Sạt lở bờ sông Ô Môn (Cần Thơ) tại khu vực Thới Lợi đã ăn sâu vào bờ khoảng 30m và dài hơn 80m. Ảnh: Duy Khương/TTXVN |
Theo thống kê, Đồng bằng sông Cửu Long hiện có 562 điểm bị sạt lở với tổng chiều dài 786 km; trong đó có 513 điểm sạt lở bờ sông với tổng chiều dài 520 km và 49 điểm sạt lở bờ biển với tổng chiều dài 266 km. Đặc biệt có 42 điểm sạt lở nguy hiểm với chiều dài 148 km cần xử lý ngay để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.
Theo ông Nguyễn Trường Sơn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một trong những nguyên nhân gây ra sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long là do các nước trên thượng nguồn sông Mê Kông gia tăng hoạt động kinh tế, tập trung vào thủy điện, gây hệ lụy tiêu cực đối với các địa phương ở khu vực này.
Trong tương lai gần, số hồ chứa được quy hoạch trên thượng lưu sông Mê Kông sẽ là 161 công trình, với tổng dung tích 101,9 tỷ m3. Do đó dẫn đến lượng phù sa, bùn cát về Đồng bằng sông Cửu Long suy giảm chỉ còn dưới 20% so với trước năm 2012. Đặc biệt, việc khai thác nước ngầm quá mức cũng đang gây sụt lún đất tăng dần trong những năm qua. Trong 25 năm (1991-2016), nhiều vùng ở Đồng bằng sông Cửu Long mực nước ngầm hạ xuống hơn 5m, gây nên sụt lún đất trung bình cho toàn khu vực 1,1cm/năm, có những nơi sụt lún 2,5cm/năm, cao gấp 10 lần so với tốc độ nước biển dâng.
Thực tế, lượng cát trên sông Tiền, sông Hậu đã bị khai thác rất nhiều, tính đến năm 2016 có 65 giấy phép khai thác cát được cấp tại các địa phương thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, tổng lượng khai thác 15 triệu m3/năm, chưa kể đến khối lượng khai thác cát của các dự án nạo vét luồng lạch giao thông đường thủy... Đó là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sạt lở ở khu vực này.
Điểm sạt lở bờ sông Tiền đang diễn biến nghiêm trọng trên địa phận xã Hòa An, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Nguyễn Văn Trí/TTXVN |
Theo báo cáo mới nhất của Ủy hội sông Mê Kông quốc tế, lượng bùn cát bị các đập thủy điện ở thượng nguồn giữ lại mất 68%, chỉ còn 32% về được đến Đồng bằng sông Cửu Long và đang tiếp tục giảm. Việc bùn cát đang suy giảm sẽ gây thiếu hụt bùn cát trên các hệ thống sông và xói lở. Khi lượng bùn cát về đang ngày một ít đi, nếu cứ khai thác cát thiếu kiểm soát thì sạt lở sẽ gia tăng.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Trường Sơn, động lực của dòng chảy tác động vào các khu vực địa chất mềm yếu cũng làm gia tăng nguy cơ sạt lở. Ngoài ra, nếu như trước đây, người dân xây cất nhà sàn ven sông chủ yếu bằng gỗ thì hiện nay nhiều người đóng cừ bê tông kiên cố, xây hẳn nhà tường trên sông. Chính việc gia tải ngày càng nhiều này khi xảy ra sạt lở hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.
Trong vụ sạt lở liên tiếp tại khu vực Thới Lợi, phường Thới An, quận Ô Môn, thành phố Cân Thơ, vụ đầu tiên chỉ có một nhà sàn gỗ vách tôn bị thiệt hại. Tuy nhiên, các vụ sau đó, những căn nhà bị ảnh hưởng hầu hết là nhà kiên cố. Thực tế, chính việc chồng chất càng nhiều công trình nặng lên bờ sông, khi thiên tai đến, hậu quả để lại sẽ vô cùng nặng nề…
Chuyên gia độc lập nghiên cứu về sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long Nguyễn Hữu Thiện nhận xét, với tổng chiều dài sạt lở bờ sông, bờ biển đã gần 1.000 km thì sạt lở ở khu vực này không bình thường như xưa mà đang... dữ dội hơn rất nhiều. Vậy nguyên nhân từ đâu?
Theo ông Thiện, nguyên nhân gây sạt lở xuất phát từ những yếu tố biến động trong thời gian này, cái nào ít biến động là nguyên nhân phụ. Chuyên gia này cho rằng nền đất yếu không phải nguyên nhân gây sạt lở, bởi bản chất của đồng bằng là nền đất yếu từ 6.000 năm nay nên không có nguyên nhân nào làm cho nền đất yếu hơn. Có 2 yếu tố xuất hiện trong 25 năm trở lại đây gây sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Sạt lở bờ sông Cái Côn ngày một nghiêm trọng uy hiếp cuộc sống nhiều người dân ấp Phú Thạnh, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Hồng Thái/TTXVN |
Cụ thể, Đồng bằng sông Cửu Long do phù sa bồi đắp nên, trong khoảng thời gian này có 2 yếu tố bị thiếu hụt là phù sa mịn và cát ở đáy sông. Ông Thiện dẫn số liệu của Ủy hội sông Mê Kông quốc tế cho biết, nếu so với thời điểm năm 1992, lượng phù sa mịn của sông Mê Kông đã giảm phân nửa vào năm 2014, từ 160 triệu tấn xuống 80 triệu tấn. Tương lai, khi có thêm 11 đập thủy điện ở hạ lưu đi vào hoạt động, lượng phù sa của Mê Kông chỉ còn 42 triệu tấn, bằng 1/4 thời điểm 1992. Còn đối với cát, hiện nay, sau khi các đập ở thượng nguồn đi vào hoạt động, toàn bộ cát ở khu vực đó đã bị chặn lại dưới đáy sông.
“Sắp tới, khi 11 đập ở hạ nguồn cũng hoàn thành, chắc chắn không còn hạt cát hay viên sỏi nào về được đến Đồng bằng sông Cửu Long”, ông Thiện nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Hữu Thiện, nguyên nhân sâu xa nhất gây sạt lở ở đây chính là thiếu phù sa mịn và cát. Trong tương lai, cả phù sa mịn, cát về đồng bằng sẽ còn tiếp tục giảm và dự báo trong 5 năm tới, tình hình sạt lở càng nghiêm trọng hơn.
Khi tiến hành những biện pháp công trình để chống sạt lở phải hết sức cẩn thận. Chỉ nên tiến hành ở những nơi nào thật cần thiết để bảo vệ trong ngắn hạn bởi vì công trình nào cũng có tuổi thọ và chi phí duy tu, bảo dưỡng sẽ tăng lên theo số năm tuổi thọ của công trình, ông Nguyễn Hữu Thiện nói.
Với nhiều năm nghiên cứu về những yếu tố làm thay đổi Đồng bằng sông Cửu Long, chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện khẳng định: Những công trình trái với quy luật tự nhiên sẽ sụp đổ. Khi có bờ kè bảo vệ ở nơi này, dòng chảy sẽ bị thay đổi, gây sạt lở ở nơi khác. “Bờ kè tạo cảm giác an toàn giả”, ông Thiện cảnh báo và nói rằng khi công trình hết tuổi thọ, sụp đổ thiệt hại sẽ rất lớn.