Chăm sóc sức khỏe, sửa chữa và xây mới nhà cửa
Tại tỉnh Nam Định, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Nam Định phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh Nam Định, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh tại Nam Định tặng 400 suất quà, gồm 400 triệu đồng và 2 tấn gạo cho nạn nhân chất độc da cam, người có công, người khuyết tật của tỉnh.
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Nam Định phối hợp với các bệnh viện, phòng khám trong và ngoài tỉnh tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hơn 2.000 lượt nạn nhân da cam có hoàn cảnh khó khăn.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, các cấp hội trong tỉnh đã vận động, quyên góp từ các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm được trên 2,4 tỷ đồng tổ chức thăm hỏi, tặng quà, trợ cấp khó khăn, xây mới, sửa chữa nhà ở, hỗ trợ vốn sản xuất cho trên 7.500 lượt nạn nhân da cam.
Ông Phạm Ngọc Kiểm, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Nam Định cho biết, cùng với hoạt động thăm hỏi, tặng quà, giúp đỡ các nạn nhân, Hội cũng đã phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nam Định rà soát số nạn nhân bị thu hồi, điều chỉnh chế độ nhằm đảm bảo đúng người, đúng đối tượng theo quy định chính sách ưu đãi người có công.
Thời gian tới, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm hơn nữa đến công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân da cam kịp thời, thiết thực. Đặc biệt, chú ý đến những nạn nhân, gia đình nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn; nạn nhân bị dị dạng, dị tật, mắc bệnh hiểm nghèo; tổ chức các hình thức giúp đỡ lâu dài như: hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, tặng sổ tiết kiệm, thẻ bảo hiểm y tế, nhận đỡ đầu nạn nhân…
Cùng với đó, Hội tiến hành khảo sát lại các đối tượng nạn nhân thế hệ thứ 3, thứ 4 bị ảnh hưởng di chứng chất độc hóa học trên địa bàn toàn tỉnh để đề xuất với cơ quan chức năng có hình thức hỗ trợ, giúp đỡ phù hợp.
Tỉnh Nam Định có hơn 13.600 người tham gia kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc da cam; trong đó, hơn 10.400 nạn nhân trực tiếp và gần 3.200 nạn nhân gián tiếp. Toàn tỉnh có trên 950 gia đình nạn nhân thuộc diện nghèo, cận nghèo; 264 gia đình nhà ở dột nát cần xây mới, sửa chữa.
Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật thế hệ thứ ba, thứ tư
Nằm cách trung tâm phố Tây Ninh gần 10km, được thành lập từ tháng 6/2013, Trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi chức năng nạn nhân chất độc da cam/dioxin, tỉnh Tây Ninh đang nuôi dưỡng 25 em bị khuyết tật thuộc thế hệ thứ 3 bị nhiễm chất độc da cam/dioxin.
Theo cô Võ Thị Thúy, giáo viên nuôi dạy tại Trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi chức năng nạn nhân chất độc da cam/dioxin, ban đầu các em vào trung tâm đa số điều bị chứng tự kỷ, không biết đọc, viết, có em nói chuyện rất khó khăn. Các em chủ yếu sinh hoạt theo bản năng, không có nề nếp khiến công tác giáo dưỡng của các giáo viên gặp không ít khó khăn. Các em bị bại liệt, bị dị tật tay chân đi lại khó khăn, hay bị thiểu năng thì tâm lý, tinh thần không được ổn định hay la hét, không làm chủ được hành động, cử chỉ… khiến ai đã đặt chân đến đây điều không khỏi chạnh lòng. "Việc nuôi dạy trẻ em bị khuyết tật do nhiễm chất độc da cam/dioxin là điều rất khó khăn, buộc các cô phải hết sức kiên nhẫn, chỉ bảo nhẹ nhàng từng chút một và chỉ đi, chỉ lại nhiều lần từ những việc nhỏ nhất để các em nhớ, sinh hoạt cho đúng", cô Thúy chia sẻ.
Bà Võ Thu Vân, Phó Giám đốc Trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi chức năng nạn nhân chất độc da cam/dioxin, tỉnh Tây Ninh cho biết, do điều kiện cơ sở vật chất tại trung tâm còn khó khăn, nên trường chỉ nhận được lớp bán trú nên phần nào cũng chưa đáp ứng hết được nhu cầu của các nạn nhân nhiễm chất độc da cam. Đến với trung tâm các em được học chữ, học toán, học vẽ, tập nói, học giao tiếp, sinh hoạt, tập ca hát… tạo cho các em một môi trường sống lành mạnh để tự tin hòa nhập cộng đồng.
Em Đoàn Thanh Trường, 21 tuổi, ở tại thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh đang theo học tại Trung tâm hồn nhiên tâm sự: "Em rất thích đến đây để học, được mấy cô dạy ca hát, dạy học biết được nhiều kiến thức hay hơn, đặc biệt có mấy bạn vui chơi cùng, nên thích hơn ở nhà rất nhiều".
Tỉnh Tây Ninh có hơn 9.000 nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, đa phần những nạn nhân này cần có sự chăm sóc, nuôi dưỡng của gia đình. Trong những năm qua phong trào Đồng hành cùng nạn nhân da cam của tỉnh Tây Ninh nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân thông qua các hình thức chăm sóc, giúp đỡ mang tính bền vững như: Hỗ trợ làm kinh tế, tặng sổ tiết kiệm, trợ cấp học bổng, học văn hóa, học nghề, giới thiệu tìm việc làm, trợ cấp tìm việc làm, nuôi dưỡng suốt đời… Bà Võ Thị Đẹp, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Tây Ninh cho biết, từ năm 2005 đến tháng 6/2019, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Tây Ninh đã vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ được số tiền gần 47 tỷ đồng để thực hiện chăm sóc, giúp đỡ, thăm hỏi tặng quà, xây nhà tình thương, tặng xe lăn, nuôi dưỡng những nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Tây Ninh chia sẻ, hiện nay, đối tượng là thế hệ thứ ba, thứ tư bị di chứng chất độc da cam dẫn đến tật nguyền, dị dạng, trí tuệ kém phát triển… chính sách trợ cấp vẫn chưa quy định rõ nên những đối tượng này chỉ được hưởng theo chính sách của người khuyết tật; Hội đã kiến nghị các ngành, các cấp xem xét, hỗ trợ kinh phí đối với những đối tượng này được hưởng chế độ như nạn nhân chất độc da cam/dioxin.