Tàu thuyền vào neo đậu tránh trú bão an toàn tại âu thuyền huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Công Tường/TTXVN |
Tính đến 17 giờ chiều 16/7, các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh bằng nhiều kênh thông tin như điện thoại, bộ đàm đã tập trung kêu gọi các chủ tàu, thuyền vào nơi tránh trú ẩn an toàn.
Theo ghi nhận của phóng viên tại huyện Lộc Hà, ngay đầu giờ chiều 16/7, lãnh đạo địa phương đã triệu tập cuộc họp khẩn nhằm triển khai công tác ứng phó với cơn bão số 2.
Ngay sau cuộc họp, lãnh đạo huyện Lộc Hà đã trực tiếp xuống các điểm xung yếu nhằm kiểm tra công tác chằng néo nhà cửa, neo đậu tàu thuyền, chuẩn bị các phương án ứng phó với cơn bão số 2.
Hiện nay, tại âu tránh trú bão ở xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà đã có trên 200 tàu, thuyền với 1.230 lao động các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh được về nơi neo đậu an toàn. Ngoài ra, huyện Lộc Hà có 4 tàu, thuyền với 21 thuyền viên được hướng dẫn về nơi trú ẩn ở đảo Cô Tô (Quảng Ninh), Bạch Long Vĩ (Hải Phòng).
Sáng cùng ngày, trong cuộc họp triển khai các phương án đối phó với cơn bão số 2, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn yêu cầu: 17 giờ ngày 16/7, tất cả các tình huống ứng phó bão phải được kiểm soát, nhất là các địa phương ven biển.
Trong chiều 16/7, tất cả các hệ thống cống, các hồ đập phải được đảm bảo vận hành, kiểm soát tình huống. Các địa phương phải kiểm tra cụ thể tận cơ sở, đồng thời xây dựng kịch bản ứng cứu khi có bão lớn, mưa to và có phương án xử lý lũ quét ở các huyện vùng như: Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang…
Tàu thuyền đưa lên bờ tránh trú bão tại phường Trung Sơn, TP Sầm Sơn. Ảnh: Trịnh Duy Hưng/TTXVN |
* Với việc “cấm biển” từ chiều 16/7, đến 17 giờ, toàn tỉnh Thanh Hóa có 5.021 phương tiện tàu, thuyền với 19.420 lao động hoạt động trong tỉnh đã vào các nơi tránh trú bão an toàn. Ngoài ra, 724 phương tiện với 5.034 lao động đang hoạt động ở các vùng biển khác đã nhận được thông tin về cơn bão và đang tìm về nơi tránh trú bão.
Theo quan sát của phóng viên TTXVN, tại Cảng Lạch Hới và Âu tránh trú bão tàu thuyền Bắc miền Trung (phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn), hàng trăm phương tiện đang tiến hành các công đoạn neo đậu, chằng chống tàu thuyền.
Tại Khu vực bãi D, thành phố biển Sầm Sơn, ngư dân đang tích cực di chuyển tàu thuyền cống suất dưới 90CV vào nơi an toàn. Các vật dụng thiết yếu từ tàu thuyền cùng ngư lưới cụ được khẩn trương đưa từ thuyền lên bờ để đề phòng bão đổ bộ bất ngờ. Hệ thống tời dây được huy động tối đa để kéo tàu thuyền lên bãi tránh trú.
Anh Phạm Gia Sơn, chủ tàu TH-91199-TS cho biết: "Khi nghe thông tin bão số 2 từ các phương tiện thông tin liên lạc, tôi đã khẩn trương cho tàu cập Cảng cá Lạch Hới để tránh trú bão, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện. Tại đây, tôi được các lực lượng chức năng hướng dẫn vị trí cũng như cách neo đậu tàu thuyền an toàn. Bão tan, tàu tôi sẽ tiếp tục ra khơi đánh bắt."
Ông Vũ Đình Thịnh, Bí thư Đảng ủy phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn khẳng định: "Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão số 2, phường Quảng Tiến đã liên lạc, kêu gọi tàu thuyền khẩn trương về nơi tránh trú an toàn.
Đến 17 giờ ngày 16/7, phường Quảng Tiến có 247 phương tiện và 2.200 lao động. 201 phương tiện đã về tránh trú an toàn tại các bến trong tỉnh, 46 phương tiện khác đã tránh trú ở Cát Bà (Hải Phòng) và Quảng Bình.
Việc chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây và triển khai phương án đảm bảo an toàn cho các cảng, âu tránh trú, khu du lịch được chính quyền chỉ đạo thực hiện ráo riết."
Tuy nhiên, tại các bãi tắm A, B, C của Thành phố biển Sầm Sơn, đến 17 giờ ngày 16/7, vẫn còn khá đông du khách tắm biển, nghịch sóng dù sóng biển đã khá to và nước biển đục ngàu.
Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão và cứu hộ cứu nạn Sầm Sơn thông qua hệ thống loa phát thanh bãi biển không ngừng ra các thông báo kêu gọi du khách khẩn trương lên bờ, nghiêm cấm du khách tắm biển. Lực lượng cứu hộ cứu nạn liên tục thổi còi nhắc nhở du khách khẩn trương lên bờ, tránh nguy hiểm đến tính mạng.
Để chủ động ứng phó với diễn biến bão số 2, tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu các địa phương đã lập phương án sẵn sàng sơ tán 247.867 người khỏi vùng nguy hiểm. Đồng thời nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi; sử dụng mọi phương tiện, bằng mọi biện pháp kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn; tổ chức hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại nơi tránh trú; tổ chức di dời, neo đậu lồng bè nuôi trồng thủy sản đảm bảo an toàn; tuyệt đối không để người ở lại trên các phương tiện, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản đồng thời chỉ đạo việc chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây và triển khai phương án đảm bảo an toàn các bến cảng, khu du lịch.
Các huyện miền núi, vùng nguy cơ xảy ra sạt lở cao, vùng cửa sông, ven biển phải sẵn sàng khi có lệnh sơ tán dân; kiểm tra cụ thể phương án 4 tại chỗ, trong đó chú trọng về lương thực, nhu yếu phẩm, phương tiện cứu nạn đề phòng trường hợp mưa lũ gây chia cắt dài ngày.