Trong đó, các huyện Năm Căn, Ngọc Hiển, Thới Bình là địa những địa phương có nhiều hộ dân bị thiệt hại nặng về tài sản do ảnh hưởng của thiên tai gây ra.
Theo cơ quan chức năng tỉnh, trong tháng 6 và những ngày đầu tháng 7/2018, tình hình thời tiết ở Cà Mau diễn biến hết sức phức tạp, cực đoan. Trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra mưa lớn, dông, lốc xoáy, sạt lở đất ven sông, ven biển…, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất của người dân. Số liệu cập nhật mới nhất của tỉnh cho thấy, thiên tai làm sập 129 căn nhà, tốc mái 476 căn nhà và 135 căn nhà bị sạt lở.
Bên cạnh đó, thiên tai còn gây nên sạt lở 3.560m đất ven sông, xói lở 105km bờ biển và đê biển, làm sập 3 hàng đáy ngoài khơi. Ngoài ra, trên vùng biển Cà Mau thường xảy ra sóng to, gió lớn đã làm 12 tàu cá bị hỏng, 20 tàu cá bị chìm, khiến 4 thuyền viên tử nạn, 4 thuyền viên bị thương và 22 thuyền viên mất tích trên biển. Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra ước tính ban đầu khoảng 22 tỷ đồng.
Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu các địa phương chủ động các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là tăng cường phòng chống thiệt hại do thiên tai gây ra, tổ chức tốt hoạt động tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả thiên tai.
Cơ quan chức năng tỉnh thường xuyên thông tin, cảnh báo diễn biến thời tiết, biện pháp phòng trách thiên tai đến người dân trong tỉnh kết hợp với việc rà soát, tuyên truyền, vận động các hộ dân cư trú tại những nơi có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Chính quyền các địa phương phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ tàu hoạt động khai thác thủy sản trên biển; tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về phòng tránh thiên tai cũng như hướng dẫn nhân dân gia cố nhà ở đảm bảo an toàn, chủ động bảo vệ và bố trí thời vụ sản xuất, nuôi trồng thủy sản phù hợp để giảm nhẹ thiệt hại.