Đừng để danh hiệu di tích trở thành gánh nặng - Bài 1

Khổ vì di tích


Những ngày gần đây, việc trên 80 người dân làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) ký tên vào đơn xin trả lại danh hiệu Di tích quốc gia, một việc chưa từng xảy ra trước đây, để được sống một cuộc sống tự do, bình thường như bao người dân khác... đã gây xôn xao dư luận.


Không chỉ riêng người dân Đường Lâm, mà ở những nơi khác cũng có nhiều người bức xúc rằng, thà trả lại danh hiệu di tích để được tự do bảo tồn, tôn tạo di sản của cha ông để lại, còn hơn là giữ danh hiệu ấy rồi nhìn di sản ngày càng xuống cấp... Thực trạng này gióng lên một hồi chuông báo động về những bất cập trong công tác quản lý, trùng tu, tôn tạo di tích hiện nay.


 

Ông Nguyễn Khả Thị kể, do nền nhà thấp, nên mỗi khi mưa xuống, nhà thờ Liêm quận công Nguyễn Khả Trạc lại bị ngập nước.

 

Cách đây 9 năm (năm 2005), người dân Đường Lâm đều vui mừng và không khỏi tự hào, hãnh diện khi ngôi làng mình ở được chính thức công nhận là Di tích quốc gia. Nhưng rồi, “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, chỉ một thời gian ngắn sau đó, những người dân ở đây đã nhận thấy rằng, danh hiệu "Di tích quốc gia" mà họ nhận được ấy đi kèm theo rất nhiều phiền toái.


Du khách thập phương đua nhau kéo đến, xả rác đầy làng, đường sá tắc nghẽn, ồn ào, tai nạn giao thông xảy ra nhiều, chỉ vì tranh giành khách du lịch mà tình làng, nghĩa xóm rạn nứt... Cả làng có khoảng chục ngôi nhà cổ, thì chỉ chừng ấy chủ hộ được phụ cấp 200.000 - 400.000 đồng/tháng để trà nước đón tiếp du khách, còn lại 400 gia đình khác không được gì ngoài sự phiền toái, thậm chí nhiều gia đình đã phải trả một cái giá quá lớn.


Chỉ tay vào ngôi nhà cấp 4 ọp ẹp, rộng chưa đầy 50 m2, ông Phan Văn Hợp (thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm) cho biết: "Bảy đời nhà tôi đã sống trên mảnh đất này, có 4 cặp vợ chồng đang sinh sống tại đây, bất tiện không thể diễn tả hết. Gia đình muốn xây lại nhà thì không được phép, mong chờ đất giãn dân cũng chả thấy đâu, mà mua chỗ khác để cho các con ở thì chúng tôi không đủ điều kiện". Cùng chung hoàn cảnh tương tự, gia đình ông Kiều Văn Tuấn có tới 14 người, thuộc 4 thế hệ cùng sống trong ngôi nhà chỉ vỏn vẹn vài chục mét vuông, hai người con trai ông đã ngoài 30 tuổi mà chưa dám lập gia đình, vì lấy vợ thì ở chỗ nào, sinh hoạt ra sao... Số là những ngôi nhà này không phải nhà cổ nhưng nằm cùng làng cổ nên không được sửa chữa.


Ông Phan Văn Hòa - Phó Chủ tịch UBND xã Đường Lâm, thừa nhận: “Người dân Đường Lâm khổ quá vì không được xây dựng nhà cửa theo nhu cầu sống của mình, trong khi họ đang phải ở cực kỳ chật chội. Bà con (những người không thuộc diện nhà cổ) sau bao năm sống lụp xụp, dành dụm được chút tiền giờ muốn sửa chữa, xây mới lại cho đàng hoàng nhưng vướng quy chế bảo tồn làng cổ nên lại cam chịu. Nhà nào cố tình xây sửa thì buộc lòng chính quyền phải đến nhắc nhở, khuyên giải, rồi mạnh hơn thì đành phải cưỡng chế. Ngay như trường học mẫu giáo của các cháu, vì nằm trong khu vực 1 của di tích nên cũng không thể mở rộng hay cơi nới được, nên phải nhồi nhét đến 60 - 70 cháu học một lớp”.


Do quá khổ sở, chật vật khi phải sống trong di tích, nên nhiều người dân trong làng Đường Lâm đã làm đơn xin trả lại di tích, để dân làng lại được sống một cuộc sống bình yên, tự do như bao ngôi làng khác.


Không chỉ riêng người dân Đường Lâm, mà ở những nơi khác, nhiều người dân cũng rất bức xúc, cũng muốn được trả lại danh hiệu di tích để được tự do bảo tồn, tôn tạo di sản của cha ông họ để lại. Đó là câu chuyện về nhà thờ Liêm quận công Nguyễn Khả Trạc (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội), được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH, TT & DL) xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa năm 1995.


Ngôi nhà thờ có kiến trúc rất đẹp, nằm trong ngõ nhỏ trên đường Hồ Tùng Mậu. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, trước đây nhà thờ cũng có nền bằng với những ngôi nhà khác, nhưng khoảng chục năm trở lại đây, khi đời sống người dân trong làng ngày càng khấm khá, nhà nhà đều nâng nền, xây kiên cố, đường sá cũng được nâng lên cao hơn xưa, chỉ có nhà thờ của dòng họ Nguyễn Khả sau bao nhiêu năm cũng không được nâng lên, trở thành khu vực trũng, thấp hơn mặt đường gần 1 m. Ngày nắng thì không sao, nhưng đến ngày mưa thì nước mưa, nước thải ở khắp nơi tràn vào trong nhà thờ gây ngập lụt. Ông Nguyễn Khả Thị, Trưởng dòng họ Nguyễn Khả ở Mai Dịch, người đang trông coi nhà thờ cụ Nguyễn Khả Trạc, cho biết: “Mỗi khi có mưa xuống là nước tràn vào nhà thờ, để nước không ngập nhiều, tôi đã phải bỏ tiền ra mua cả máy bơm về để bơm nước ra. Hôm nào có điện, máy bơm hoạt động thì ngập khoảng nửa mét, hôm nào mất điện thì ngập trắng nhà thờ. Tôi đã phải mua cả máy phát điện về để chạy máy bơm những khi mất điện. Trong trận lụt lịch sử năm 2008, chúng tôi đã phải chạy máy phát điện để bơm nước 15 giờ liên tục, nhưng vẫn không ăn thua. Ngay đến cả bằng công nhận di tích treo trên tường, do ẩm ướt lâu ngày cũng nhòe hết cả chữ, xót xa vô cùng”.

 


Bài và ảnh: Phương Hà

 

Bài 2: Vì đâu nên nỗi

Nỗi niềm làng di sản Đường Lâm
Nỗi niềm làng di sản Đường Lâm

Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội), ngôi làng cổ độc nhất vô nhị ở vùng đất hai vua, mấy ngày qua đã gây sự chú ý đặc biệt của dư luận bởi lá đơn có chữ ký của gần 80 hộ gia đình đề nghị trả lại danh hiệu di sản quốc gia cho Nhà nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN