Hà Nội xã hội hóa các khu vui chơi, giải trí công cộng

Hà Nội còn rất thiếu các không gian công cộng, các điểm vui chơi, giải trí phục vụ đời sống tinh thần của người dân.

Những điểm vui chơi, giải trí hiện có của Hà Nội cũng chưa đáp ứng được yêu cầu, bởi trang thiết bị vừa thiếu, vừa nghèo nàn, thậm chí nhiều khu vui chơi bị bỏ hoang.

Trong khi thành phố đang thiếu nguồn lực đầu tư cho các khu vui chơi, giải trí công cộng, một hướng đi mới đang được nhiều quận, huyện thực hiện tốt, đó là huy động từ nguồn xã hội hóa.

Thiếu trước hụt sau

Từ nhiều năm nay tại Hà Nội, khi các công trình nhà cao tầng, các khu đô thị, các tuyến đường giao thông liên tục được hoàn thiện, quỹ đất dành cho các điểm vui chơi, giải trí công cộng ngày càng hẹp. Tại các quận nội thành rất hiếm những điểm vui chơi, công cộng có diện tích rộng (công viên, vườn hoa), thay vào đó là những điểm nhỏ lẻ, nằm xen kẹt trong các khu dân cư. Sân các khu tập thể, các diện tích đất chưa sử dụng được trưng dụng làm khu vui chơi.

Công viên Thống Nhất là một trong những khu vui chơi giải trí công cộng hiếm hoi ở khu vực quận Hai Bà Trưng. Ảnh: Internet

Theo đại diện UBND quận Hoàn Kiếm, cả quận chỉ có 10 vườn hoa phục vụ hoạt động vui chơi, giải trí của người dân. Nếu dạo một vòng quanh phố cổ, người ta không thể tìm ra điểm nào chuyên tổ chức khu vui chơi cho trẻ em, không có lấy một bể bơi, một sân bóng đá… Nhà cửa san sát nhau, hàng quán buôn bán sầm uất, đường phố chật hẹp, nên việc tạo ra quỹ đất xây dựng khu vui chơi, giải trí có quy mô là vô cùng khó.

Quận Hai Bà Trưng có 9 khu vui chơi, giải trí công cộng (công viên, vườn hoa, khu cây xanh, sân chơi) trong đó có hai công viên lớn là Công viên Thống Nhất và Công viên Thanh Nhàn; nhưng theo đại diện quận Hai Bà Trưng, với địa bàn dân cư đông, các khu vui chơi giải trí còn ít cây xanh, ghế đá, các trang thiết bị phục vụ luyện tập thể dục thể thao còn thiếu. Một số địa điểm vui chơi đã xuống cấp không đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Không chỉ ở các quận nội thành thiếu các khu vui chơi, giải trí công cộng mà các huyện ngoại thành cũng thiếu. Và vấn đề ở đây không phải là quỹ đất, mà do thiếu các nguồn lực đầu tư, hoặc chưa có quy hoạch các điểm vui chơi, giải trí công cộng, hoặc chậm triển khai quy hoạch.

Điển hình như ở huyện Phúc Thọ chưa có điểm vui chơi, giải trí nào. Hay huyện Ứng Hòa cũng chưa có điểm vui chơi, giải trí công cộng phục vụ nhân dân. Trong quy hoạch tổng thể đến năm 2020, tầm nhìn 2030 mới có hướng phát triển đầu tư khu trung tâm thương mại, dịch vụ tổng hợp của huyện ở khu đô thị mới Bắc thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa. Huyện Mỹ Đức cũng mới đang triển khai giai đoạn 1 san lấp mặt bằng công viên cây xanh tại thị trấn Đại Nghĩa. Quốc Oai là huyện thuần nông nên các sinh hoạt văn hóa, vui chơi, giải trí của nhân dân chủ yếu tại các nhà văn hóa thôn, làng.

Theo quy hoạch tổng thể đến năm 2030, UBND thành phố đã phê duyệt đầu tư xây dựng các công viên chuyên đề, các khu trung tâm văn hóa phục nhân dân trên địa bàn huyện. Thời điển hiện tại, trung tâm văn hóa huyện đã được phê duyệt chủ trương đầu tư.

Huy động nguồn lực xã hội hóa

Không chỉ thiếu quỹ đất, kinh phí đầu tư xây dựng các khu vui chơi, giải trí công cộng cũng là một trong những khó khăn gây cản trở cho các địa phương. Rất nhiều khu vui chơi thiếu trang bị, nhiều khu vui chơi đang trong tình trạng xuống cấp khiến người dân không mặn mà. Một trong những cách làm sáng tạo đang được nhiều địa phương vận dụng thành công là huy động nguồn xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân để phát triển, hiện đại hóa các khu vui chơi, giải trí phục vụ nhân dân.


Đến Công viên Cầu Giấy hiện nay, mọi người không khỏi ngỡ ngàng bởi nơi này có một khu vui chơi, giải trí hoành tráng, hiện đại với đầy đủ trang thiết bị vui chơi phục vụ trẻ em hoàn toàn được nhập khẩu từ nước ngoài. Khu vực vui chơi được trải thảm cỏ nhân tạo, trang thiết bị đẹp, mới lạ nên hàng ngày công viên Cầu Giấy đã thu hút đông đảo người lớn, trẻ em trong quận và các nơi khác đến vui chơi. Để xây dựng nên khu vui chơi này, quận Cầu Giấy huy động hoàn toàn từ xã hội hóa với nguồn kinh phí lên tới 10 tỷ đồng.

Công viên Cầu Giấy thu hút đông đảo lượng khách bởi khu vui chơi giải trí, hiện đại. Ảnh: news.zing.vn

Công viên Nghĩa Đô cũng được đầu tư xây dựng khu vui chơi tương tự mô hình ở Công viên Cầu Giấy, tạo nơi vui chơi giải trí cho người dân trong khu vực. Ngoài hai công viên này, quận Cầu Giấy cũng đang triển khai xây dựng khu vui chơi, giải trí với các trang thiết bị hiện đại ở 3 công viên khác. 8 phường trên địa bàn quận Cầu Giấy đều có nhà văn hóa, sân bóng rổ, cầu lông, khu vui chơi… hầu hết được đầu tư theo hình thức xã hội hóa.

Quận Long Biên cũng là địa phương thực hiện tốt phương thức huy động xã hội hóa đầu tư các thiết chế văn hóa, các điểm vui chơi, giải trí công cộng. Từ một khu luyện tập thể thao ở vườn hoa Dốc Cẩm do thành phố đầu tư ban đầu, 100% phường trên địa bàn quận Long Biên đều đầu tư xây dựng khu luyên tập thể thao với hàng chục thiết bị hiện đại. Trong đó, phần lớn nguồn vốn được huy động từ xã hội hóa. Là huyện ngoại thành, nhưng huyện Đan Phượng cũng tích cực huy động nguồn lực xã hội hóa xây dựng các thiết chế văn hóa và các khu vui chơi, giải trí công cộng.

Ông Nguyễn Công Khương, Trưởng phòng Văn hóa và thông tin huyện Đan Phượng cho biết, trước đây, tỉnh Hà Tây cũ hỗ trợ để xây dựng mỗi nhà văn hóa thôn từ 20% - 30% tổng kinh phí, số còn lại thực hiện xã hội hóa. Sau đó, mức đầu tư được nâng lên 100 triệu đồng nhưng có nơi huy động xã hội hóa tốt, xây nhà văn hóa trị giá vài trăm triệu đồng. Ngoài ra, hệ thống trang thiết bị đều do các tổ chức, cá nhân đóng góp. Huyện Đan Phượng phấn đấu tất cả các thôn đều có vườn hoa, sân tập thể thao để phục vụ tốt hơn đời sống văn hóa tinh thần của người dân.

Theo ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, từ khi thành phố ban hành nghị quyết về chính sách khuyến khích đầu tư, huy động sự đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân vào công trình xây dựng, công viên, vườn hoa, khu vui chơi, giải trí và tôn tạo giá trị di sản, tại nhiều địa phương đã có bước chuyển biến mạnh trong đầu tư xây dựng các công trình công cộng. Bước chuyển này đã góp phần hình thành nên các công trình văn hóa, vui chơi, giải trí từ sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân. Đây là một nguồn lực mạnh, nếu huy động tốt sẽ vừa làm đẹp hơn bộ mặt đô thị của Thủ đô, vừa làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.
Đinh Thị Thuận (TTXVN)
Nhiều khu vui chơi cho trẻ em thủ đô bị lãng quên
Nhiều khu vui chơi cho trẻ em thủ đô bị lãng quên

Mùa hè đến, câu chuyện về sự thiếu hụt các sân chơi công cộng cho trẻ em không hề nguội đi trong cái thời tiết "nóng như đổ lửa" ngày quốc tế thiếu nhi 1/6.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN