Theo đó, tổng số các khu đất đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất năm 2022 và các năm tiếp theo là 105 khu với diện tích hơn 781 ha, ước tính giá trị khoảng 12.900 tỷ đồng; đáng chú ý trong đó có các khu đất có giá trị từ 20 tỷ đồng trở lên (gồm 40 khu đất với diện tích 761 ha) và các khu đất dưới 20 tỷ đồng (65 khu với diện tích là 35,83 ha).
UBND tỉnh giao Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Đồng Nai tổ chức đấu giá trong năm 2022 và các năm tiếp theo đối với 42 khu đất có diện tích 746,53 ha, ước tính giá trị khoảng 13.303,21 tỷ đồng. Trung tâm Phát triển quỹ đất cấp huyện tổ chức đấu giá đối với các khu đất có giá trị dưới 20 tỷ đồng.
UBND các huyện, thành phố Long Khánh và thành phố Biên Hòa chỉ đạo các Trung tâm Phát triển quỹ đất cấp huyện và đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất trình UBND cấp huyện phê duyệt để triển khai thực hiện và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định đối với 63 khu đất có diện tích 35,41 ha, ước tính giá trị khoảng 353,94 tỷ đồng.
Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh phối hợp các sở, ngành xây dựng phương án đấu giá, lập hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư, xác định giá khởi điểm trình cấp có thẩm quyền quyết định và tổ chức đấu giá. Đồng thời, chủ trì thực hiện thẩm định điều kiện năng lực giao đất, cho thuê đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013; kiểm tra việc sử dụng đất của người trúng đấu giá đảm bảo đúng quy hoạch, đúng tiến độ hoặc phương án sử dụng đất được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Các sở Tài chính, Kế hoạch và đầu tư, Xây dựng, Tư pháp, Cục Thuế và UBND các huyện, thành phố căn cứ chức năng nhiệm vụ của mình triển khai thực hiện kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất bảo đảm hiệu quả, tuân thủ các quy định pháp luật.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức, mục đích của việc đấu giá quyền sử dụng đất nhằm khai thác có hiệu quả quỹ đất, đáp ứng nhu cầu sử dụng đất của người dân và doanh nghiệp, tăng nguồn thu cho ngân sách, tạo nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, phúc lợi xã hội. Đồng thời, góp phần giải quyết nhu cầu về nhà ở, nâng cao chất lượng nhà ở của nhân dân; xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật các khu đất đấu giá góp phần hoàn chỉnh các khu đô thị mới, các khu dân cư tại khu vực nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại. Qua đấu giá đất cũng góp phần tăng cường công tác quản lý Nhà nước, nâng cao hiệu quả công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu, việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất phải được thực hiện đúng quy định pháp luật, công khai, minh bạch; kịp thời phát hiện, đề xuất xử lý nghiêm các trường họp vi phạm pháp luật, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất để gây nhiễu loạn thị trường.
Được biết, từ năm 2014 đến nay, tỉnh Đồng Nai đã đưa ra đấu giá gần 60 khu “đất vàng” trên địa bàn với diện tích khoảng 329 ha và thu về cho ngân sách nhà nước tổng số tiền trên 10.300 tỷ đồng. Các diện tích khu đất có lợi thế được đưa ra đấu giá nằm tại các huyện, thành phố như: thành phố Biên Hòa, thành phố Long Khánh, huyện Long Thành và một số địa phương khác.