Hà Nội lên kế hoạch cải tạo nhiều khu tập thể cũ

Hà Nội đang khẩn trương hoàn thiện Đề án khung cơ chế, chính sách đặc thù để sớm thực hiện cải tạo, xây dựng mới các chung cư cũ trên địa bàn thành phố năm 2021.

Theo số liệu thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có 1.516 khu tập thể có quy mô từ 2 đến 5 tầng, chủ yếu được xây dựng từ năm 1960 đến cuối những năm 1990, ngoài ra còn một số nhà được xây dựng từ trước năm 1954. Mật độ dân cư hầu hết đã tăng gấp đôi so với thiết kế ban đầu. Những khu tập thể cũ có quy mô lớn với hàng nghìn hộ dân sinh sống có thể kể đến như Nghĩa Tân, Giảng Võ, Thành Công, Kim Liên, Quỳnh Mai, Văn Chương...

Video hiện trạng xuống cấp tại nhiều căn tập thể cũ ở Hà Nội:

Hầu hết các khu tập thể cũ ở Hà Nội đều không được sửa chữa, bảo trì thường xuyên dẫn đến nhiều khu xuống cấp nghiêm trọng, một số nhà hư hỏng nặng, điển hình là khu tập thể Tân Mai (Hoàng Mai), tập thể Giảng Võ (Ba Đình)... Theo đánh giá của TP Hà Nội, do vướng mắc về cơ chế, chính sách nên đến nay số lượng nhà chung cư và tập thể cũ được xây dựng lại còn quá ít.

Theo tìm hiểu của phóng viên báo Tin tức (TTXVN), nhiều doanh nghiệp tham gia cải tạo chung cư cũ gặp khó ngay ở khâu đầu tiên khi lấy ý kiến của các hộ dân. Bắt buộc phải 100% ý kiến cư dân đồng tình thì mới triển khai được các bước tiếp theo.Vì vậy, dù có hàng nghìn hộ dân sinh sống ở chung cư đã đồng ý, nhưng chỉ cần 1 hộ dân phản đối là dự án cũng có thể đi vào ngõ cụt.

Chú thích ảnh
Khu tập thể Quỳnh Mai (quận Hai Bà Trưng).
Chú thích ảnh
Khu tập thể số 51, đường Huỳnh Thúc Kháng xuống cấp nghiêm trọng, hệ thống cột dầm chịu lực của tòa nhà đã bị nứt, lún nghiêm trọng, phần lan can cũng đã bị hỏng.
Chú thích ảnh
Khu tập thể A10-11 Nghĩa Tân có tuổi đời trên 30 năm và đang xuống cấp từng ngày.

Theo Bà Trần Thị Yến (trú tại khu tập thể A10-11 Nghĩa Tân, phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy), từ năm 2013 đã có 2 doanh nghiệp đến đây lấy ý kiến người dân thực hiện dự án xây chung cư mới. Nhưng một số quy định về hệ số đền bù cũng không phù hợp, ví dụ sau khi xây dựng cải tạo xong có khu chung cư yêu cầu hệ số 1.5, cao nhất là 2.8 (1m2 đang ở sau khi xây xong người dân phải được nhận từ 1,5m2 - 2,8m2). Chưa kể nhiều căn hộ chỉ 8-10m2, khi đền bù nhân hệ số lên chỉ khoảng 20m2, vẫn bé hơn căn hộ theo tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng là tối thiểu phải từ 25m2 trở lên... 

Theo bà Yến, gần như các hộ dân ở tầng 1 của khu tập thể đều phản đối vì họ cho rằng giá tiền đền bù quá rẻ, không thể bù lại được thu nhập hàng tháng từ việc cho thuê hoặc kinh doanh mặt bằng hiện tại.

Thực tế, sau 20 năm, Hà Nội mới chỉ có 1% chung cư cũ nát được cải tạo, sửa chữa (14 chung cư). Việc cải tạo chung cư cũ vẫn dậm chân tại chỗ suốt 20 năm qua do ba nhóm lợi ích chưa thống nhất được, gồm: Người dân, doanh nghiệp và thành phố. Bởi vậy, muốn cải tạo chung cư cũ thành công, theo nhiều ý kiến phải hài hòa được các lợi ích trên, còn việc xã hội hoá là cần thiết nhưng chưa đủ. 

Chú thích ảnh
Bà Nguyễn Thị Chung (76 tuổi) đang phải sinh sống trong khu tập thể B5 Giảng Võ, quận Ba Đình, bức xúc vì mỗi khi trời mưa, các hộ dân đều phải chịu chung cảnh thấm dột, nhất là tầng 5. 

Mới đây, Hà Nội đã thành lập Tổ chuyên gia để nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế, chính sách đặc thù  về cải tạo, xây dựng mới các nhà chung cư cũ. Tổ chuyên gia có nhiệm vụ nghiên cứu các quy định hiện hành của pháp luật về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư để hoàn thiện các cơ chế, chính sách đặc thù của thành phố; hoàn thiện Đề án về cải tạo, xây dựng lại các nhà chung cư cũ trên địa bàn thành phố do Sở Xây dựng đề xuất, báo cáo UBND thành phố lấy ý kiến của HĐND thành phố, báo cáo Thành ủy thông qua để trình Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận để triển khai.

Chú thích ảnh
Đây là cách mà người dân trong khu tập thể Trung Tự lắp điều hoà và cơi nới không gian để sinh sống.

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh, hiện có 19 doanh nghiệp được giao lập quy hoạch chi tiết 1/500 cải tạo, xây dựng lại các chung cư thấp tầng và các khu tập thể cũ trên địa bàn Hà Nội với nhiều đơn vị có tiềm lực kinh tế. Việc các doanh nghiệp đồng ý tham gia lập quy hoạch cải tạo chung cư cũ là tín hiệu đáng mừng, có thể tạo bước ngoặt, tuy nhiên theo các chuyên gia, khó khăn lớn nhất hiện nay trong việc cải tạo chung cư cũ là lợi ích các bên gồm doanh nghiệp, người dân.

Chú thích ảnh
Tầng 1 của khu tập thể Kim Liên được các hộ dân tận dụng cho thuê mặt bằng kinh doanh quần áo, luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ.

Về vấn đề cải tạo các khu tập thể và chung cư cũ, ông Dương Minh Nghĩa, Trưởng phòng Giám định 2 (Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng) cho rằng, nên phân tách rõ các đối tượng để xem xét. Đối với những công trình của Nhà nước như tập thể cũ, đã xuống cấp ảnh hưởng đến cộng đồng, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội thì Nhà nước phải có trách nhiệm quan tâm và có hướng tháo gỡ.

Chú thích ảnh
Tình trạng cơi nới các ban công, hành lang thành những "chuồng cọp" để mở rộng diện tích sử dụng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn, đặc biệt là an toàn phòng cháy chữa cháy.
Chú thích ảnh
Đa phần, các hộ dân ở đây cơi nới thêm phần ban công để có thêm diện tích sử dụng.
Chú thích ảnh
Tâm lý “rào chắc, buộc chặt” của người dân đã vô tình khóa mất lối thoát nạn của gia đình khi có sự cố hỏa hoạn xảy ra.

Gần đây nhất, ngày 15/4, thành phố Hà Nội đã họp và xem xét cơ chế, chính sách đặc thù để có giải pháp phù hợp, đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn. Nhiều khả năng, thành phố sẽ tìm ra được cách tháo gỡ các nút thắt để cải tạo tập thể cũ trong giai đoạn 2021-2025.

 

Chùm ảnh, clip: Trung Nguyên/Báo Tin tức
Cần tư duy đột phá trong cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội
Cần tư duy đột phá trong cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội

Cải tạo chung cư cũ trên địa bàn Thủ đô không còn là một chủ đề mới, thế nhưng cho đến nay, qua 4 nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ thành phố, kết quả thực hiện nhiệm vụ này mới chỉ đạt khoảng 1% trong tổng số hơn 1.500 chung cư cũ, khu tập thể cũ. Do vậy, để giải được bài toán khó này, Hà Nội cần có một tư duy đột phá, mang tính cách mạng gắn với tính chất đặc thù của Thủ đô.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN