Dự báo đêm 9/10, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh phía Đông Bắc Bộ; sau đó ảnh hưởng đến các nơi khác ở Bắc Bộ và một số nơi ở Bắc Trung Bộ.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh, ngày 10-11/10, Bắc Bộ và Thanh Hóa trời chuyển lạnh, vùng núi phía Bắc có nơi trời rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 19-21 độ C, vùng núi có nơi dưới 18 độ C.
Từ chiều 9 đến ngày 11/10, do ảnh hưởng kết hợp của hoàn lưu cơn bão số 7 với không khí lạnh, Bắc Bộ có mưa to đến rất to; từ ngày 10-12/10, khu vực Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to. Vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vĩ) gió mạnh dần lên cấp 8-9, giật cấp 11; sóng biển cao từ 2-4m, biển động rất mạnh.
Từ chiều 9-10/10, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh có gió mạnh cấp 6-7, phía Bắc có nơi cấp 8, giật cấp 10. Các tỉnh trên đất liền phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có gió Đông bắc mạnh cấp 3-4.
Khu vực Hà Nội từ chiều 9/10 có lúc có mưa rào và dông; từ đêm đến ngày 11/10, có mưa to đến rất to. Từ ngày 10/10, trời chuyển lạnh với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 20-22 độ C.
Từ ngày 9-13/10, một đợt lũ có khả năng xuất hiện trên các sông suối khu vực Bắc Bộ, từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh với biên độ lũ lên ở thượng lưu các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh từ 3-7m, trên các sông khu vực Bắc Bộ và hạ lưu các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh từ 2-4m.
Trong đợt lũ này, đỉnh lũ các sông nhỏ, thượng lưu các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh lên mức báo động 1- báo động 2 và trên báo động 2; đỉnh lũ trên các sông, suối thượng lưu khu vực Đông Bắc, Việt Bắc ở mức báo động 1 và trên báo động 1; hạ lưu các sông chính ở khu vực Bắc Bộ, từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh còn dưới mức báo động 1.
Vùng núi khu vực Bắc Bộ, từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất; ngập úng cục bộ tại các vùng trũng thấp, đô thị ở các tỉnh khu vực trung du, đồng bằng Bắc Bộ như Phú Thọ, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nội, Hà Nam và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình.
Theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế chủ động kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng thấp, trũng ven biển; kiểm tra, rà soát, chủ động triển khai phương án đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, hồ chứa, nhất là tại các trọng điểm xung yếu, các hồ chứa đã đầy nước, các công trường đang thi công; sẵn sàng các đoàn công tác chỉ đạo hiện trường, duy trì lực lượng cứu hộ, cứu nạn, sẵn sàng xử lý khi có yêu cầu; tổ chức trực ban 24/24 giờ.