Chỉ trong tháng 5/2018, Cần Thơ, Hậu Giang, An Giang là những địa phương liên tiếp xảy ra sạt lở với mức độ nghiêm trọng ngày càng tăng. Đặc biệt, các vụ sạt lở liên tiếp trong vòng hơn nửa tháng mới đây tại quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ đã gióng lên hồi chuông cảnh báo tình trạng sạt lở đã rất nguy cấp.
Người dân sinh sống ở bờ sông Ô Môn tại khu vực Thới Lợi, thành phố Cần Thơ cố làm kè tạm bợ để che chắn sóng, tránh gây sạt lở thêm. Ảnh: Duy Khương/TTXVN |
Năm 2018, sạt lở bờ sông đã gây thiệt hại lớn cho thành phố Cần Thơ. Năm quận, huyện của Cần Thơ xảy ra sạt lở là Ô Môn, Bình Thủy, Thốt Nốt, Cái Răng và Phong Điền. Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ, 5 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn Cần Thơ xảy ra 9 điểm sạt lở bờ sông, nhấn chìm hoàn toàn 10 căn nhà, ảnh hưởng 37 căn nhà khác với tổng chiều dài 368 m. Thiệt hại do sạt lở bờ sông gây ra là hơn 31 tỷ đồng.
Sông Ô Môn là tuyến sông lớn, có cửa tiếp giáp với sông Hậu, lượng phương tiện thủy qua lạị nhiều, đặc biệt là sà lan, ghe chở lúa, vật liệu xây dựng trọng tải lớn. Từ đầu năm 2018 đến nay, đoạn sông này đã xuất hiện 2 điểm sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hàng chục hộ dân và nhiều tuyến giao thông nông thôn.
Điểm sạt lở đầu tiên trên sông Ô Môn trong năm 2018 xuất hiện tại khu vực Thới Bình, phường Thới An, quạn Ô Môn. Vụ sạt lở thứ nhất xảy ra vào lúc 5 giờ ngày 6/4; vụ thứ hai xảy ra vào 7 giờ ngày 18/4 tại cùng một vị trí. Khu vực sạt lở là nơi đang thi công dự án Kè chống sạt lở sông Ô Môn giai đoạn 3. Sạt lở đã ảnh hưởng đến hai ngôi nhà và một điểm giữ xe của người dân, trong đó một nhà cấp 4 bị sập, phải tháo dỡ hoàn toàn. Sau đó, đại diện Chi cục Thủy lợi thành phố Cần Thơ, chủ đầu tư dự án đã đến hiện trường, làm việc với địa phương và hộ dân bị ảnh hưởng, đồng thời có phương án khắc phục. Hiện nay, điểm sạt lở này đã được khắc phục tạm thời, xe có thể lưu thông qua lại.
Điểm sạt lở thứ hai xuất hiện tại bến đò Rạch Vàm (cách sông Hậu khoảng 500m) thuộc khu vực Thới Lợi, phường Thới An. Chỉ trong vòng 15 ngày, khu vực này đã bị sạt lở tới ba lần. Lần đầu tiên vào lúc 5 giờ ngày 7/5. Khu vực sạt lở có tổng chiều dài 75 m, trong đó đoạn sạt lở dài 15 m, kéo theo nhà ông Nguyễn Văn Ni, ước tính thiệt hại khoảng 60 triệu đồng. Sạt lở cũng đã làm ảnh hưởng đến 17 căn nhà, ngoài nhà của ông Ni còn có 2 hộ khác phải di dời tài sản, 14 hộ có nhà nằm trong vùng nguy hiểm cảnh giác cao.
Một đoạn sạt lở tại huyện Châu Thành được gia cố. Ảnh: Hồng Thái/TTXVN |
Lần thứ hai vào lúc 8 giờ ngày 10/5, tại vị trí trên tiếp tục bị sạt lở sâu vào bên trong, cắt đứt 15m đường giao thông, 1 căn nhà cấp 4 phải tháo dỡ. Người dân địa phương đã tự bỏ tiền (theo thông tin người dân cung cấp là khoảng 40 triệu đồng) để mua thân dừa về gia cố tạm thời.
Lần thứ ba, cũng là lần sạt lở gây thiệt hại nhiều nhất, xảy ra vào lúc hơn 5 giờ ngày 21/5. Đây là vụ sạt lở mới nhất và gây thiệt hại nặng nhất từ trước đến nay trên địa bàn quận Ô Môn cũng như thành phố Cần Thơ. Theo thống kê của ngành chức năng, khu vực sạt lở có chiều dài 55m, "ăn" sâu vào đất liền khoảng 10m, sâu trên 10m. Vụ sạt lở đã ảnh hưởng đến 34 căn nhà, trong đó 5 căn nhà bị nhấn chìm hoàn toàn xuống sông.