Khi các dự án vận tải khối lượng lớn như tàu điện ngầm, đường sắt đô thị chưa biết khi nào thực hiện xong thì xe buýt vẫn là phương tiện giao thông công cộng chủ lực của TP.HCM trong những năm tới. Thế nhưng, bao năm qua lộ trình phát triển xe buýt luôn gặp rất nhiều trở ngại.
Xe buýt “giật lùi”
Năm 2004, Trung tâm Nghiên cứu phát triển kinh tế giao thông vận tải phía Nam đã đưa ra mục tiêu TP.HCM phải phấn đấu tăng tỉ lệ người dân sử dụng xe buýt sẽ đạt 18% trên tổng phương tiện đi lại vào năm 2010. Để đạt được tỷ lệ này TP.HCM đã thực hiện trợ giá cho xe buýt hoạt động. Với tiềm năng và nhu cầu đi lại ngày càng nhiều của người dân TP.HCM thì dự báo trên là có cơ sở. Thế nhưng, số lượng xe buýt ngày càng nhiều, tiền trợ giá cũng tăng cao nhưng tỷ lệ người đi xe buýt đang có dấu hiệu đáng lo ngại, số liệu mới nhất cho thấy tỷ lệ người dân hiện nay chỉ là 5,4%, năm 2009 là khoảng 7,3%.
Quy hoạch bến bãi và thay đổi cơ chế chính sách phát triển cho xe buýt là một trong nhiệm vụ sắp tới của TP.HCM. |
Theo quy hoạch phát triển hệ thống giao thông đến năm 2020, xe buýt chỉ là phương tiện “phụ” làm nhiệm vụ thu gom phục vụ cho các tuyến vận tải khối lượng lớn như tàu điện ngầm, đường sắt đô thị. Nhưng với tốc độ xây dựng tàu điện ngầm như hiện nay (chỉ mới có 2 tuyến tàu điện ngầm khởi công gói thầu phụ), xe buýt vẫn phải đảm trách nhiệm vụ nặng nề là phương tiện chủ lực của giao thông công cộng.
Sau 8 năm khôi phục và phát triển, hệ thống vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt của TP Hồ Chí Minh đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận về khối lượng cũng như chất lượng phục vụ. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển kinh tế- xã hội rất nhanh và mạnh của TP Hồ Chí Minh như hiện nay, VTHKCC vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân thành phố. Ông Văn Công Điểm, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải Hành khách công cộng (VTHKCC) TP Hồ Chí Minh, cho biết: Hiện nay thành phố có 146 tuyến xe buýt với hơn 3.000 đầu xe, trong đó có 110 tuyến có trợ giá và tổng cự ly tuyến lên đến 3.500 km, cự ly tuyến bình quân là 23,6 km. Hệ thống xe buýt vận chuyển bình quân hơn 1 triệu/hành khách/ngày. Như vậy, xe buýt mới chỉ chiếm tỉ lệ khoảng 5,4% nhu cầu đi lại của người dân thành phố. Trong khi đó, hơn 90% cư dân thành phố đi lại bằng xe cá nhân, chủ yếu là xe máy. Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam, cho rằng: Xe buýt không đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, đồng thời có rất ít các phương tiện chở khách công cộng khác nên sự lựa chọn của đa số người dân là xe máy là điều không tránh khỏi.
Ông Nguyễn Trọng Hòa – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển - cho rằng: Hiện nay người dân chưa tham gia nhiều phương tiện giao thông công cộng do chúng ta cho phát triển hệ thống xe máy mang lại nhiều thuận lợi và tiện ích, nhưng sự tiện lợi đó gây ách tắc giao thông khi lượng phương tiện tăng lên trên 4 triệu phương tiện. Để thu hút được người dân tham gia phương tiện công cộng, chúng ta không nên yêu cầu người dân đi xe buýt, mà phải tạo điều kiện để người dân cảm thấy dùng phương tiện công cộng có lợi về kinh tế, sức khỏe hơn đi phương tiện cá nhân, từng bước đưa việc này thành hiện thực giảm thiểu vấn đề ùn tắc giao thông.
Các lý do chính khiến nhiều người dân chưa chọn phương tiện công cộng là phương tiện chính của mình vì xe buýt không thuận lợi bằng phương tiện cá nhân, chất lượng phục vụ của phương tiện vận tải còn nhiều yếu kém, xe xuống cấp, tốc độ vận hành xe buýt thấp, chỉ khoảng 15 phút/km vào giờ cao điểm… Thạc sĩ Phạm Thị Phương Loan cho biết, muốn động viên người dân đi xe buýt, nhà nước cần có chính sách thu hút bằng giá vé; thiết kế các tuyến phù hợp, tiện lợi làm sao để người dân di chuyển thuận tiện; có hệ thống giao thống tốt và phù hợp; sự đầu tư đồng bộ và đúng mức của các phương tiện cũng rất quan trọng.
Cấu trúc lại xe buýt
Để hạn chế được tình trạng ùn tắc giao thông, làm cho người dân chọn phương tiện VTHKCC thay cho phương tiện cá nhân, thành phố cần tổ chức lại hệ thống VTHKCC. Kiến trúc sư Khương Văn Mười, Hội kiến trúc sư TP Hồ Chí Minh, nhấn mạnh: Thành phố cần phát triển phương tiện VTHKCC có khối lượng lớn như metro, xe buýt nhanh BRT… và sử dụng nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường. Ngoài ra, cần tạo điều kiện tốt nhất cho người đi bộ tiếp cận dịch vụ VTHKCC thuận lợi.
Xe buýt dàn hàng ngang lấn chiếm hết lòng đường, cảnh thường thấy trên các tuyến đường TP.HCM. |
Từ năm 2003 đến nay, TP.HCM chi khoảng 4.000 tỷ đồng để bù lỗ cho xe buýt, số tiền trợ giá năm sau luôn cao hơn năm trước. Năm 2010, số tiền trợ giá cho hoạt động của xe buýt tại thành phố đã là 841,2 tỷ đồng. Trong năm 2011 này, dự kiến tiền trợ giá cho xe buýt tiếp tục tăng lên 985,9 tỷ đồng. Tuy nhiên điều đáng lo ngại là chất lượng xe buýt đang ngày càng xuống cấp, nhiều xe hư hỏng cần phải sửa chữa, nâng cấp. Năm 2010, TP.HCM có trên 100 xe buýt ngưng chạy vì lỗ. Vì vậy, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) phải tăng giá vé 111 tuyến xe buýt được trợ giá vào đầu năm 2011 để bù lỗ. Ngoài ra, chất lượng phục vụ cũng còn nhiều bất cập. Để đảm bảo cho hoạt động của xe buýt, từ nay tới năm 2015, thành phố sẽ phải đầu tư mới khoảng 1.680 xe loại 40 và 55 chỗ với tổng kinh phí dự kiến là 1.850 tỷ đồng. Như vậy trong vòng 5 năm tới, bình quân mỗi năm ngân sách thành phố phải chi thêm chừng 350 tỷ đồng cho việc đầu tư mới phương tiện để thay thế dàn xe đã cũ và bắt đầu xuống cấp hiện nay. |
Theo các nhà khoa học, do đặc thù ở TP Hồ Chí Minh có nhiều đường hẻm, đường dưới 7m chiếm tới hơn 37% nên thành phố cần nhanh chóng xây dựng các đầu mối trung chuyển chính và các điểm trung chuyển, đồng thời đẩy mạnh các tuyến xe buýt thu gom đi sâu vào các khu dân cư, phát triển những loại xe buýt có kích thước nhỏ, dễ dành cho hàng khách lên/xuống. Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh cũng nên chú trọng đến khai khác VTHKCC bằng đường sông. Với lợi thế có đến 87 tuyến sông, cùng hệ thống kênh rạch chằng chịt, TP Hồ Chí Minh có nhiều lợi thế phát triển giao thông thủy, góp phần chia sẻ áp lực ùn ứ, kẹt xe, ô nhiễm trên hệ thống giao thông bộ. Theo kiến trúc sư Khương Văn Mười, trong quy hoạch và phát triển đô thị, thành phố cũng cần phải chú trọng đến hạ tầng giao thông công cộng để VTHKCC là phương tiện có ưu thế nhất, được ưu tiên nhất tiếp cận tới các khu đô thị, các trung tâm hành chính, thương mại, văn hóa.
Ông Nguyễn Thành Tài, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, cho rằng: Trước mắt, TP Hồ Chí Minh sẽ đổi mới toàn bộ hệ thống xe buýt đã quá lạc hậu và xuống cấp hiện nay và vận động người dân, công nhân viên tham gia phương tiện xe buýt. Hiện nay, Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh cũng đã trình UBND thành phố về kế hoạch đầu tư mới khoảng 1.680 xe buýt, chủ yếu loại 40-50 chỗ với tổng kinh phí hơn 2.000 tỷ đồng.
Về lâu dài, theo ông Nguyễn Thành Tài, phát triển VTHKCC phải đặt trong bối cảnh tổng thể phát triển kinh tế, xã hội của thành phố, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, nâng cao chất lượng quy hoạch. Trong thời gian tới, TP Hồ Chí Minh sẽ có một chương trình nghiên cứu dài hạn, tổng hợp, gắn trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của thành phố. Trong đó, TP Hồ Chí Minh sẽ tổ chức một nhóm nghiên cứu liên ngành bắt tay vào việc xây dựng đề án phát triển xe buýt nằm trong chương trình đột phá chống kẹt xe trên địa bàn thành phố.
Đăng Giới - Sĩ Dũng