F0, F1 được đi làm khi có nguyện vọng
Trong đề xuất của Bộ Y tế xin ý kiến của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, trường hợp F0 không có triệu chứng, đang trong thời gian cách ly, tự nguyện quay lại làm việc có thể làm việc trực tuyến, chăm sóc người bệnh COVID-19. F1 được phép tham gia các công việc trực tiếp và trực tuyến.
Theo đó, F0 được phép di chuyển bằng phương tiện cá nhân đi thẳng từ nơi cách ly đến khu vực làm việc được bố trí sẵn và ngược lại. Trong quá trình di chuyển không được tiếp xúc với người xung quanh; thực hiện nghiêm Thông điệp 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, không tiếp xúc gần với người xung quanh trong quá trình làm việc và thực hiện các biện pháp khử khuẩn, phòng ngừa lây nhiễm.
Các đơn vị, địa phương có thể xem xét bố trí F0 thực hiện các công việc trực tuyến, không tiếp xúc trực tiếp với người xung quanh; hoặc được phép tham gia hỗ trợ chăm sóc, theo dõi, điều trị người nhiễm SARS-CoV-2 trong gia đình, cơ sở lưu trú hoặc tại các cơ sở điều trị bệnh COVID-19 phù hợp với nhiệm vụ được giao, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và thực hiện nghiêm Thông điệp 5K.
Ngay sau đó, ngày 8/3, Long An đã trở thành địa phương đầu tiên ban hành văn bản quy định tạm thời các trường hợp F0, F1 đang trong thời gian cách ly được tham gia làm việc để thực hiện nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Theo đó, các F0 (không triệu chứng), F1 là cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động ở Long An được đến các cơ quan nhà nước làm việc để thực hiện nhiệm vụ quan trọng, cấp bách trên tinh thần tự nguyện, và phải có sự đồng ý của thủ trưởng cơ quan, đơn vị hoặc cấp trên trực tiếp.
Tiếp sau Long An, ngày 17/3, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành Quyết định chính thức cho F0 được đi làm trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Để F0 được đi làm, tỉnh Cà Mau đã quyết định sửa đổi quy định cách ly F0, F1, F2 trong Quyết định 2777/QĐ-UBND ngày 8/12/2021 của tỉnh. Theo đó, các trường hợp F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ và F1 có nguy cơ, nguy cơ cao là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Đoàn thể, đơn vị sự nghiệp công lập và các cơ sở sản xuất kinh doanh, công ty, nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp... tạm thời cho phép tham gia một số hoạt động theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến.
Tỉnh Cà Mau cũng quy định rõ: F0 làm việc trực tiếp trên tinh thần tự nguyện, đơn vị sử dụng F0 phải có trách nhiệm tổ chức nơi làm việc cách ly với người khác, khử khuẩn nơi F0 làm việc thường xuyên, theo dõi sức khỏe, test nhanh 2 lần/tuần cho F0.
F0 được quy định chỉ được đi từ nhà đến thẳng nơi làm việc và ngược lại, không được tiếp xúc với người khác trên đường đi làm, thực hiện nghiêm túc quy định 5K của Bộ Y tế.
Phù hợp trong tình hình chống dịch ở nước ta
Theo đánh giá chung, đề xuất của Bộ Y tế cho một số trường hợp F0, F1 đi làm là phù hợp trong tình hình chống dịch ở nước ta hiện nay, nhất là khi dịch COVID-19 sẽ được chuyển từ bệnh truyền nhiễm nhóm A ( gây tử vong cao) sang bệnh truyền nhiễm nhóm B (có thể gây tử vong).
Hiện tỷ lệ người dân được tiêm vaccine ngừa COVID-19 ngày càng cao. Việt Nam nằm trong nhóm 6 nước có tỷ lệ người được tiêm vaccine cao nhất thế giới. Bên cạnh đó, biến thể Omicron đang giữ vai trò chủ đạo ở Việt Nam, khả năng lây nhiễm của biến thể này cao nhưng số bệnh nhân chuyển nặng và tử vong không cao.
Theo các chuyên gia, để quyết định F0, F1 đi làm trong thời gian cách ly, việc đầu tiên cần xem xét nguyện vọng tham gia làm việc của F0, F1 và nên áp dụng linh hoạt theo từng cấp độ dịch, vùng dịch.
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế lưu ý, các F0 cần nâng cao ý thức cá nhân phòng dịch, tuân thủ quy định 5K để hạn chế nguy cơ lây nhiễm. Cơ quan sử dụng lao đồng cần tạo điều kiện cho F0 tránh tiếp xúc với người khác; bảo đảm phòng riêng không lây nhiễm... F0 không triệu chứng cần phải thông báo với cơ quan, người chung quanh mình là F0 để mọi người có biện pháp phòng ngừa.
Với các F1 cũng không được chủ quan, cần theo dõi sức khỏe bản thân và thực hiện 5K, xét nghiệm sau 5-7 ngày theo quy định của Bộ Y tế; không tiếp xúc gần với những người thuộc nhóm nguy cơ cao (người có bệnh nền, người trên 50 tuổi, phụ nữ có thai).
Một số chuyên gia cũng đề xuất không cần cách ly đối với F1, vì thực tế hiện nay cho thấy, biến chủng Omicron có tốc độ lây nhiễm nhanh, thời gian ủ bệnh ngắn hơn so với các biến thể trước đó, chỉ khoảng 3 ngày. Điều này dẫn đến số F0, F1 ở Việt Nam số tăng đột biến. Với trung bình trên 164.000 ca mắc mỗi ngày (tính từ ngày 14-20/3), việc cách ly số lượng F0, F1 lớn như vậy tất yếu dẫn đến thiếu hụt nguồn lao động.
Trong khi đó, theo Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê, có đến gần 99% số ca mắc được điều trị tại nhà. Đây là những F0 không có triệu chứng lâm sàng; hoặc có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ.
Cũng theo số liệu thống kê của Sở Y tế Hà Nội - địa phương hiện đang dẫn đầu cả nước về số ca mắc hàng ngày cũng như tổng số ca mắc (Tổng số ca mắc COVID-19 tại Hà Nội tính đến ngày 20/3 là 1.170.170 ca), số ca mắc COVID-19 phải nhập viện ở Hà Nội chiếm khoảng 0,8% tổng số ca đang điều trị, theo dõi trên toàn thành phố.
Các con số cho thấy, việc cách ly F0, F1 không triệu chứng sẽ gây lãng phí nguồn nhân lực trong khi những F1 và F0 không triệu chứng vẫn làm việc được.
Các chuyên gia y tế yêu cầu, F0, F1 được cơ quan cho đi làm cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng bệnh như tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc 5K. Ngoài ra, những trường hợp này cần theo dõi sức khỏe thường xuyên để có biện pháp điều trị phù hợp.