Hải quan Móng Cái đẩy nhanh 'gõ cửa' doanh nghiệp

Ngồi nghỉ giải lao sau gần 1 giờ bốc vác hàng xuống bến sông Ka Long tại cửa khẩu Ka Long, Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, anh Nguyễn Văn Tiến, quê Hưng Yên cho biết, khoảng hơn 2 năm trở lại đây, công việc bốc vác của anh đã giảm đi nhiều. Trước đây, anh và các bạn nghề làm không hết việc thì nay có ngày phải đi tìm thêm việc khác do ít hàng về cửa khẩu.

Có lợi thế đường biên thuận lợi với Trung Quốc cùng các cảng biển, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh trở thành một trong những thành phố cửa khẩu sôi động nhất cả nước. Tuy nhiên từ đầu năm đến nay, hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) qua các cửa khẩu trên địa bàn Móng Cái đã có dấu hiệu giảm sút rõ rệt ở một số loại hình. Điều nay đang ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách của Chi cục.

Kiểm tra hàng nhập khẩu tại cửa khẩu Ka Long, Móng Cái. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN


Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái, trong 6 tháng đầu năm 2013, kim ngạch hàng nhập khẩu qua cửa khẩu đạt gần 76 triệu USD, giảm 48,18% so với cùng kỳ năm trước; hàng tạm nhập tái xuất (TNTX) đạt gần 700 triệu USD, giảm 16,57%; hàng xuất khẩu đạt trên 229 triệu USD, giảm 5,17%. Nhưng do loại hình kho ngoại quan tăng 18,21% (do hàng của dự án đầu tư Texhong được triển khai) nên tổng kim ngạch XNK qua địa bàn cửa khẩu Móng Cái đã tăng 2,82% so với cùng kỳ năm 2012.

Theo ông Nguyễn Văn Bắc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái, do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, chính sách quản lý mậu biên của Chính phủ và Trung Quốc có nhiều thay đổi, nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, hoạt động cầm chừng, ngừng hoạt động, phá sản là những nguyên nhân dẫn đến một số mặt hàng có kim ngạch xuất nhập khẩu giảm.

Đáng chú ý riêng mặt hàng TNTX vẫn tiếp tục xu hướng giảm. Kể từ sau Chỉ thị 23 ngày 7/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý Nhà nước về TNTX, chuyển khẩu và gửi kho ngoại quan qua các cửa khẩu, điểm thông quan được ban hành cùng các Thông tư hướng dẫn của Bộ Công Thương, Bộ Tài Chính, lượng hàng hóa theo hình thức TNTX về các cửa khẩu Móng Cái được giám sát, quản lý chặt chẽ, đặc biệt là danh mục các mặt hàng. Điều này phần nào ảnh hưởng đến lượng hàng hóa xuất nhập qua cửa khẩu. Theo Cục Hải quan Quảng Ninh, tính đến gần hết tháng 6, hàng hóa theo loại hình TNTX và kho ngoại quan qua tỉnh đạt 1.764 triệu USD giảm 5,08% so với cùng kỳ năm 2012. Riêng hàng hoá làm thủ tục tạm nhập ngoài cửa khẩu, tái xuất qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh là 23.560 công ten nơ, giảm 42,6% so với cùng kỳ năm 2012.

Đại diện một doanh nghiệp chuyên làm TNTX mặt hàng phụ phẩm gia cầm - mặt hàng theo quy định mới bị cấm TNTX tại cửa khẩu Móng Cái cho biết, từ đầu năm đến nay doanh nghiệp phải chuyển sang mặt hàng khác nhưng do làm mặt hàng mới còn nhiều bỡ ngỡ nên việc kinh doanh rất khó khăn. Anh cho biết, ngoài việc siết chặt mặt hàng TNTX thì một số quy định mới chưa thật sự tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Chẳng hạn như quy định doanh nghiệp phải có số tiền ký quỹ đặt cọc là 5 tỷ đồng tại kho bạc để xử lý môi trường và hàng hóa trong trường hợp không tái xuất được, hoặc thuộc diện bị xử lý tiêu hủy. Cũng từ 1/7 theo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế, hàng hóa kinh doanh TNTX phải nộp thuế trước khi hoàn thành thủ tục hải quan tạm nhập khẩu hàng hóa, trong khi trước đây không phải nộp khoản thuế này (mức thuế phải nộp với mỗi công ten nơ hàng từ 400 triệu đến 700 triệu đồng tùy từng mặt hàng). Sau đó được thanh khoản lại. Như vậy, nếu với doanh nghiệp vừa và nhỏ, hầu hết vốn sản xuất kinh doanh phải vay ngân hàng, các khoản chi phí này gây áp lực khá lớn.

Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái, với chỉ tiêu giao nộp ngân sách của Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh cho Chi cục là 746 tỷ đồng, trong khi Chi cục mới thực hiện được gần 41% thì nhiệm vụ thu nộp ngân sách từ nay đến cuối năm khá nặng nề, nhất là trong điều kiện nền kinh tế chưa hồi phục, doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn. Để hoàn thành chỉ tiêu này, từ nay đến cuối năm 2013, Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái đang nỗ lực triển khai một loạt các giải pháp

Trước hết, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp bằng việc tiếp tục mở rộng triển khai thủ tục hải quan điện tử; chống phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực; rút ngắn thời gian thông quan, thời gian giải phóng hàng, giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp. Theo Chi cục Hải quan Móng Cái, tính đến nay, các chỉ tiêu về thực hiện thủ tục hải quan điện tử của chi cục đều vượt mức đề ra. Số doanh nghiệp khai hải quan điện tử hiện nay đạt tới 97,19%.

Nhằm tạo hiệu quả hơn nữa trong triển khai thủ tục hải quan điện tử, từ nay đến cuối năm, Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái sẽ tiếp tục mở rộng thủ tục hải quan điện tử gắn với việc thí điểm áp dụng chữ kỹ số; thực hiện hiệu quả đề án phối hợp thu, nộp ngân sách nhà nước và bảo lãnh thuế bằng phương thực điện tử theo thỏa thuận giữa Tổng cục Hải quan với các ngân hàng thương mại giai đoạn 2 (e-Payment). Đồng thời rà soát, hệ thống 90 thủ tục hành chính về hải quan công khai cho người dân, doanh nghiệp biết, thực hiện. Chi cục cũng triển khai xây dựng, nâng cấp các đề tài sáng kiến, giải pháp hữu ích, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động nghiệp vụ như chương trình hỗ trợ đăng ký tờ khai; chương trình giám sát, quản lý hàng hóa tại các địa điểm kiểm tra hàng xuất khẩu; chương trình hỗ trợ thanh khoản tạm nhập tái xuất…

Cùng với các biện pháp nghiệp vụ, Chi cục hải quan cửa khẩu Móng Cái cũng tích cực tăng nguồn thu ngân sách bằng việc kiện toàn tổ rà soát, phân loại hồ sơ nợ thuế. Phối hợp tốt với chính quyền địa phương, cơ quan công an, cơ quan thuế, ngân hàng đôn đốc, thu đòi nợ thuế. Rà soát các khoản có khả năng tăng thu nhằm chống thất thu ngân sách nhà nước. "Giải pháp được Chi cục đặc biệt quan tâm đó là sẽ kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung nhiều quy định không phù hợp, gây khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp trong lúc kinh tế khó khăn hiện nay". Ông Nguyễn Văn Bắc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái cho biết.


Thu Hạnh
Hải quan Việt Nam mở rộng hợp tác quốc tế
Hải quan Việt Nam mở rộng hợp tác quốc tế

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Việt Nam và Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hồng Công (Trung Quốc) đã ký Thỏa thuận hợp tác và trợ giúp lẫn nhau giữa hải quan hai bên. Đây là thỏa thuận hợp tác thứ 18 mà Hải quan Việt Nam ký với các cơ quan hải quan trên thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN