HĐND TP Hồ Chí Minh thông qua việc chuyển đất trồng lúa dưới 500 ha làm dự án

Theo đại diện UBND TP Hồ Chí Minh, việc HĐND TP Hồ Chí Minh biểu quyết thông qua tờ trình về việc chuyển đổi đất trồng lúa dưới 500 ha sẽ giúp địa phương có thêm nhiều quỹ đất để phát triển các dự án khu công nghiệp, hạ tầng giao thông, dự án nhà ở...

Chú thích ảnh
Các đại biểu HĐND TP Hồ Chí Minh biểu quyết thông tờ trình về việc chuyển đổi 

Chiều 19/9, các đại biểu Hội đồng Nhân dân (HĐND) TP Hồ Chí Minh khóa X đã biểu quyết thông qua tờ trình chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500 ha làm dự án. Đây là một trong những tờ trình quan trọng liên quan việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh. 

Theo UBND TP Hồ Chí Minh, việc HĐND TP Hồ Chí Minh biểu quyết thông qua tờ trình chuyển đổi đất trồng lúa dưới 500 ha đất lúa đã từng bước tạo điều kiện thuận lợi về trình tự thủ tục, rút ngắn thời gian. Trước đây, nếu theo trình tự mà trình Thủ tướng, thời gian có thể kéo dài từ 1-2 năm; bây giờ, trong nội dung này sẽ giảm xuống còn 6 tháng để thực hiện các bước thủ tục, làm điều kiện cho công tác chuyển đổi mục đích sử dụng đất đai của thành phố theo đúng cơ cấu, định hướng, góp phần tinh giảm thủ tục cho nhà đầu tư, kích thích kinh tế phát triển.

Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh là đô thị lớn, đông dân, tập trung nhiều KCN, KCX và các công trình công cộng lớn; việc chuyển đất nông nghiệp cho các nhu cầu phát triển đô thị, hạ tầng cơ sở, khu dân cư, công trình công cộng, khu cụm công nghiệp… là nhu cầu thực tế trong quá trình phát triển. Vì vậy, việc chuyển đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp, thành phố sẽ chọn những vùng đất có năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao; hạn chế tối đa việc chuyển đất sản xuất nông nghiệp tập trung, có hệ thống hạ tầng hoàn chỉnh sang các mục đích sử dụng khác.

Tại cuộc họp, một số đại biểu HĐND TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, hiện nay quỹ đất nông nghiệp tại TP Hồ Chí Minh khá dồi dào, một số khu vực vùng ven như: huyện Củ Chi, Hóc Môn còn xuất hiện tình trạng hoang hoá do nông dân bỏ đất không canh tác. Vì vậy, việc chuyển đất nông nghiệp sang đất dự án để phục vụ các nhu cầu như: khu dân cư, công trình công cộng, khu cụm công nghiệp… từ đó phát triển hạ tầng, kinh tế xã hội địa phương là điều cần thiết.

Theo thống kê của Sở Tài Nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, diện tích tự nhiên của TP Hồ Chí Minh khoảng 209.000 ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm 114.800 ha (53%). Đất trồng lúa có diện tích 15.586 ha chiếm 7,44% diện tích đất tự nhiên và chiếm 14% diện tích đất nông nghiệp. Diện tích đất lúa trên địa bàn phân bố nhiều nhất ở huyện Bình Chánh (4.282 ha), Củ Chi (7.296 ha), Hóc Môn (1.782 ha) và thành phố Thủ Đức (855 ha).

Theo kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021 - 2025 mà Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo, TP Hồ Chí Minh đặt chỉ tiêu chuyển 684 ha đất phi nông nghiệp không phải đất ở sang đất ở và chuyển 9.867 ha đất (trong đó có hơn 3.331 ha đất lúa) sang đất phi nông nghiệp.

 

Tin, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
TP Hồ Chí Minh thành lập Sở An toàn thực phẩm đầu tiên của cả nước
TP Hồ Chí Minh thành lập Sở An toàn thực phẩm đầu tiên của cả nước

Sáng 19/9, tại kỳ họp chuyên đề, HĐND TP Hồ Chí Minh đã thông qua Nghị quyết về thành lập Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh và sẽ chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2024.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN