Ngày 21/5/2018, sạt lở nghiêm trọng đã nhấn chìm 5 căn nhà và đe dọa hàng chục ngôi nhà khác của người dân trên tuyến sông Ô Môn thuộc khu vực Thới Lợi, phường Thới An, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ. Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN
|
Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Võ Thành Thống cho biết thành phố đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ “xóa sổ” toàn bộ nhà sàn ven sông. Nhiệm vụ này được UBND thành phố Cần Thơ giao cho UBND các quận, huyện với yêu cầu có kế hoạch cụ thể cho từng năm, đến năm 2030 phải giải quyết đứt điểm vấn đề này.
Cùng với đó là phải chấm dứt việc cấp phép xây dựng nhà trên sông từ thời điểm này. “UBND các phường, thị trấn phải chịu trách nhiệm chính, nếu để xảy ra Chủ tịch UBND cấp đó phải chịu, giao cho UBND quận huyện quản lý hiệu quả vấn đề này, nếu quản lý không tốt thì cũng sẽ bị quy trách nhiệm”, ông Võ Thành Thống nói.
Theo đề xuất của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam đã được UBND thành phố Cần Thơ thống nhất thực hiện, để khắc phục đoạn sạt lở tại khu vực Thới Lợi, phường Thới An, quận Ô Môn cần kinh phí khoảng 6,3 tỷ đồng. Điểm sạt lở này sẽ được khắc phục bằng cách khôi phục lại đường ven sông, gia cố mái sạt lở bằng bao tải cát, thảm đá.
Ông Nguyễn Nghĩa Hùng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cho hay nguyên nhân sạt lở là do khu vực sông Ô Môn có dòng chảy mạnh, xoáy phức tạp. Nhà của người dân tập trung sát bờ sông, khả năng tự ổn định của các ngôi nhà này rất kém. Cùng với đó là mỗi khi thủy triều rút và có mưa to, những khu vực này dễ bị sạt lở. Đất bờ sông chủ yếu là cát, khô bở trong mùa nắng nên rất dễ lở khi có mưa to.
Cùng với giải pháp trên, vấn đề quản lý khai thác cát cũng được các chuyên gia lưu ý bởi thiếu hụt bùn cát đang là nguyên nhân khiến sạt lở ngày một trầm trọng hơn. Theo chuyên gia độc lập Nguyễn Hữu Thiện, cát thì không thể cấm khai thác được nhưng có thể quản lý việc khai thác này.
Ngày 11/5/2018, tại ấp Phú Lợi, xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A (Hậu Giang) xảy ra một vụ sạt lở cuốn trôi cả một đoàn đường dài và nhiều nhà dân phải di dời khẩn cấp. Ảnh: Hồng Thái/TTXVN |
Ông Thiện cũng cho rằng việc các địa phương thuộc Đồng bằng sông Cửu Long cần làm bây giờ là lập ngay bản đồ rủi ro sạt lở cho cả vùng. Từ bản đồ này có thể biết chỗ nào rủi ro cao để chủ động di dời người dân khỏi những nơi nguy hiểm và có lộ trình cho những điểm rủi ro còn lại tùy theo mức độ.
Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long lựa chọn các dự án theo tiêu chí đã được ban hành tại Quyết định số 01/2011/QĐ-TTg của Thủ tưởng Chính phủ về Quy chế xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển cũng như Thông báo số 185/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp về khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Tại cuộc họp này, Thủ tướng Chính phủ đồng ý hỗ trợ 1.500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2018 cho các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long để xử lý các khu vực sạt lở cấp bách ảnh hưởng trực tiếp đến khu dân cư tập trung, công trình hạ tầng thiết yếu. Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý về chủ trương bổ sung 1.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 của Chính phủ để hỗ trợ một số địa phương trong vùng tập trung khắc phục sạt lở.
Theo ông Sơn, hiện nay các dự án khắc phục sạt lở ở những nơi gây nguy hiểm trực tiếp đến các khu đô thị, khu dân cư, ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân sẽ được ưu tiên phân bổ triển khai; kế đó là các điểm sạt lở gây ảnh hưởng đến các công trình hạ tầng quan trọng như đường cao tốc, bến cảng, hệ thống truyền tải điện, di tích lịch sử - văn hóa, trường học…
Ưu tiên tiếp theo là những nơi sạt lở ảnh hưởng đến an toàn của hệ thống các đê cấp 3, đê biển; cuối cùng là những nơi sạt lở có nguy cơ ảnh hưởng đến các công trình hạ tầng thiết yếu. Đó là những ưu tiên để lựa chọn triển khai những công trình xử lý khẩn cấp ứng phó với sạt lở tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Để phòng, chống sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long, không chỉ có sự hỗ trợ từ Chính phủ mà vai trò của các địa phương và người dân cũng rất quan trọng. Khi người dân “xóa” được tâm lý ưa thích làm nhà ven sông, chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ việc khai thác cát trái phép cùng với hỗ trợ từ Trung ương, khi đó tình trạng sạt lở ở đồng bằng mới hy vọng được cải thiện.
Các biện pháp phòng, chống sạt lở gồm cả công trình và phi công trình, nếu được triển khai đồng bộ, hiệu quả thì dù phù sa và cát có giảm đi trong tương lai, Đồng bằng sông Cửu Long vẫn có thể phát triển.