Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên: Đường lối đối ngoại và kinh tế đối ngoại linh hoạt, sáng tạo để góp phần phát triển kinh tế và xây dựng đất nước
Chủ trương “Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc trong các hoạt động kinh tế đối ngoại trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi” được Đại hội XIII của Đảng đề ra, vừa là mục tiêu, vừa là nguyên tắc, là kim chỉ nam cho mọi hoạt động kinh tế đối ngoại nhằm góp phần hiện thực hóa tầm nhìn và định hướng phát triển đến năm 2045 đưa nước ta trở thành một nước phát triển, có thu nhập cao.
Thực tế cho thấy, trong mỗi giai đoạn lịch sử, Đảng ta luôn thực hiện đường lối đối ngoại và kinh tế đối ngoại linh hoạt, sáng tạo để góp phần phát triển kinh tế và xây dựng đất nước.
Đến nay, nước ta đã có quan hệ ngoại giao với 189 quốc gia và vùng lãnh thổ (trong đó có 3 đối tác chiến lược toàn diện, 17 đối tác chiến lược, 13 đối tác toàn diện); có quan hệ thương mại với 224 đối tác và quan hệ hợp tác với hơn 500 tổ chức quốc tế; đã ký hơn 90 hiệp định thương mại song phương, gần 60 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư; đàm phán, ký kết và thực thi 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA). Đặc biệt,Việt Nam đã trở thành một trong những nước đi đầu khu vực trong việc hình thành các khuôn khổ hợp tác kinh tế đa phương.Về xuất, nhập khẩu, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề, chưa từng có của đại dịch COVID-19, song kim ngạch xuất, nhập khẩu của nước ta năm 2020 vẫn đạt trên 545 tỷ USD, dự báo năm 2021 sẽ vượt mốc 660 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động kinh tế đối ngoại của nước ta vẫn còn những tồn tại, hạn chế, như: Công tác phổ biến thông tin, kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế chưa thật sâu rộng ở tất cả các cấp từ trung ương đến địa phương và trong cộng đồng doanh nghiệp; Phát triển kinh tế và thương mại quốc tếchủ yếu vẫndựa vào các yếu tố bề rộng mà thiếu sự đóng góp đáng kể của các yếu tố chiều sâu như năng suất lao động, hàm lượng tri thức hay công nghệ. Đặc biệt, mặc dù thương mại và đầu tư tăng trưởng nhanh nhưng chưa có sự tham gia mạnh của các doanh nghiệp trong nước vào các chuỗi cung ứng quốc tế quan trọng, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp có tính nền tảng, then chốt.
Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế đối ngoại, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc trong bối cảnh tình hình mới, Bộ Công Thương đề xuất tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thể chế, nhất là việc thể chế hóa kịp thời các quan điểm, đường lối của Đảng về kinh tế đối ngoại, bảo đảm phù hợp với các cam kết và thông lệ quốc tế, khẩn trương xây dựng chiến lược mới về hội nhập kinh tế quốc tế thông qua việc tham gia có chọn lọc các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới. Đồng thời, tập trung triển khai có hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia, bảo đảm sự phát triển bền vững.
Cùng với đó, tập trung xây dựng, phát triển các ngành công nghiệp có tính chất nền tảng(như công nghiệp hỗ trợ, vật liệu, hóa chất, chế tạo, chế biến, điện tử) và hình thành các doanh nghiệp công nghiệp mạnh để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, kết nối với chuỗi cung ứng toàn cầu…
Đề cao vai trò của doanh nghiệp, xác định rõ doanh nghiệp là chủ thể, trung tâm trong các hoạt động kinh tế đối ngoại thông qua việctập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp để duy trì và phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong mọi tình huống.
Tập trung xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trên cơ sở đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ kinh tế đối ngoại, tránh lệ thuộc vào một thị trường, một đối tác cụ thể. Đồng thời, chú trọng giải quyết hài hòa lợi ích quốc gia, dân tộc với lợi ích của các nước khác trong quan hệ kinh tế đối ngoại. Chủ động thúc đẩy hợp tác, thúc đẩy định hình các quy tắc, luật lệ chung có lợi cho Việt Nam trong phân công lao động quốc tế, cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất, cung ứng khu vực và toàn cầu, nâng cao thực lực và vị thế của đất nước một cách bền vững nhất. Tăng cường bảo đảm an ninh kinh tế đối ngoại, đặc biệt trong lựa chọn, thu hút đầu tư nước ngoài ở các ngành mang tính chiến lược, nền tảng và trong thực thi một số cam kết của các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới.
Chú trọng nâng cao nhận thức, năng lực, trình độ cho các cơ quan, đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác có liên quan đến kinh tế đối ngoại và cộng đồng doanh nghiệp về chiến lược kinh tế đối ngoại, xung đột thương mại giữa các nước lớn, chủ nghĩa bảo hộ thương mại và rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng… do đại dịch COVID-19 hoặc các tình huống bất khả kháng có thể xảy ra. Đồng thời, quan tâm xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ hoạt động kinh tế đối ngoại, bảo đảm ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới.
Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch: Quảng bá hình ảnh du lịch, đất nước con người Việt Nam
Đại dịch COVID-19 đã đẩy ngành du lịch toàn cầu vào khủng hoảng chưa từng có. Tuy nhiên, hoạt động truyền thông, giới thiệu du lịch Việt Nam hướng tới thị trường quốc tế vẫn được duy trì, chuyển sang hình thức trực tuyến nhằm kết nối với khách hàng và nhấn mạnh Việt Nam luôn là điểm đến hấp dẫn, sẵn sàng chào đón du khách quốc tế khi dịch được kiểm soát.
Công tác truyền thông, xúc tiến, quảng bá du lịch có sự đóng góp không nhỏ của các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài. Quy mô và chất lượng các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch liên tục được cải thiện, đặc biệt ở các thị trường khách du lịch quốc tế trọng điểm của Việt Nam.
Để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi hoạt động du lịch trong bối cảnh mới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã ban hành Kế hoạch về việc triển khai các chính sách phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành. Kế hoạch tập trung vào 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó có việc tăng cường truyền thông, quảng bá đối với thị trường quốc tế trọng điểm.
Bộ VHTTDL đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, trong đó có Bộ Ngoại giao, xây dựng phương án đón khách du lịch quốc tế theo từng giai đoạn phù hợp với diễn biến tình hình và kết quả phòng, chống dịch của Việt Nam, cũng như của các nước.
Ngành du lịch mong muốn phối hợp với ngành ngoại giao triển khai rộng rãi chương trình truyền thông xúc tiến, quảng bá phục hồi du lịch Việt Nam năm 2021-2022 với tên gọi “Live Fully in Viet Nam”. Đó là sức khỏe, sự an toàn, những trải nghiệm mới mẻ và trọn vẹn cho những chuyến đi. Việt Nam sẽ mở cửa du lịch quốc tế với thông điệp "Live fully in Vietnam" (Sống trọn vẹn ở Việt Nam). Đến với Việt Nam, các giác quan của du khách trở nên sống động, được ngập tràn trong hương vị mới, hình ảnh mới và âm thanh mới.
Nhờ đó, Việt Nam vẫn nhận được các giải thưởng danh giá như Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới 2019, 2020; điểm đến Golf tốt nhất thế giới 2019, 2021; Điểm đến hàng đầu châu Á 2019, 2021; Điểm đến Du lịch bền vững hàng đầu châu Á 2021; Điểm đến Văn hóa hàng đầu châu Á 2019, 2020; Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á 2019, 2020… Bên cạnh đó, hàng loạt các cơ sở lưu trú, lữ hành, hàng không, vui chơi giải trí cũng đạt được giải thưởng danh giá của hệ thống giải thưởng du lịch thế giới. Những giải thưởng này khẳng định thương hiệu và tính cạnh tranh cao của du lịch Việt Nam.
Tổng cục Du lịch mong muốn công tác đối ngoại sẽ hỗ trợ đàm phán công nhận hộ chiếu vaccine, xem xét đơn giản hóa thủ tục thị thực tạo thuận lợi cho du khách, trao đổi thông tin số liệu thống kê du lịch và đặc điểm thị trường, hỗ trợ tổ chức các chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch, hỗ trợ các đoàn khảo sát và các doanh nghiệp tham gia các hội chợ du lịch quốc tế, hỗ trợ công tác xúc tiến quảng bá du lịch gắn với các sự kiện chính trị - ngoại giao - kinh tế.
Các tác đối ngoại sẽ tuyên truyền quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Để hỗ trợ cho việc tuyên truyền cũng như tăng cường công tác xúc tiến, Tổng cục Du lịch phối hợp cung cấp các hình ảnh đẹp, các video, tờ rơi, tờ gấp, tài liệu giới thiệu du lịch Việt Nam, cũng như quan tâm nghiên cứu đặc thù đối tượng khách từng quốc gia, nhu cầu văn hóa ẩm thực, phong tục tập quán…
PGS.TS. Lê Văn Toan (nguyên Phó Viện trưởng Viện Thông tin khoa học-Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh): Tranh thủ môi trường quốc tế thuận lợi, huy động các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế-xã hội
Thời gian qua, ngành ngoại giao Việt Nam thực sự là lực lượng xung kích trên mặt trận đối ngoại; đạt nhiều thành tựu quan trọng, để lại nhiều dấu ấn nổi bật, góp phần làm cho “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định.
Trước hết, ngành ngoại giao thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, vì lợi ích quốc gia-dân tộc, đã mở rộng và phát triển nhiều quan hệ đối tác đi vào chiều sâu, thiết thực. Đến nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, quan hệ kinh tế, thương mại với hơn 230 nước và vùng lãnh thổ, có quan hệ đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện với 30 nước, bao gồm 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, toàn bộ Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) và tất cả các nước thành viên ASEAN. Đảng ta đã thiết lập quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc gia. Quốc hội Việt Nam có quan hệ với quốc hội, nghị viện của hơn 140 nước. Các tổ chức hữu nghị nhân dân có quan hệ với 1.200 tổ chức nhân dân và phi chính phủ nước ngoài. Ngành ngoại giao đã góp phần tạo dựng và củng cố ngày càng vững chắc cục diện đối ngoại rộng mở, thuận lợi cho công cuộc đổi mới đất nước và bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia dân tộc.
Thứ hai, ngành ngoại giao đã tranh thủ môi trường quốc tế thuận lợi, huy động các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Ngành ngoại giao đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước và trực tiếp tham gia xúc tiến để Việt Nam tham gia và có quan hệ tốt đẹp với nhiều tổ chức, cơ chế hợp tác kinh tế-phát triển hàng đầu như: Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)…; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan thúc đẩy đàm phán và ký kết 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA “thế hệ mới”; phối hợp các cấp, các ngành mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút FDI, ODA, đặc biệt, xúc tiến thương mại, giải quyết các vấn đề xuất khẩu hàng hóa, sản phẩm Việt Nam trong đại dịch,… Việt Nam đã có quan hệ thương mại với trên 220 đối tác, 71 nước đã công nhận quy chế kinh tế thị trường đối với Việt Nam.
Thứ ba, trong những năm qua, Việt Nam đã hoàn thành nhiều trọng trách quốc tế quan trọng như Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Chủ tịch luân phiên ASEAN, chủ nhà Hội nghị cấp cao ASEM, Hội nghị Thượng đỉnh APEC, Diễn đàn kinh tế thế giới thế giới về ASEAN, Hội nghị Thượng đỉnh Hoa kỳ-Triều Tiên,… góp phần nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của nước ta.
Thứ tư, ngành ngoại giao góp phần quan trọng củng cố môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển đất nước; góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Thứ năm, ngành ngoại giao Việt Nam đã nỗ lực, cố gắng thực hiện tốt công tác người Việt Nam ở nước ngoài và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, thể hiện tình cảm, trách nhiệm, tính nhân văn của Đảng, Nhà nước ta trong việc chăm lo cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; phát huy mạnh mẽ nguồn lực của kiều bào. Công tác bảo hộ công dân được triển khai đồng bộ, chu đáo, hiệu quả. Đặc biệt, trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19, đã tổ chức gần 800 chuyến bay đưa trên 200.000 công dân về nước an toàn.
Thứ sáu, chủ động tích cực triển khai ngoại giao y tế, ngoại giao vắc xin, tranh thủ sự hỗ trợ kịp thời của cộng đồng quốc tế về vaccine, thiết bị y tế, thuốc điều trị COVID, góp phần quan trọng vào việc phòng, chống và thích ứng an toàn với dịch COVID-19, góp phần thực hiện mục tiêu “kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội.
Thứ bảy, ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại, đã góp phần quảng bá mạnh mẽ hình ảnh Việt Nam đang đổi mới thành công trên trường quốc tế; vận động UNESCO công nhận nhiều di sản của đất nước là di sản văn hóa thế giới, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Thứ tám, đối ngoại nhân dân thực sự đã phát huy vai trò là một kênh đối ngoại “tâm công”, lan tỏa hình ảnh một đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam chính nghĩa, đạo lý, nhân văn, yêu chuộng hòa bình, có tinh thần hữu nghị, đoàn kết, đắp xây hòa bình, ổn định và phát triển trên toàn thế giới; góp phần nâng cao vị thế, uy tín và ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế; góp phần tích cực hỗ trợ công tác bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải, vùng trời, nhất là trên Biển Đông.