Gà nhập lậu vẫn được bày bán công khai tại một số chợ vùng biên giới Móng Cái (Quảng Ninh) bất chấp những cảnh báo về dịch cúm A/H7N9 đang xảy ra tại Trung Quốc.
Gà nhập lậu vẫn tràn về chợ Móng Cái bất chấp dịch cúm A/H7N9 ở Trung Quốc. Ảnh: Internet |
Gà nhập lậu đang được bán ở các chợ này với giá từ 80.000 – 120.000 đồng/kg, rẻ hơn so với gà ta từ 50.000 – 80.000 đồng/kg. Khi được hỏi về dịch bệnh cúm H7N9, hầu hết những người bán gà đều vô tư trả lời "người ta cứ ăn đấy có làm sao đâu”.
Theo phản ánh của một số người dân địa phương, tình hình vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm đang diễn ra ngày một tinh vi nhưng vắng bóng các lực lượng chức năng.
Theo thông tin từ Ban chỉ đạo 127 Quảng Ninh, qua 2 tháng triển khai kế hoạch tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, các lực lượng chức năng của tỉnh vào cuộc tích cực, bước đầu đẩy lùi được các hoạt động vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu.
Các ngành chức năng đã kiểm tra, xử lý 58 vụ vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép, tiêu huỷ trên 15 tấn gà thải loại, trên 26 tấn chân gà đông lạnh, hơn 75.500 con gà giống, gần 25.000 quả trứng gia cầm..., xử lý vi phạm hành chính gần 93 triệu đồng.
Quảng Ninh là một tỉnh có nhiều cửa khẩu, điểm thông biên, đường biên giới chung rất gần với các vùng trang trại chăn nuôi tập trung của Trung Quốc nên có thể coi đây là địa bàn trọng điểm của gà lậu. Ngoài ra, giá gà lậu từ bên kia biên giới rất chệnh lệch so với nội địa, phạm vi kiểm soát rộng lớn cả đường bộ và đường biển nên các đối tượng không dễ từ bỏ ý định tìm mọi cách đưa gà lậu về tiêu thụ tại nội địa.
Trong khi đó, lực lượng chức năng dù đã tăng cường công tác ở mức cao theo tinh thần chỉ đạo của chính phủ, song lại có những hạn chế nhất định như lực lượng mỏng, trang bị, điều kiện phục vụ việc truy bắt, xử lý sau khi thu giữ tang vật chưa thực sự đáp ứng yêu cầu, việc xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe...
Đấu tranh ngăn chặn triệt để hành vi nhập lậu gia cầm đòi hỏi sự vào cuộc tích cực hơn, mạnh mẽ và quyết liệt hơn trong việc kiểm soát thị trường tiêu thụ sâu trong nội địa. Đặc biệt, cần đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng tránh xa các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Đồng thời, cần xử lý nghiêm hành vi kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Nguyễn Hoàng