch COVID-19 có diễn biến phức tạp và trước nhiều ý kiến các bậc phụ huynh học sinh lo lắng về sự mất an toàn nếu cho con em đi học trong mùa dịch COVID-19, ngày 14/2, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có văn bản gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đề nghị cân nhắc cho học sinh, sinh viên nghỉ học đến hết tháng 2/2020.

Bộ GD&ĐT cũng đã quyết định lùi thời gian kết thúc năm học 2019 - 2020 và một số mốc thời gian trong khung thời gian năm học. Bộ sẽ có hướng dẫn cụ thể để các địa phương xây dựng kế hoạch điều chỉnh hoạt động dạy học, đảm bảo không ảnh hưởng đến chất lượng dạy học.

“Việc lùi thời điểm kết thúc năm học sẽ gây một số khó khăn cho ngành và các địa phương, nhưng qua phân tích vẫn có thể khắc phục được bằng các giải pháp quản lý phù hợp của từng nhà trường, tại từng địa phương. Việc phòng, chống dịch COVID-19 dù được chuẩn bị tốt đến mấy cũng không thể chủ quan. Vì vậy, các địa phương phải đặc biệt chú ý đến khâu an toàn, an toàn mới đi học, đi học phải an toàn. Tính mạng, sức khỏe của học sinh, giáo viên là trên hết”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ kiểm tra việc triển khai Nghị quyết 88 của Quốc hội và công tác phòng, chống, ứng phó dịch COVID -19 trong trường học tại tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Bộ GD&ĐT.

Trước đó, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT phải bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh khi đi học trở lại; đề nghị chính quyền, nhà trường phải thực hiện đầy đủ các giải pháp để đảm bảo trường học, lớp học an toàn. Bên cạnh đó, các lực lượng tập trung hướng dẫn, tuyên truyền để phụ huynh, học sinh yên tâm trước dịch bệnh.

Phó Thủ tướng nêu rõ, không nên cho đi học trở lại khi phụ huynh, học sinh vẫn lo lắng, sợ bị lây nhiễm ở trường, vẫn phải đeo khẩu trang trong lớp học. Việc cho học sinh nghỉ học tiếp chắc chắn có gây xáo trộn, trở ngại cho ngành giáo dục và cả công việc, sinh hoạt của các bậc phụ huynh và xã hội. Tuy nhiên, những điều đó không thể so được với sức khỏe, sự an tâm, tin tưởng của nhân dân.

Xử lý nghiêm người khai man để được cấp lại giấy phép lái xe

Ngày 14/2, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì buổi làm việc với các bộ, ngành về thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, thuế và thu tiền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu kết luận buổi làm việc. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN.

Theo Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), sau khi áp dụng Nghị định 100/2019/NĐ-CP (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt) và Luật Phòng chống tạc hại rượu bia, nhu cầu cấp, đổi giấp phép lái xe tăng mạnh. Trước đây một lái xe có thể có 2 - 3 giấy phép lái xe, có người báo mất để được cấp lại hoặc báo mất ở địa phương này để xin cấp ở địa phương khác, nhưng hiện giờ đã có kết nối giữa các cơ quan liên quan chặt chẽ, hiệu quả, nếu lái xe báo mất, trên hệ thống của Tổng cục Đường bộ Việt Nam và cơ quan công an sẽ kiểm tra, xử lý.

Trước thực tế này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định, những vấn đề về gian lận, dối trá, khai man để được cấp lại giấy phép lái xe sẽ bị xử lý nghiêm minh; đồng thời, đề nghị Cục Cảnh sát giao thông và Tổng cục Đường bộ Việt Nam thực hiện tốt việc kết nối chia sẻ dữ liệu thông tin lái xe, vận tải giữa hai bên, để vừa tạo thuận lợi nhất về thủ tục kiểm tra, xử lý trên nguyên tắc bên nào cung cấp dịch vụ, bên đó có trách nhiệm trả lời các khiếu nại và bên nhận tiền phải xuất hóa đơn, biên lai.

Tuấn 'khỉ' bị tiêu diệt khi chống trả lực lượng truy bắt

Liên quan đến vụ án giết 4 người bằng súng AK ở huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh, đêm 13/2, Tuấn “khỉ” đã bị lực lượng truy bắt tiêu diệt trong một căn nhà khi chống trả quyết liệt. Đến rạng sáng 14/2, đoạn Tỉnh lộ 15 qua khu vực Cầu Xáng (giáp ranh giữa huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi) đã bị công an phong tỏa nghiêm ngặt, công tác khám nghiệm hiện trường vẫn đang được triển khai.

Chú thích ảnh
Đối tượng Tuấn "khỉ".

Theo thông tin ban đầu, tối 13/2, lực lượng công an đã xác định nơi Lê Quốc Tuấn (còn gọi là Tuấn "khỉ") đang lẩn trốn trong một căn nhà thuộc khu vực giáp ranh xã Bình Mỹ (huyện Củ Chi và huyện Hóc Môn) và đã tiến hành bao vây nhiều lớp. Trong đêm, nhiều tiếng súng nổ phát ra tại khu vực này. Trước đó, ngày 30/1, Công an TP Hồ Chí Minh đã khởi tố bị can, truy nã toàn quốc đối với Lê Quốc Tuấn về tội giết người, cướp tài sản, tàng trữ và sử dụng trái phép vũ khí quân dụng. Các đơn vị trực thuộc Bộ Công an và Công an Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức các biện pháp truy bắt hai đối tượng Lê Quốc Tuấn và Phạm Thanh Tâm. Đây là đối tượng đặc biệt nguy hiểm, có vũ khí và rất manh động.

Ngày 1/2, Công an TP Hồ Chí Minh ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và quyết định truy nã Phạm Thanh Tâm về tội chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có. Đến 3/2, Tâm đã ra đầu thú.

Như đã đưa tin, vào chiều 29/1, vụ án mạng xảy ra tại một sới bạc trên đường số 121 thuộc ấp 5, xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi. Danh tính 4 nạn nhân bị giết bằng súng là: Vương Ngọc Hưng (sinh năm 1990), Lê Tấn Long (sinh năm 1974); Lê Thành Trung (sinh năm 1992, cùng trú tại huyện Củ Chi), Huỳnh Ngọc Minh Tùng (sinh năm 1985, trú tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và nạn nhân Trần Văn Th. (sinh năm 1987, trú tại huyện Củ Chi) đang được điều trị.

Tăng số tiền đã đóng tính hưởng chế độ BHXH từ ngày 1/1/2020

Thông tư 35/2019/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về mức điều chỉnh tiền lương, thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ có hiệu lực từ ngày 15/2/2020 quy định tăng số tiền đã đóng tính hưởng chế độ BHXH.

Cụ thể, điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH đối với người lao động thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định bắt đầu tham gia BHXH từ 1/1/2016 trở đi và người lao động thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, hưởng BHXH một lần hoặc bị chết mà thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần trong thời gian từ 1/1/2020 đến 31/12/2020.

Mức điều chỉnh tiền lương theo công thức: Tiền lương tháng đóng BHXH sau điều chỉnh của từng năm bằng tổng tiền lương tháng đóng BHXH của từng năm nhân với mức điều chỉnh tương ứng.

Thông tư 35 cũng điều chỉnh thu nhập tháng đóng BHXH. Đối tượng được điều chỉnh là người tham gia BHXH tự nguyện hưởng lương hưu, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu; hưởng BHXH một lần hoặc bị chết mà thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần trong thời gian từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/12/2020.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15/2/2020 và áp dụng kể từ ngày 1/1/2020.

Vân Sơn/Báo Tin tức
‘Nóng’ tuần qua: Hà Nội có tân Bí thư Thành ủy; Việt Nam nuôi cấy và phân lập thành công virus Corona
‘Nóng’ tuần qua: Hà Nội có tân Bí thư Thành ủy; Việt Nam nuôi cấy và phân lập thành công virus Corona

Tuần qua, sự kiện thu hút sự quan tâm của dư luận là việc Bộ Chính trị quyết định phân công đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, làm Bí thư Thành ủy thành phố Hà Nội. Bên cạnh đó, là sự kiện Việt Nam nuôi cấy và phân lập thành công virus Corona và việc các tỉnh thành tiếp tục cho học sinh nghỉ học để phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona gây ra (nCoV).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN