Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế, sau 4 năm thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 14/5/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã chung tay chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam và gia đình họ, gắn với công tác giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội.
Đến nay, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế đã giải quyết chế độ cho gần 4.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ nhiễm chất độc hóa học (trong đó có 2.380 người còn sống đang hưởng trợ cấp hàng tháng). Hàng năm, tỉnh đã triển khai việc điều chỉnh trợ cấp đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học kịp thời; thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách cho người có công theo quy định.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã đẩy mạnh phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", huy động các nguồn lực xã hội cùng Nhà nước chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người có công với cách mạng; hỗ trợ nhà ở, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ tặng quà nhân các dịp lễ, Tết... Trong 4 năm qua, các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin trong tỉnh đã vận động được trên 2,3 tỷ đồng, hỗ trợ 8.280 lượt nạn nhân chất độc da cam. Từ đầu năm 2019 đến nay, Hội đã trao hỗ trợ sinh kế cho 14 gia đình, với số tiền 70 triệu đồng từ nguồn vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh nhỏ. Bình quân mỗi hộ được vay 5 triệu đồng trong 2 năm, lãi suất 0% để tăng thêm vốn trong việc tạo sinh kế cho gia đình. Sau 2-3 năm vay vốn, các hộ đã báo cáo kết quả và hoàn lại số tiền này cho Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện để tiếp tục cho các hộ khác quay vòng vốn vay theo phương thức trên. Ngoài hỗ trợ các nguồn vốn vay, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh còn phối hợp với các ban, ngành hỗ trợ bò, lợn giống tặng hộ nghèo, nạn nhân chất độc da cam, giúp họ có tư liệu sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo bền vững, tạo chuyển biến nhận thức, hành động của cộng đồng trong xóa đói, giảm nghèo.
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh cũng phối hợp với Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi, Hội Người khuyết tật, Hội Chữ thập đỏ, Hội Cựu chiến binh… trong việc giải quyết các chương trình liên quan đến nạn nhân chất độc da cam/dioxin như cung cấp xe lăn xe lắc, phục hồi chức năng, khám chữa bệnh...
Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế Hà Văn Tuấn cho biết, toàn tỉnh hiện có 13.863 người bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin; trong đó 2.380 người đang được hưởng trợ cấp hàng tháng theo chính sách người có công. Huyện A Lưới (nơi có sân bay A So) là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề về sức khỏe con người và môi trường sinh thái (khoảng 4.500-5.000 người/47.233 dân số bị phơi nhiễm dioxin). Có 3 xã xung quanh khu vực sân bay A So đã được chính quyền các cấp hỗ trợ, tổ chức tái định cư, cuộc sống từng bước dần ổn định. Xã Đông Sơn đã được đầu tư hệ thống nước sạch từ dự án tài trợ qua kênh đối thoại Việt - Mỹ với kinh phí khoảng 1,2 tỷ đồng. A Lưới cũng là địa bàn được tập trung nguồn lực hỗ trợ của cả trong và ngoài nước, các tổ chức, cá nhân hảo tâm như dự án nuôi bò, gà, khám chữa bệnh, xây nhà, đào tạo nghề giải quyết việc làm...
Thời gian tới, Thừa Thiên - Huế tiếp tục quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt hơn nữa Chỉ thị số 43-CT/TW. Tỉnh chú trọng công tác tuyên truyền, biểu dương người tốt việc tốt trong việc thực hiện chính sách cho người có công; quan tâm đến hoạt động của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp, tạo điều kiện cho việc chăm sóc, giúp đỡ, giải quyết kịp thời chế độ, chính sách đối với đối tượng nhiễm chất độc hóa học trên địa bàn. Hội cũng phối hợp với các ban, ngành tăng cường phục vụ sức khỏe, phục hồi chức năng tại cộng đồng và gia đình cho nạn nhân, đồng thời chủ động tìm kiếm dự án, chương trình phục vụ cải thiện, nâng cao đời sống sinh hoạt cho nạn nhân bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin...