Gắn 'hộp đen' trên tàu - quy định đang gây khó cho người làm du lịch nhỏ

Ngày 18/4, ông Nguyễn Tương Lai, Trưởng Chi nhánh tại Bến Tre, Chi cục đăng kiểm số 18 cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, đơn vị đã ghi nhận nhiều ý kiến phản hồi của chủ tàu khách du lịch từ 20 ghế trở lên tại Bến Tre, khi đến hạn đăng kiểm bắt buộc phải gắn thiết bị nhận dạng tự động AIS, theo thông tư số 39/2018 của Bộ Giao thông vận tải qui định về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy phạm phân cấp và đóng phương tiện đường thủy nội địa.

Chú thích ảnh
Tàu du lịch cặp bến cho du khách tham quan. 

Theo ông Nguyễn Tương Lai, trên thực tế, thông tư này được Bộ Giao thông vận tải ban hành từ năm 2018 về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy phạm phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa. Lộ trình đến trước ngày 31/12/2022, bắt buộc tàu khách từ 20 ghế trở lên phải gắn thiết bị nhận dạng tự động AIS (người dân thường gọi hộp đen) và hệ thống máy bộ đàm VHF.

Theo ông Lai, từ đầu năm 2023 đến nay, chưa có tàu du lịch nào đến kiểm định áp dụng theo qui định mới, chủ yếu các chủ tàu đến dò hỏi về các qui định và có kiến nghị đến cục đăng kiểm về áp dụng qui định này. 

Trước đây, ngành chức năng tỉnh Bến Tre mới chỉ tuyên truyền, vận động chủ tàu tuân thủ quy định còn hiện tại việc đăng kiểm được siết chặt nên các tàu hoạt động bắt buộc phải gắn các thiết bị này nếu không sẽ không đăng kiểm phương tiện. Trong thời gian qua, Chi nhánh đăng kiểm Bến Tre đã nhận được phản ánh của các chủ tàu du lịch đang hoạt động trên địa bàn về khó khăn khi thực hiện quy định trên. Đơn vị chức năng tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện quy định; đồng thời ghi nhận những phản ảnh của người dân để trình lên Cục Đăng kiểm Việt Nam xem xét, quyết định, ông Lai nói.

Chú thích ảnh
Khách tham quan lên bến tàu.

Hơn hai năm qua, chiếc tàu du lịch 45 chỗ ngồi của gia đình ông Nguyễn Văn Mười, xã Tân Thạch, huyện Châu Thành (Bến Tre) chủ yếu nằm bờ vì ảnh hưởng của dịch COVID-19. Nguồn thu từ chiếc tàu dường như không có, nhưng phải bỏ thêm tiền bảo dưỡng tàu. Giờ đây ngành du lịch mới hồi phục trở lại, quy định tàu phải bỏ ra một số tiền lớn để lắp đặt thiết bị AIS và bộ đàm sẽ khiến các chủ tàu thêm khó khăn. 

Theo ông Mười, việc lắp đặt đủ thiết bị AIS và bộ đàm tốn chi phí từ 22 - 25 triệu đồng, chưa kể tiền phí để duy trì thiết bị và phí hòa mạng 1,5 triệu đồng/năm trong khi tàu chỉ chạy loanh quanh vài km. Ông Mười chia sẻ: Tàu tôi chỉ chạy trên một đoạn sông ngắn, đông người, nếu có sự cố gì chỉ cần kêu lên hay gọi điện cho nhau là xử lý được rồi. Tuy nhiên thời điểm tàu sắp đến kỳ hạn đăng kiểm, vì chưa có điều kiện gắn thiết bị AIS, tàu sẽ không được đăng kiểm, đồng nghĩa không thể tiếp tục hoạt động, có nguy cơ dừng hoạt động. Bên cạnh đó nguồn thu nhập chính của gia đình phụ thuộc vào việc chở khách. Trung bình 2 chuyến/ngày, sau khi trừ chi phí lợi nhuận thu được từ 300 - 400 nghìn đồng.

Ông Nguyễn Minh Khải, xã An Khánh, huyện Châu Thành phân tích, kinh nghiệm 20 năm chạy tàu chở khách tham quan cho thấy việc lắp 2 thiết bị trên là không cần thiết và tốn nhiều chi phí, gây khó cho bà con. Trước đây chưa có quy định này nhưng mới đây, khi họ đem tàu đi đăng kiểm thì cơ quan đăng kiểm yêu cầu phải lắp thêm thiết bị định vị, bộ đàm. 

Người dân cho rằng quy định này là không cần thiết vì tàu chỉ hoạt động trong vùng sông nhỏ với đoạn đường ngắn chưa đến 10 km. Ông Khải cho rằng, mỗi ngày chạy cũng được khoảng 1 - 2 chuyến, sau đó quay về bến đậu. Trên tàu luôn được trang bị đầy đủ các thiết bị đảm bảo an toàn, khách mặc áo phao thì tài công mới xuất bến.

Ông Khải trăn trở, cần có chính sách nới lỏng áp dụng qui định, hoặc xem xét đưa ra qui định phù hợp cho các tàu du lịch miền sông nước. Bên cạnh đó, xem xét gia hạn thời gian áp đặt qui định, vì thời điểm hiện nay ngành du lịch dần phục hồi sau dịch bệnh, các hộ dân không đủ kinh phí cùng lúc lắp đặt các thiết bị, sẽ gây khó khăn cho các chủ tàu.

Chú thích ảnh
Tàu du lịch cặp bến cho du khách tham quan.

Ông Phan Văn Thông, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bến Tre chia sẻ, ngoài việc phục vụ công tác quản lý các doanh nghiệp có tàu chở khách, thiết bị AIS cho phép các tàu trao đổi thông tin về vị trí, hướng, tốc độ của phương tiện với nhau để phòng tránh va chạm. Tuy nhiên các thiết bị này cần thiết và phù hợp với tàu chở khách ra các đảo hơn là trong sông rạch nhỏ hẹp ở miền Tây.

Cùng với đó, khu vực phục vụ các tàu tại Bến Tre có tuyến chạy ngắn, 2 - 3 km là đến bến. Do vậy cần có qui định phù hợp hơn cho các tàu phục vụ du lịch ở vùng sông nước miền Tây Nam Bộ. Mặt khác, cần kéo dài thời gian, lộ trình lắp đặt vì hiện nay ngành du lịch đang phục hồi, người dân cần có thời gian tìm kinh phí để đầu tư lắp đặt các thiết bị theo qui định.

Được biết, trong 3 tháng đầu năm 2023, chưa có tàu du lịch nào trên địa bàn tỉnh Bến Tre đến đăng kiểm do vướng phải quy định này.

Bài và ảnh: Huỳnh Phúc Hậu (TTXVN)
Tàu du lịch biển chở 2.191 khách quốc tế tham quan Hạ Long
Tàu du lịch biển chở 2.191 khách quốc tế tham quan Hạ Long

Ngày 26/3, tại Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long (Quảng Ninh), tàu biển cao cấp Mein Schiff 5 (quốc tịch Malta) chở 2.191 du khách châu Âu, chủ yếu quốc tịch Đức đến tham quan, du lịch tại Hạ Long.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN