Liên quan đến vụ việc 87 người dân làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây (Hà Nội) viết đơn xin trả lại danh hiệu "Di tích quốc gia", ngày 13/5, báo cáo với UBND thành phố Hà Nội, UBND thị xã Sơn Tây cho biết, MTTQ và các đoàn thể của thị xã đã phối hợp với chính quyền và các đoàn thể nhân dân xã Đường Lâm tuyên truyền đến từng đoàn viên, hội viên, đặc biệt là người dân thôn Mông Phụ hiểu rõ hơn các giá trị của di tích; chấp hành các quy định của Luật Di sản và quy định của UBND thị xã trong lĩnh vực quản lý trật tự xây dựng.
Đô thị hóa, hồi chuông báo động giá trị văn hóa vô giá của làng cổ Đường Lâm. Ảnh: Nhật Anh -TTXVN |
Cả hệ thống chính trị của huyện đã vào cuộc để vận động người dân cùng chung tay, chung sức bảo tồn và phát huy giá trị của di tích Làng cổ ở Đường Lâm, hướng tới công nhận điểm du lịch nổi tiếng này của Thủ đô là Di sản văn hóa thế giới.
UBND thị xã Sơn Tây khẳng định, đơn đề nghị trả lại danh hiệu di tích Quốc gia trên chỉ có sự tham gia của một bộ phận nhỏ người dân do bức xúc trong quá trình bị xử lý các hành vi vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn thôn Mông Phụ, không đại diện cho ý chí, nguyện vọng của toàn thể 1.500 hộ gia đình với hơn 6.000 dân đang sinh sống tại khu vực này. Mặc dù tin này xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng từ ngày 8/5, nhưng tới ngày 10/5 UBND thị xã Sơn Tây mới nhận được đơn với nội dung nêu trên.
Theo giải thích của UBND thị xã Sơn Tây, thời gian qua, tại di tích làng cổ ở Đường Lâm đã xảy ra một số vi phạm về trật tự xây dựng, trái quy định của Luật Di sản văn hoá, các quy định của UBND thị xã. Để kịp thời ngăn chặn tình trạng này, UBND thị xã Sơn Tây đã chỉ đạo UBND xã Đường Lâm và các phòng, ban ngành liên quan của thị xã kiểm điểm, đồng thời xây dựng kế hoạch cưỡng chế với các hộ dân vi phạm.
Trong thời gian tới, UBND thị xã sẽ tổ chức các cuộc họp với người dân trong vùng di tích để trao đổi, giải quyết các kiến nghị của nhân dân. Song vấn đề cấp thiết hiện nay là việc giãn dân tại di tích. Đây cũng là nguyện vọng của đông đảo người dân làng cổ Đường Lâm. UBND thị xã Sơn Tây đã đề nghị UBND thành phố Hà Nội xem xét có cơ chế đặc thù trong việc cấp đất giãn dân, hỗ trợ kinh phí tu bổ nhà ở cho các hộ gia đình thuộc diện bảo tồn.
Với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân trong vùng di tích khi xây dựng, cải tạo nhà ở, UBND thị xã Sơn Tây cũng đề nghị UBND thành phố Hà Nội xem xét, có cơ chế đặc thù, uỷ quyền cho thị xã tiến hành cấp phép xây dựng trên địa bàn. Thành phố Hà Nội cũng cần quan tâm, sớm phê duyệt dự án q uy hoạch, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích làng cổ ở Đường Lâm, làm tiền đề cho việc định hướng bảo tồn và phát huy giá trị di tích trong tương lai. Ngoài ra, UBND thị xã Sơn Tây cũng mong muốn thành phố đầu tư kinh phí chống xuống cấp để nâng cao hiệu quả bảo tồn di tích và những ngôi nhà cổ tại địa danh văn hóa đặc biệt này.
Đinh Thị Thuận