Ngập úng đã trở thành vấn đề được người dân thủ đô đặc biệt quan tâm, nhưng cho dù các dự án thoát nước đã và đang được triển khai, Hà Nội vẫn đứng trước nguy cơ ngập nước mỗi khi mùa mưa tới.
Nỗi lo mỗi mùa mưa
Dự án cải tạo hệ thống thoát nước An Dương tại phố An Dương, quận Tây Hồ, do UBND quận làm chủ đầu tư đã được hoàn thành cuối năm 2012 nhưng nỗi lo ngập úng trong mùa mưa năm nay vẫn còn lẩn khuất. Ông Nguyễn Văn Hợi, số nhà 46, ngách 3/15, ngõ 46 An Dương, phường Yên Phụ - người được khu phố cử ra để giám sát công trình cho biết: “Tôi thấy đơn vị thi công công trình tính toán không kỹ lưỡng độ dốc của đường ống cống, họ đặt ống quá sâu, đoạn đường đầu phố An Dương quá thấp so với xung quanh, nên dù mưa nhỏ thì nước từ đường lớn và các nơi đổ về vẫn có thể gây ngập úng”.
Ngập úng làm một số căn nhà ở Hà Nội ngập tràn trong nước. Ảnh: Quang Quyết - TTXVN |
“Từ trước đến nay, cơ quan chức năng chỉ cấp phép cho người dân xây dựng nhà nhưng quản lý lại không chặt chẽ. Vừa rồi khu phố cải tạo đường và cống, khi lật hết các nắp cống lên mới phát hiện gạch vữa, bê tông của một nhà vừa xây chèn lấp gần kín hết ống cống. Như vậy, nếu trời mưa thì ngập úng rất dễ xảy ra” - bà Bùi Thị Bốn, ngõ 46 An Dương, phường Yên Phụ, bức xúc.
TS. Phạm Sỹ Liêm: Phải xây dựng hệ thống thoát nước cho tương lai Quy hoạch của Hà Nội bây giờ đã khá hoàn chỉnh, cả quy hoạch chung đô thị lẫn quy hoạch chuyên ngành thoát nước. Vấn đề của Hà Nội bây giờ là khâu tổ chức thực hiện. Hiện nay đô thị mới của chúng ta nằm rất rải rác cho nên rất khó kết nối được hệ thống hạ tầng khung. Vì vậy, theo tôi Hà Nội nên phân kỳ xây dựng, chỉ nên xây dựng tập trung ở một vài khu vực để kết nối cơ sở hạ tầng cho đồng bộ. Cống thoát nước là phải xây cho tương lai, chứ không chỉ để phục vụ nhu cầu trước mắt. Nội dung thoát nước phải được đưa ra như một yêu cầu cấp thiết trong việc cấp phép xây dựng, sau đó phải có sự kiểm tra, kiểm định. Việc xây sửa đường chú ý đến cốt nền, để đường không trở thành những con đê. Tại các hồ điều hòa, phải có sự nghiên cứu, có người điều hành khống chế tốt mực nước, để có độ chảy tự nhiên. Những vùng không có hồ điều hòa thì nên làm những công viên trũng để khi mưa lớn thì cho nước chảy vào đấy. PGS. TS. Nguyễn Hồng Tiến - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật - Bộ Xây Dựng: Giám sát chặt chẽ các chủ đầu tư thực hiện dự án Trong quy hoạch thoát nước Hà Nội đang được nghiên cứu cũng phải tính đến việc thiết kế hệ thống thu gom nước mưa, cần kết hợp mục tiêu chống ngập úng với việc tái sử dụng lại nước mưa. Đồng thời, chúng ta cần phải tăng cường công tác quản lý xây dựng theo quy hoạch, phải có sự giám sát chặt chẽ đối với các chủ đầu tư về việc thực hiện xây dựng hệ thống cấp thoát nuớc. |
Ông Lê Vũ Quảng Sương, Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội cho biết: Dự án do công ty cấp thoát nước Hà Nội làm chủ đầu tư từ nguồn vốn của UBND thành phố Hà Nội cải tạo hệ thống thoát nước của các tuyến phố Huỳnh Thúc Kháng - Láng Hạ, Trần Huy Liệu - Giảng Võ, Đào Duy Anh - Hoàng Tích Trí, Giải Phóng - Thịnh Liệt, Nguyễn Huy Tưởng… Mới đây nhất, dự án cải tạo hệ thống thoát nước phố Khâm Thiên được hoàn thành cuối năm 2012 và sẵn sàng phục vụ trong mùa mưa năm 2013.
Còn dự án phối hợp với JAICA thuộc phạm vi dự án thoát nước Hà Nội, giai đoạn 2 do Ban quản lý dự án thoát nước Hà Nội làm chủ đầu tư đang được triển khai thực hiện trên 44 tuyến phố và khoảng 22 km mương. Sắp tới, dự án cải tạo thoát nước Đuôi cá Trương Định sẽ được đưa vào thi công.
Cùng với đó, Trạm bơm Yên Sở giai đoạn 2 đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng cuối năm 2012. Vào tháng 11/2012, thành phố đã khởi công xây dựng 3 trạm bơm ở phía tây Hà Nội là Đồng Bông 1, Đồng Bông 2 và Cổ Nhuế, dự án sử dụng nguồn vốn ODA của chính phủ Bỉ. Dự kiến đến hết năm 2013, Trạm bơm Đồng Bông 1 hoàn thành và tiếp tục cải tạo Trạm bơm Đồng Bông 2 và Cổ Nhuế. Những dự án này hoàn thành sẽ hạn chế phần nào tình trạng úng ngập của mùa mưa năm nay.
Mưa lớn vẫn sẽ ngập
Theo Ban quản lý dự án thoát nước Hà Nội, hệ thống thoát nước trong các khu dân cư chính là mấu chốt để giải quyết tình trạng ngập úng. Theo cơ chế thoát nước, nước thải sinh hoạt và nước mưa sẽ chảy vào các hệ thống đường ống ngầm, hoặc kênh mương nhỏ trước khi thoát nước ra các con sông. Từ đó, nước sẽ được bơm cưỡng bức ra sông Hồng qua Trạm bơm Yên Sở trong trường hợp ngập úng kéo dài. Tuy nhiên, Hà Nội mới chỉ tập trung cải tạo hệ thống ống cống chính ở các đường ngõ lớn, còn hệ thống thoát nước trong các khu dân cư thì vẫn chưa được quan tâm.
Ông Lê Vũ Quảng Sương, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, khẳng định: Qua mỗi năm, hệ thống hạ tầng thoát nước đều tốt hơn. Tuy nhiên, do thời tiết từ 2008 trở lại đây rất bất thường, các cơn mưa thường diễn trong thời gian ngắn với cường độ rất lớn nên năng lực của hệ thống tiêu thoát nước của thành phố có thể không đáp ứng được. Đối với hệ thống tiêu thoát nước của thành phố Hà Nội, các dự án giai đoạn 1 hoàn thành thì mới đáp ứng được một trận mưa 172 mm/2 ngày, giai đoạn 2 hoàn thành thì mới đáp ứng được trận mưa 310 mm/2 ngày. Và các năng lực này chỉ đáp ứng được ở khu vực dự án, tức là lưu vực sông Tô Lịch 77,5 km2, còn những khu vực khác thì hiện nay chưa có dự án đồng bộ để cải thiện tình hình ngập úng. Với những trận mưa khoảng 30 đến dưới 50 mm thì cơ bản địa bàn thành phố đáp ứng được, còn những trận mưa lớn hơn thì tùy từng khu vực vẫn gây ra ngập lụt.
“Việc Hà Nội vẫn còn xảy ra úng ngập khi có mưa lớn là điều không thể tránh khỏi, nguyên nhân là do tỷ lệ đường cống thoát so với đầu người ở Hà Nội là 0,4 - 0,5 m/người, thấp hơn so với các đô thị khác trên thế giới là 1,5 - 2 m/người. Tại các quận nội thành, nơi có mạng lưới thoát nước hoàn chỉnh nhất cũng là mạng lưới cống cũ được xây dựng từ thời Pháp. Cống có tiết diện nhỏ, xuống cấp nên khả năng thoát nước kém. Mạng lưới thoát nước tại các đô thị mới chưa được quan tâm đầu tư xây dựng đồng bộ theo quy hoạch. Hệ thống thoát nước đã yếu còn thường xuyên bị xâm hại như xả phế thải xuống lòng sông, hồ; lấy cắp nắp ga; xây dựng lấn chiếm hành lang quản lý hệ thống thoát nước... Bên cạnh đó, một số dự án liên quan đến thoát nước không chấp hành đúng quy định, không thanh thải dòng chảy, không kịp thời bàn giao cho đơn vị quản lý... nên công tác thoát nước còn nhiều hạn chế”, ông Phan Hoài Minh, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội phân tích.
Với thực trạng hệ thống cấp nuớc như hiện nay, những vùng ngập cũ chưa giải quyết xong thì sẽ lại có những điểm úng ngập mới phát sinh, thậm chí cả các khu đô thị mới xây dựng cũng phải đối mặt với nguy cơ bị ngập rất cao.
Bình Phương