Điển hình vào chiều tối 25/8, tại Hà Nội, có mưa lớn kèm sấm sét, một nhóm gồm 4 học sinh ở xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất (Hà Nội) đi đá bóng đã bị sét đánh trúng. Trong đó, em Đ.Đ.N., sinh năm 2011, hộ khẩu thường trú tại thôn 2, xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội đã bị tử vong.
Chuyên gia khí tượng thủy văn Lưu Minh Hải cho biết, dông sét là hiện tượng phóng điện giữa đám mây dông tích điện xuống mặt đất. Để phòng tránh dông, sét, người dân cần tránh xa các đồ dùng điện, các chỗ ẩm ướt như buồng tắm, bể nước, vòi nước, không nên dùng điện thoại trừ trường hợp rất cần thiết; rút phích cắm các thiết bị điện trước lúc có dông.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, để phòng tránh sét đánh, người dân cần tránh ở ngoài trời với khoảng không mở trong cơn dông bão. Nếu đang ở bên ngoài mà nghe thấy tiếng sấm và đang ở phạm vi sét có thể đánh, người dân cần tìm nơi trú ẩn ngay lập tức. Trong trường hợp không tìm thấy nơi trú ẩn, người dân nên cúi người, đặt hai tay lên đầu gối hoặc che lên tai. Ngoài ra, khi đang ở dưới cơn bão, người dân nên tránh khu vực cao và không mang hoặc giữ các vật phẩm bằng kim loại.
Nếu đi cùng một nhóm người trong cơn mưa dông có sấm sét nên giữ khoảng cách giữa mỗi người khoảng 4-5m. Phương tiện giao thông bằng kim loại kín đáo như ô tô con hoặc xe buýt có thể là nơi trú ẩn tốt, đồng thời, đóng tất cả cửa và không chạm vào bất cứ kim loại nào được kết nối với xe. Đặc biệt, ngay cả khi ở trong một tòa nhà, người dân đóng kín tất cả cửa sổ và không sử dụng điện thoại bàn, các thiết bị điện, bao gồm cả máy tính, bởi sét có thể tấn công đường dây ngoài trời và lan truyền vào trong.
Đáng chú ý, hiện tượng thời tiết cực đoan, mưa lớn kèm theo dông, khiến nhiều cây gãy đổ trên nhiều tuyến phố tiềm ẩn nguy hiểm cho người đi đường. Cụ thể, vào trưa 29/8, mưa lớn kèm sấm chớp và gió mạnh khiến một số tuyến đường bị ngập nhẹ, tuy nhiên rất nhiều cây xanh bị gãy đổ trên đường Nguyễn Trãi, thuộc địa bàn quận Thanh Xuân (Hà Nội). Ngay sau khi có thông báo cây xanh gãy đổ, lực lượng chức năng đã có mặt để dọn dẹp, nhằm đảm bảo an toàn giao thông.
Đại diện Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Thoát nước Hà Nội cũng cho biết, với các trận mưa có lượng mưa 50 -70mm/giờ, thành phố Hà Nội tồn tại 11 điểm úng ngập. Cụ thể như: Quận Đống Đa có 1 điểm tại phố Nguyễn Khuyến (khu vực trước cổng Trường Trung học Phổ thông Lý Thường Kiệt); quận Hoàn Kiếm có 2 điểm tại ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt và ngã năm Đường Thành - Bát Đàn - Nhà Hỏa - Phùng Hưng; quận Tây Hồ có 1 điểm ngập tại phố Thụy Khuê (dốc La Pho); quận Hai Bà Trưng có 1 điểm ngập trên phố Minh Khai (đoạn chân cầu Vĩnh Tuy); quận Nam Từ Liêm trên Đại lộ Thăng Long (ngã ba Lê Trọng Tấn, hầm chui số 3, 5, 6 km9+656; nút giao An Khánh) cũng xuất hiện một số điểm ngập...
Các trận mưa có lượng mưa trên 70mm/giờ và mưa có cường độ cao, tập trung trong thời gian ngắn gây quá tải hệ thống thoát nước. Trên địa bàn thành phố phát sinh thêm 19 điểm úng ngập, cụ thể như: quận Hoàn Kiếm xuất hiện 3 điểm tại phố Tông Đản (đoạn cổng phụ Thành ủy Hà Nội), phố Đinh Tiên Hoàng (đoạn đài phun nước, bến xe điện) và 155 Phùng Hưng; quận Bắc Từ Liêm có 3 điểm ngập tại phố Kẻ Vẽ (đoạn ngã 3 chợ Vẽ), khu vực nhà ở xã hội Ecohome 3 và khu đô thị Resco...
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, năm 2024, thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tình hình nắng nóng gay gắt xuất hiện nhiều hơn, kèm theo những trận mưa lớn bất thường, khốc liệt không theo quy luật sẽ thường xuyên diễn ra, bao gồm cả dông, lốc, sét, mưa đá. Đặc biệt, dự báo thời tiết ngày 30/8, khu vực Hà Nội có mây, có mưa rào và dông vài nơi. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Do đó, người dân nên đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan, để không gây ra hậu quả đáng tiếc.